Ký họa chân dung nhà thơ Chu Hồng Tiến của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. |
Chu Hồng Tiến học Tổng hợp Văn Hà Nội. Ở đó có nhiều “dị nhân” đa tài, sống ngang tàng, chỉ biết khuất phục trước cái đẹp. Anh làm thơ từ hồi đang học. Lớp hậu sinh vào khoa vẫn nghe tên anh vang lên cùng với những Nguyễn Đức Hạnh, Xuân Hải, Tiến Thanh, Hồng Hải… Nhưng Tiến ít điền tên mình vào những chốn thơ phú, đàn ca, các mối tình nhiều giai thoại…
Anh lặng lẽ như chính con người mình, không ưa ồn ã hoành tráng, chỉ liu riu góc phòng, như tách biệt, như trôi ngoài câu chuyện… Rất nhiều năm tháng, người ta biết đến anh như một nhà báo, chỉ ít người khi nghe Chu Hồng Tiến mới sực nhớ ra cái tên này còn thuộc về thơ ca và hội họa.
Thoạt nhìn thấy khó gần. Dáng vóc nhỏ thó. Mặt lành lạnh. Mắt trũng sâu soi như găm đạn vào mặt người đối diện. Tóc và râu ria rối như cỏ úa. Bập thuốc lá liên tục. Ngắm kỹ thấy một vẻ là lạ ở bên trong. Uống vài ly là đòi nghe hát bài Lá thư đô thị và quả quyết bài này là bài “hiện sinh”. Nhưng chơi lâu thấy đượm nồng. Và cũng “đầm đìa” ra phết: “Nghe bài này anh lại nhớ mấy thằng bạn lính, chết rồi!”.
Tiến ít nói, cả buổi ngồi với nhau chả nói chả rằng, chỉ thi thoảng buông: “Hay!”, khi nghe ai đó đọc vài câu thơ, hát vài câu hát. Thơ Tiến, như anh, kiệm lời. Nói chuẩn hơn là anh không thích thơ kể lể dông dài. Thơ, gói chặt cảm xúc vào những thi ảnh đẹp, lúc thì “Búp bê khóc nhàu áo cũ”, khi là “Chiếc túi ta đựng chiều” hay “Năm ngón xòe vào thị xã”…
Trông thế thôi chứ chu đáo lắm! Một chiều hiu hiu, Chu Hồng Tiến kéo riêng tôi ra một góc, nói thật nhỏ như sợ người thứ ba nghe thấy: “Như đã hứa, anh mang cho chú tập thơ riêng in từ 2008”. Tập thơ mỏng manh 31 bài được gói ghém cẩn thận trong chiếc túi giấy dầy có ký chữ “Tiến”, nghe nói suýt ăn giải Hội Nhà văn thời điểm đó.
Tập thơ bìa cực đẹp tối giản khớp với tên cũng tối giản Phố Đồng Thảo. Thơ cũng gọn, không rườm lời, thừa chữ, thi thoảng ngân lên như Đồng dao bọn trẻ con. Tiến đưa quê ra phố, nâng quê kiểng bình đẳng với thị thành trong những vẻ đẹp được chắt lọc như anh vẫn từng chắt những giọt rượu nồng uống suông với bè bạn. Những câu thơ tối giản giống cả với tranh anh vẽ. Vẽ nhanh chấm phá bằng phấn màu học trò. Vẽ như chộp nhanh tia cảm xúc đang rần rật nơi khóe mắt của kẻ đa tình. “Anh chịu, cứ đưa toan, bút, giấy đàng hoàng là không vẽ được. Tiện vớ được mảnh giấy là vẽ thôi”.
Thơ Tiến gọn sắc như ký hiệu thảng thốt của hư hao, vẻ đẹp mong manh, những mất mát phố thị-thôn dã. Anh yêu Trần Hòa Bình, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Quốc Thực, Chu Hoạch… Người ta nhận ra anh cũng có điểm gì đó hao hao giống những người thơ tài hoa, chơi thơ nhiều hơn là coi thơ như một nghề. Nhưng Tiến cũng có nhiều chất riêng. Anh đưa ra nhiều ý niệm của chính mình, ấp ủ trong những nỗi buồn trong veo, thảng thốt với cái nhìn tinh tế cùng sự chuyển động của không gian và nội tâm: Chiều dâng đầy quả mâm xôi / Ở phía xa có giọng chim rất gần / Bao nhiêu gió nên chiều đi thật vội / Qua vòm cây dải nắng hắt cầu vồng.
Anh viết dâng mẹ cha những câu thơ thật dung dị, khe khẽ như hơi thở. Viết về lúc ra đi của người cha như một lời chia tay mà đau lắm. Không khóc, không nước mắt mà thấm cái tình phụ tử: “Rồi một đêm có con chim bé xíu / Cõng cha qua ô cửa / Nhẹ hơn khói thuốc hơi trà / Mũ áo theo người đi”.
Anh hái từ vườn thơ dâng mẹ những trái thơ riêng anh: “Đâu đấy mẹ gọi / Thảm thắc qua vườn rào dày lá / Đâu đấy người dâng mùa quả / Thơm đầy chiều mâm xôi”.
Chu Hồng Tiến như người “mộng du” đi qua thời cuộc, nhặt nhạnh, gạn gùng những ánh nhìn ngơ ngác, những điều vụn xinh mà thiên hạ bỏ mặc, như câu bất chợt: Đêm thong dong vòng quanh quả táo… Anh có nhịp thơ riêng mình, lúc khoan lúc nhặt, khi ngắn khi dài, không quá lệ vào vần điệu truyền thống nhưng cũng không quá phá cách. Có những khúc thơ buông “khách quan” như những dòng tin nhưng phía trong câu chữ đọng lại nỗi niềm: “Thành phố / Quả khô đèn hạt đỗ / Chuyến xe đò cuối ngày / Hàng Buồm, Hàng Lược, Hàng Khay… / Chú bé rao tờ nhật báo”.
Nhưng không phải không có những nhịp điệu: “Áo chàm lam lan lan đậm bìa rừng / Đàn sâm cầm mừng gì ríu cánh / Cuộn lên / Như khói / Trời chiều”.
Thơ Tiến mix giữa hiện đại và dân gian, không quá mô-đéc nhưng cũng không lệ xưa, như một bài ngắn sau đây – Líu lô:
“Người lên từ đầm
Và sen thôi soi gương
Những đầm sen như ổ trứng mùa hè
Bỗng sáng nay thức dậy se sẽ
Nhị vàng
Bông trắng
Lá xanh…
Bài ca vỡ oà tháng Tám
Líu lô
Líu lô”.
Cái riêng nữa của Chu Hồng Tiến là bằng cách chơi từ ngữ, anh đã tự mình đặt tên cho phố (Phố Đồng thảo), cho mùa (Mùa Hoa niên), cho chiều (Chiều Violette), cho thôn xóm (Thôn Thảo quả), cho đêm (Đêm Đỗ quyên)…
Ngoài viết báo, làm thơ, Chu Hồng Tiến còn ham vẽ. Gần đây ngày nào anh cũng đưa lên trang Facebook cá nhân những bức họa “xuất thần”, chớp nhanh vệt ánh sáng cảm xúc. Hồn nhiên, tối giản, anh trọng những nhát màu bất chợt. Lúc thì vẽ một buổi sáng tinh mơ, góc cánh đồng mùa đông, một bờ đê đẫm gió, nhiều khi chỉ là chiếc ghế ngoài vườn không bóng người; vẽ về những thời điểm trong ngày, những khoảnh khắc, tĩnh vật, bông hoa, rặng cây, cơn gió… Chẳng đề tài to tát, thông điệp triết lý, như thơ, tinh khôi anh vẽ thứ ánh sáng hiếm hoi còn sót lại mơ hồ giữa dòng đời nhiều bóng tối và cạm bẫy!
Từ đó, những câu thơ, những sắc màu Chu Hồng Tiến cứ “mộng du” đi qua vẻ đẹp trần gian, tối giản mà đẫm sâu ánh nhìn nội tâm.
You must be logged in to post a comment Login