Nghi thức hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hành và lưu truyền từ lâu trong dân gian, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Một số công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó không thể không nhắc tới Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam của tác giả Maurice Durand.
Sách Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam (phải). Ảnh: Việt Linh. |
Đi điền dã, nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu
Maurice Durand (1914-1966) là nhà ngôn ngữ học người Pháp, sinh ra tại Hà Nội. Ông để lại nhiều công trình nghiên cứu, dịch, bài viết về văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu Pháp coi ông là “thành hoàng” đích thực về Việt Nam học của người Pháp.
Những năm 1950, Maurice Durand đã tìm hiểu, đi điền dã ở nhiều nơi để nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ những quan sát điền dã thực địa, câu chuyện của nhân vật, sự kiện diễn ra trong thực tế kết hợp toàn bộ văn bản, nghiên cứu, tác giả đã viết Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam.
Công trình được xuất bản năm 1959. Đến nay, không thể tìm thấy sách trên thị trường, chỉ còn một vài bản gốc được lưu giữ ở một số thư viện. Năm 2020, bản dịch sang tiếng Việt lần đầu ra mắt độc giả.
Sách được thực hiện với sự hợp tác giữa Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ở TP.HCM và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Đây cũng là kết quả hợp tác với chương trình châu Âu Vietnamica (ERC) do Viện Khảo cứu Cao cấp (EPHE) chủ trì liên kết với Tổ chức Đại học Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Sách của Maurice Durand là những nghiên cứu, phân tích, mô tả các điện thờ, hoạt động hầu đồng, trang phục của thanh đồng Việt Nam những năm 1950. Dịch giả Nguyễn Thị Hiệp nhận xét về công trình nghiên cứu: “Tuy ngắn gọn, giản đơn, mà khá đầy đủ về hoạt động này… Tác giả miêu tả hiện tượng lên đồng bằng con mắt của người ngoài cuộc, khách quan, không định kiến”.
Dịch giả cho biết Maurice Durand đã thích thú quan sát, khảo cứu một cách nghiêm túc theo quan điểm của nhân học phương Tây hiện đại: “Ông đi từng ngõ làng góc phố, nơi đâu có điện thờ là ông tới quan sát, tham dự các buổi hầu đồng, đi đến những đền thờ Mẫu vào ngày lễ hội, sưu tầm các bài văn chầu bằng chữ Nôm, quốc ngữ sử dụng trong các buổi hầu đồng”.
Tư liệu chân thực về nghi thức hầu đồng
Nghiên cứu của Maurice Durand được sự hỗ trợ của đội ngũ họa sĩ, thợ chụp hình thuộc Viện Viễn đông Bác cổ. Do đó, nhiều tranh vẽ, nhất là tranh vẽ trang phục, giày dép, đồ vàng mã… sử dụng trong nghi lễ hầu đồng, điện thờ Mẫu ở Hà Nội và vùng lân cận đã dược lưu lại.
Các bức ảnh đen trắng chụp buổi hầu đồng ở điện thờ tại nhà riêng, hình ảnh về đền Ghềnh, lễ hội đền Ghềnh những năm 1945-1955 trở thành tư liệu chân thực.
Ảnh chụp giá đồng “Cô Bé Thượng Ngàn” in trong cuốn sách. |
Ông Olivier Tessier (Viện Viễn đông Bác cổ) và giáo sư sử học Phipipe Papin cùng viết lời giới thiệu cho cuốn sách bản tiếng Việt. Hai nhà nghiên cứu nhận định về công trình của Maurice Durand: “Ông đã thực hiện nghiên cứu về chủ đề hầu đồng đặc biệt ấn tượng và sẽ rất khó có công trình nào có thể vượt qua được”.
Hai học giả Pháp cũng đánh giá ba nội dung giá trị được thể hiện trong công trình của Maurice Durand. Thứ nhất là loạt ảnh minh họa bao gồm những cảnh hầu đồng diễn ra trong môi trường có nhiều phụ nữ tham gia. Điều đó phản ánh vai trò của người phụ nữ trong xã hội trước đây.
Thứ hai, tín ngưỡng thờ thần linh được ghép vào đạo Mẫu, đúng hơn là các hóa thân của Mẫu như Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn…
Thứ ba là những quan sát của tác giả vào những năm 1950 cho thấy phương diện xã hội của tín ngưỡng hầu đồng: Một bên là các hoạt động được tổ chức riêng tư bởi tầng lớp phụ nữ thị dân giàu có trong không khí khá thượng lưu; một bên là những cuộc hội họp của tầng lớp bình dân trong các đền điện bình thường như đền Ghềnh ở Hà Nội…
Tác giả cũng sưu tầm 24 bài văn chầu, tóm tắt và phân tích chúng một cách khái quát. Nghiên cứu càng có tính xác thực, trở thành tư liệu quý khi tác giả đi quan sát thực địa, ghi chép lại những đối thoại giữa tín đồ và thanh đồng, giữa thanh đồng và thần linh, vong linh…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận xét cuốn Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam là công trình nghiên cứu quan trọng về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Sách cung cấp những thông tin bổ ích về điện thờ, nhân vật thờ, thanh đồng và các bài chầu văn.
“Các tư liệu trong cuốn sách rất đáng quý để chúng ta có thể hình dung rõ hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.