Năm 1998, do ảnh hưởng của căn bệnh run vô cơ và hở van tim, tôi đã quyết định nghỉ hưu sớm để toàn tâm chăm lo cho gia đình và con cái. Chừng một năm sau đó, vào một ngày mùa hè năm 1999, tôi choáng váng khi nhận kết quả sinh thiết mình bị ung thư vú bên ngực phải. Vô vàn lo lắng chất chồng, tôi biết mình không thể lùi bước. Ngay khoảnh khắc đó, tôi cố trấn tĩnh lại và xin bác sĩ lùi 20 ngày điều trị để về sắp xếp công việc gia đình.
Ngày 26/7/1999, tôi mổ, ca mổ kéo dài bốn tiếng. Sau 10 ngày hậu phẫu, tôi bắt đầu truyền sáu đợt với 12 mũi hóa chất trong suốt tám tháng trời. Tác dụng phụ của thuốc khiến tóc của tôi rụng dần, tôi thường xuyên bị nôn ói, cơ thể mệt mỏi rã rời. Năm năm liền sau đợt điều trị ấy, tôi tiếp tục phải dùng thuốc nội tiết Tamoxifen.
Trong gần 20 năm sau cuộc phẫu thuật lần đầu tiên, nhiều lúc tôi quên hẳn mình là một bệnh nhân ung thư khi được sống trọn vẹn những năm tháng đầy ắp tiếng cười, niềm vui của gia đình, bạn bè, được chứng kiến con cái lớn lên và thành đạt. Thế rồi, tháng 6 năm 2018, trong đợt tái khám định kỳ, bác sĩ đã phát hiện tôi bị di căn sang ngực trái. Cái vòng tròn đáng ghét đó lại lặp lại với tôi một lần nữa: lên bàn mổ phẫu thuật đoạn nhũ, vét hạch, lại truyền hóa chất, xạ trị 36 mũi và truyền đích… Đáng sợ và kinh khủng vô cùng!
Sau một năm truyền đích Herceptin, tôi được bác sĩ chỉ định uống thuốc nội tiết bậc 2 – Arimidex. Nhưng mới chỉ được năm tháng, tháng 11 năm 2019, tôi lại phát hiện nhiều hạch di căn khác: ngoài hạch nách, hạch thượng đòn, tôi còn bị di căn tới hạch trung thất và cạnh phế quản gốc phải. Chẳng còn lựa chọn nào khác, tôi lên bàn mổ lần thứ ba, tiếp theo là truyền sáu đợt hóa chất, lại nôn ói và đau đớn đến kiệt quệ mà chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ khiến tôi rùng mình.
Tháng 9 năm 2020, do hạch lại nổi lên nhiều hơn, tôi phải nhập viện, lại phẫu thuật và truyền hóa chất Navelbine mỗi tuần một lần và tiêm hai mũi kích bạch cầu. Sau 23 tuần, thuốc không đáp ứng được nữa do tế bào ung thư biến đổi sang dạng khác, bác sĩ đã cho tôi uống hóa chất Xalvobin và thuốc đích Herceptin. Lần này, tóc tôi không bị rụng nhiều nhưng da ở bàn chân thì bong tróc hết cả.
Ngày 21/10/2021, đến hẹn, tôi tái khám, bác sĩ chỉ tần ngần đáp: “Cô đi làm thêm xét nghiệm chọc tế bào hạch thượng đòn phải nhé”. Kết quả là: Hạch di căn carcinoma, chỉ số CA 15-3: 28,91 U/ml. Lòng tôi nặng trĩu.
Bác sĩ chỉ định cho tôi truyền thuốc đích Herceptin và Perjeta, 21 ngày truyền một đợt, cùng đó là truyền hóa chất Paclitaxel mỗi tuần một lần. Hôm đó, truyền thuốc xong, tôi về đến nhà là 22 giờ, mệt rũ đến thiếp đi. Sáng dậy, soi mình trong gương, tôi thầm nghĩ: “Chỉ ít ngày nữa thôi, tóc lại rụng chẳng còn một sợi, liệu rằng, mình có còn đủ sức để chăm lại mái tóc dài thế này nữa hay không?”.
Sau hơn hai thập kỷ “làm bạn” với ung thư vú, trải qua nhiều lần phẫu thuật, xạ trị… nhưng cô Nguyễn Thị Bích Đông chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. |
Không chỉ thế, thời gian trước khi hoàn thành điều trị di căn đợt hai, tôi bị đau cánh tay bên phải đến mức thể tự nhấc lên được. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ chẩn đoán tôi bị đứt bán phần gân trên vai và hẹp khoang dưới mỏm cùng vai.
Tôi được tiêm Corticoid và kê đơn thuốc uống trong một tháng cùng các bài tập để phục hồi cánh tay. Ít lâu sau, tôi được chỉ định mổ, nhưng do trước đó đã dùng quá nhiều hóa chất nên gân tay tôi yếu và không thể thực hiện phẫu thuật được, cho nên, khi nào đau thì sẽ lại phải tiêm…
Hơn 20 năm qua, ba lần phẫu thuật, 50 đợt truyền hóa chất, 36 mũi xạ trị với rất nhiều lần chụp X-quang, CT, PET/CT, xạ hình xương, đã dùng qua rất nhiều loại thuốc, mỗi loại đều “tra tấn” tôi bằng những nỗi đau đớn khác nhau. Cũng có khi yếu lòng nhưng chưa bao giờ tôi cho phép mình bỏ cuộc.
Trên hành trình nhiều xót xa ấy, tôi có gia đình, có anh em, có bạn bè, đặc biệt là sự tận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Nội 5, Bệnh viện K3 Tân Triều và hiện nay là các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K1 Phan Chu Trinh, đã động viên, khích lệ giúp tôi đứng vững, quyết tâm và kiên trì chiến đấu với căn bệnh nan y này.
Tôi hiểu rằng, cuộc chiến này vẫn tiếp diễn và tôi còn cả một chặng đường dài phía trước, muốn chiến thắng thì chẳng có cách nào khác là phải đương đầu vượt qua, để mỗi ngày thức dậy, tôi lại tự nhủ, mình cần cố gắng thêm một chút nữa…
Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích Đông, sinh năm 1951, ở Hà Nội
You must be logged in to post a comment Login