Người viết kiếm sống là những trải nghiệm nghề viết của bản thân, lộ trình trở thành cây bút chuyên nghiệp sau hơn 10 năm viết, sống từ nghề của tác giả Hạ Chi. Cuốn sách truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê viết và có thể giúp họ tự tin hơn trong việc theo đuổi nghề này.
[…]
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có khả năng viết lách gì! Tôi chỉ thích đọc. Ước mơ thời nhỏ của tôi là làm thủ thư, hoặc người bán sách. Hoặc làm hiệp khách giang hồ.
Tôi chưa bao giờ tin rằng mình có khả năng kể ra thứ gì hay ho, lôi cuốn người khác phải ngồi xuống và lắng nghe cái thế giới trong đầu tôi. Tôi ít nói và cũng ít bộc lộ, chỉ quen sống trong những suy tưởng của riêng mình.
Kể cả khi, lên đại học tôi học cùng với Chiêu Anh, một phóng viên xịn của tờ Hoa học trò và biết viết báo kiếm được nhiều tiền lắm, tôi cũng rất rụt rè trước suy nghĩ là mình có thể làm công việc giống như bạn.
[…]
Tôi từng viết về cách đi xe bus “sành điệu chuẩn sinh viên”, thu hết can đảm gõ vài bài viết gửi cho Chiêu Anh coi, rồi nó lắc đầu, “bài vầy không xài được đâu”. Sau đó là cách làm quen với bạn mới ở trường đại học, cũng vớ vẩn nốt. Một truyện ngắn mà chính tôi thủ tiêu ngay sau khi viết xong. Hỏng hết!
Tôi lại lẽo đẽo theo làm phụ tá cho bạn mình, ví dụ như khi nó đi tới chợ Kim Biên viết bài về hóa chất dỏm pha trà sữa thì tôi đi theo giữ xe và đóng vai người mua hàng, rồi để nó phỏng vấn trong vai trò “một bạn đọc thường uống trà sữa vỉa hè”.
Sách Người viết kiếm sống. Ảnh: Phục Hưng Books. |
[…]
Chiêu Anh bạn tôi, chê thì chê nhưng vẫn dắt tôi lên tòa soạn, vào từng phòng ban, từng tờ báo, nào là Sinh viên Việt Nam, rồi Hoa Học Trò, rồi 2!Magazine – tờ họa báo màu đầu tiên dành cho giới trẻ, để gửi tôi cho các biên tập viên.
Các anh chị hỏi tôi về kinh nghiệm đã có, xem một số bài tôi đã viết thử và cứ thế lắc đầu. Từ tầng 2 tới tầng 4 mới có người chịu “thu nhận” tôi. Đó là chị Giang Thế An của tờ 2!, người chị bao dung nhất trần đời và luôn có một danh sách những món ăn ngon “nhất quả đất”.
Vì sự động viên và kiên nhẫn của chị mà tôi dần có lòng tin vào chính mình. Không phải tin rằng mình có tài năng, mà tin rằng: nếu cố gắng, mình sẽ làm được.
Bài viết đầu tiên của tôi là thế này: Chị An thấy tôi cầm quyển Mật Mã Da Vinci của Dan Brown, nên hỏi rằng tôi có thể viết về nó được hay không. Tôi gật đầu, dành buổi tối để viết cho xong bài giới thiệu. Nhưng đọc lại, tôi thấy nó chẳng có gì đặc biệt cả. Lỡ chị An đọc rồi không giao thêm gì nữa thì sao!
Thế rồi, tôi đi mua hết những quyển sách của Dan Brown đã xuất bản, dành vài ngày sau đó đọc lại hết toàn bộ sách của tác giả này. Tôi tự hỏi, có cái gì chung làm nên sự hấp dẫn của những quyển sách này? Câu trả lời là: những bí ẩn trong sách rất thực, thực tới nỗi mình nghĩ rằng toàn bộ câu chuyện phiêu lưu trong sách rất có thể đã xảy ra.
Vì sao nó lại thật tới vậy? Là vì tác giả đã vận dụng rất nhiều kiến thức, huyền thoại, sự kiện, hiểu biết sẵn có và thêm vào đó vài phần tưởng tượng. Tôi biết mình phải viết về điều gì rồi! Tôi sẽ chỉ ra những điều bí ẩn vẫn còn giấu trong sách của Dan Brown, những bí ẩn mà càng biết nhiều bạn càng bị ám ảnh.
Tiếp đó, tôi tìm kiếm những bài viết liên quan đến các từ khóa quan trọng của sách, từ thần thoại Hy Lạp, điển tích Kinh Thánh, lịch sử nghệ thuật đến tiểu sử của tác giả. Kết quả là một bài viết hơn 3.500 chữ, sau đó được yêu cầu cắt xuống đến 2.000 – vừa đủ 3 trang báo có ảnh minh hoạ.
Tác giả Hạ Chi. Ảnh: Phục Hưng Books. |
Như mơ ước của tôi, chị An lại tiếp tục giao những đề tài mới cho tôi, chứ không bảo tôi “thôi em về làm nghề khác đi nha!”. Rồi dần dà, thời gian tôi lên lầu 4 của tòa soạn ngày càng thường xuyên, số trang tôi “xí” được trong mỗi tờ báo phát hành hàng tuần ngày càng nhiều.
Cho đến khi ra trường, tôi đã có 3 năm kinh nghiệm và được nhận vào thử việc ở tòa soạn.
Trong các phóng viên và biên tập viên, tôi nổi tiếng là… cày như trâu. Vì lúc nào tôi cũng có bài đăng báo. Thực ra, đâu phải lúc nào tôi cũng thành công trong việc đưa “con mình” lên mặt báo.
Có những bài viết sửa đi sửa lại vẫn không đạt tiêu chuẩn. Có những ý tưởng bị gạt bỏ. Có những bài 2.000 từ bị cắt xuống còn 300. Thế nhưng, tôi vẫn là một trong những người viết xí được nhiều trang nhất. Đơn giản vì, tôi chưa khi nào ngừng lại.
[…]
Vì sao tôi lại có động lực đến vậy? Câu trả lời thành thật nhất có lẽ là: tiền. Tiền là đáp án đầu tiên. Thế đấy, đôi lúc câu trả lời rất dễ thấy, rõ ràng, thực tế nhưng vì thật quá nên ít ai thích nghe. Mọi người thường nghĩ rằng đam mê mới là động lực.
Tôi tự hỏi, mình có đam mê viết không? Khi ngồi bên máy tính, có lúc tôi chán ngán phát điên cái việc đẻ chữ của mình. Có lúc tôi ngồi lì để viết nhiều tới mức muốn đổ máu mũi, và khi đứng lên bước ra ngoài phố, ngày đã sắp tàn. Những lúc đó, tôi đâu thấy đam mê, tôi chỉ mệt. Nhưng, tôi vẫn tiếp tục. Vậy nên, thay vì nói về đam mê – tôi sẽ nói rằng…
Tôi tiếp tục là vì: có người nói rằng tôi đang làm tốt. Sau khoảng 10 bài đăng, có bạn đọc nói với tôi rằng: tôi thích những gì cậu viết lắm! Hãy tiếp tục nhé! Bạn đọc nói họ chờ bài của tôi. Tôi ít khi cố gắng quá mức vì điều gì, nhưng lần này, tôi tự nói với mình: mày đã tìm được một điều mày khá giỏi, và đủ yêu thích rồi đó! Đừng bỏ cuộc nhé!
Lý do cuối cùng là vì tôi tìm được cách để sử dụng những thứ đã có sẵn trong mình, mang nó lên trang giấy.
Sự khác biệt giữa người tiêu thụ và người viết đôi khi rất đơn giản. Người tiêu thụ xem một bộ phim và dừng lại ở đó. Người viết sẽ viết về bộ phim để khuyến khích nhiều người hơn nữa đi coi, họ sẽ xem phim kỹ hơn để tìm ra những chi tiết ít ai chú ý, họ viết ra ý nghĩa ẩn sau bộ phim đó. Người viết tiêu thụ chậm và dùng những gì tiếp thu được để tạo ra cái mới.
[…]