Leo núi là một trải nghiệm thú vị, giúp rèn luyện sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: Sktravel. |
Trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn nên dành thời gian để đánh giá phong cảnh xung quanh, những đồi cao thung thấp, những nơi mấp mô hay bằng phẳng, tìm kiếm những đặc điểm địa hình của từng khu vực. Cho dù bạn đang tận hưởng những cung đường thoai thoải miền Đông Anglian hay dãy Himalaya trập trùng, luật chơi vẫn không có gì thay đổi.
Sẽ rất khó để biết mình nên đi đâu nếu không quan sát cẩn thận. Hầu hết mọi người đều cho rằng việc này “dễ ợt” và dựa dẫm vào bản đồ, nhưng sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ nhận ra rằng chính địa hình thực tế của vùng đất bạn đi qua mới là tấm bản đồ tốt nhất. Trong suốt hàng triệu năm, con người đã khám phá Trái đất này bằng đôi chân mà không dựa vào sự trợ giúp của những tấm bản đồ có sẵn ấy.
Tôi thích sử dụng những hoạt động trực quan để minh họa cho tầm quan trọng của việc quan sát một cách tỉ mỉ xung quanh mỗi khi có thể. Đứng trên đỉnh đồi, tôi hỏi một nhóm bạn xem họ cho rằng những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới trải nghiệm của toàn đoàn trong chuyến đi sắp tới. Một số người hướng vẻ mặt lo lắng lên bầu trời, tìm kiếm những dấu hiệu bất thường của thời tiết và ỉu xìu khi không thấy gì cả. Tiếp theo, tôi đề nghị mọi người cho tôi một danh sách những điểm đặc trưng của khung cảnh xung quanh.
“Ờm, một nông trang, bìa rừng, hai đỉnh núi, đường bờ biển, cột sóng vô tuyến, ba con đường mòn, cột khói bốc lên từ đống lửa, vùng ven đô, một con đường, bức tường…” Danh sách cứ thế kéo dài thêm cho đến lúc tôi bảo ngừng.
Sau đó, chúng tôi đi bộ thêm mười phút nữa, đã ở trên đỉnh đồi rồi thì chỉ còn đường duy nhất là đi xuống thôi. Đặt chân lên cánh rừng nằm dưới một thung lũng khá bình thường, tôi lại hỏi cả nhóm xem họ có thể nhìn thấy những đặc điểm gì của khung cảnh xung quanh hay không.
“Có đường lên đồi ở hai hướng, với cả… cây cối… ờm, thế thôi.”
Chỉ trong mười phút, chúng ta đã đi từ thừa mứa đến “đói khát” cái để nhìn. Thực ra cũng không đến mức “đói khát” đâu. Trong cái khung cảnh thứ hai mà ta cho là nghèo nàn ấy thực ra có rất nhiều tiềm năng, không lâu nữa, chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi gặp những thổ dân bộ lạc Dayak ở Borneo.
Nhưng hiện tại, chúng ta cần thấy rằng giá trị của một khung cảnh mà ta nhìn thấy không chỉ đơn thuần nằm ở một chữ “đẹp”, nó còn là một nguồn thông tin cực kỳ dồi dào. Độ cao cho chúng ta luật xa gần, và đây là một món quà quý giá.
Những người chuyên vẽ bản đồ địa hình hiểu điều này hơn ai hết, đây là một trong những lý do giải thích tại sao khi đứng bên cạnh một “điểm tam giác đạc”, hay còn gọi là trạm trắc địa, bạn có thể nhìn thấy ít nhất hai điểm tam giác đạc trên những vị trí cao ở phía xa trong điều kiện tầm nhìn tốt.
Cuốn sách Nghệ thuật thất truyền về giao tiếp với thiên nhiên. Ảnh: H.H. |
Có được tầm nhìn là dấu hiệu thúc đẩy chúng ta ghi nhớ trong đầu những đặc điểm nổi bật của quang cảnh ta nhìn thấy. Nó tự nhiên diễn ra khi những điểm mốc xung quanh thực sự nổi bật hoặc đặc sắc, những điểm mốc như vậy thường có những cái tên hình tượng và dễ nhớ.
Lấy ví dụ, khi nhắc tới đỉnh SugarLoaf (bánh ngọt), người Anh sẽ hình dung ngay đến đỉnh núi ở Monmouthshire xứ Wales cũng như người Brazil sẽ ngay lập tức nhớ tới đỉnh núi cùng tên ở Rio de Janeiro vậy. Đáng tiếc là khả năng một người nhận ra một mốc nổi bật ít hơn rất nhiều so với khả năng người ta bỏ lỡ những mốc bình thường hơn.
Hãy nhớ lại một quang cảnh mà bạn quen thuộc và đếm trong đầu những mốc bất kỳ mà bạn nhớ được. Lần tới khi cùng bạn bè tới thăm nơi nó, các bạn hãy liệt kê những đặc điểm đó ra như một cuộc thi nho nhỏ. Những bức tường xiêu vẹo, cây cối, hòn đá, những đỉnh đồi dốc sẽ hiện ra rõ ràng trong tâm trí bạn.
Thực tế là bạn cần bỏ ra kha khá công sức để nuôi dưỡng thói quen dành thời gian ghi nhớ những đặc điểm của một mốc ít nổi bật hơn. Trong những người mà tôi đã có dịp đồng hành, kỹ năng này chỉ xuất hiện ở ba nhóm người: những họa sĩ, những người lính lâu năm và người bản xứ.
Tôi cảm thấy rằng việc tỉ mỉ tìm hiểu những nét đặc trưng chi tiết hơn của một quang cảnh là điều mà bộ não con người hiện đại cảm thấy khó khăn và thiếu tự nhiên một cách kỳ lạ. Nếu bạn đang gặp khó khăn, có hai phương pháp chính có thể giúp bạn trui rèn khả năng này: hoặc dành thật nhiều thời gian ở một vùng hẻo lánh không có bất kỳ thứ công nghệ, bản đồ, la bàn nào hỗ trợ, hoặc dành thời gian vẽ lại vài tranh phong cảnh. Chỉ có một trong hai cách là phương pháp thiết thực. Chất lượng tranh không quan trọng, quan trọng là bạn học được nghệ thuật quan sát và nhận biết.
Việc học cách quan sát khung cảnh một cách cẩn thận sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều khi bạn biết một chút về phối cảnh, ánh sáng và tác động của nó lên mỗi vật thể. Lần tới khi thấy một dãy đồi núi trập trùng chẳng hạn, hãy quan sát thật kỹ, bạn sẽ nhận ra một điều mình đã nhìn cả nghìn lần rồi nhưng chưa bao giờ để ý tới.
You must be logged in to post a comment Login