Trích đoạn tranh Mother and Child của Gustav Klimt. Ảnh: Wikiart. |
Độc giả Việt Nam biết đến Annie Ernaux nhiều hơn sau khi bà trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn chương 2022. Nữ nhà văn Pháp chinh phục độc giả bằng lối viết sắc sảo và lạnh lùng, thiên về trần thuật. Annie Ernaux đã phô bày cuộc đời của của mình trên trang giấy. Trải nghiệm cá nhân, cùng những câu chuyện về người thân đã trở thành chủ đề cho loạt tác phẩm của nhà văn này.
Tiểu thuyết Một chỗ trong đời tái hiện lại những thăng trầm mà cha của Annie Ernaux đã trải qua, để nuôi sống gia đình trong những năm tháng đầy biến động. Còn tác phẩm Một người phụ nữ là món quà mà nhà văn dành tặng mẹ mình. Bà là một người phụ nữ luôn nỗ lực học hỏi để vươn lên trong cuộc sống, với mong muốn rời bỏ gốc gác nông dân của mình.
Bên cạnh đó, nhà văn còn đề cập tới nhiều vấn đề quen thuộc trong các gia đình như: Sự xung đột về tư tưởng, khoảng cách thế hệ, khác biệt về lối sống… vô tình chúng đã tạo ra bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.
Tuổi nào mất mẹ cũng đau
Nếu Patrick Modiano luôn đau đáu về hôn nhân tan vỡ của cha mẹ, mãi tiếc thương cho cái chết của em trai, thì Annie Ernaux lại tỏ ra lạnh lùng và thờ ơ trước những biến cố khủng khiếp của đời người. Bà nói về cái chết của mẹ mình bằng một giọng văn rất bình thản, giống như cách người ta đọc những mẩu tin buồn trên nhật báo về cái chết của một người xa lạ.
Tác phẩm Một người phụ nữ của Annie Ernaux. Ảnh: N.N. |
Nhà văn không để lộ cảm xúc của mình trên trang giấy. Annie Ernaux cứ thế kể về lễ tang và những việc phải làm để mẹ được yên nghỉ bên Chúa, bà tuyệt nhiên không nhắc đến những cảm xúc bản thân. Độc giả tò mò không biết người phụ nữ ấy có đau buồn trước cái chết của mẹ bà hay không. Có lẽ, khi trải qua nhiều biến cố trong đời, người ta bình thản hơn trước nỗi đau.
Sau tang lễ của mẹ, người con gái đã khóc ở bất kỳ đâu, bà không thể tập trung làm việc, bởi hình ảnh mẹ luôn quanh quẩn trong tâm trí. Annie Ernaux tái hiện lại cuộc đời của mẹ bà trên trang giấy một cách rõ ràng và mạch lạc, từng sự kiện nối tiếp nhau. Tác phẩm giờ đây giống một bản kê khai thác lý lịch gia đình. Tác giả không dùng tư cách của một đứa con để kể về mẹ của mình,đọc những dòng tường thuật của bà, chúng ta có cảm giác như đang nghe hậu thế nói về tiền nhân.
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, mẹ của Annie Ernaux đã trải qua tuổi thơ rất cơ cực. Bà không được học hành đầy đủ, phải làm việc trong nhà máy từ rất sớm để lo cho gia đình. Sau khi kết hôn, bà phải lao động cật lực để đảm bảo kế sinh nhai cho gia đình nhỏ.
Áp lực cuộc sống đã tạo nên những ngăn cách vô hình
Gánh nặng cơm áo đã khiến mẹ của nhà văn trở thành một người phụ nữ thô lỗ. Bà mắng chửi, thậm chí đánh đập con cái mỗi khi không vừa ý. Annie Ernaux để ý thấy mẹ hay cố ý sử dụng những từ ngữ của tầng lớp trí thức khi nói chuyện với người quen, với mong muốn mọi người xung quanh nhìn nhận mình như một người được học hành đàng hoàng.
Trước mặt những người trong gia đình, mẹ của nhà văn lại thể hiện bản chất thật của mình, bà trở thành một con người cục cằn và dễ dàng nổi nóng. Khi tốt nghiệp đại học, chính thức bước chân vào tầng lớp tiểu tư sản, khoảng cách của Annie Ernaux và mẹ dường như xa hơn.
Nhà văn người Pháp Annie Ernaux. Ảnh: The New Yorker. |
Chỉ đến khi kết hôn và trở thành một người mẹ, nhà văn mới thấu hiểu cho nỗi lòng của mẹ. Bà viết thư cho mẹ nhiều hơn, kể về cuộc sống cá nhân và gia đình nhỏ. Trong những lá thư hồi đáp, người mẹ luôn cầu mong cho con gái được hạnh phúc. Những lời lẽ giản đơn ấy đã sưởi ấm trái tim của cô con gái nổi loạn thuở nào.
Sau khi chồng mất, mẹ của Annie Ernaux thấy cô đơn và chuyển tới sống cùng con gái, giúp cô chăm sóc hai đứa cháu ngoại. Lúc này cô con gái thấy một hình ảnh khác của mẹ, một người phụ nữ hiền từ, đảm đang và luôn muốn sắp xếp mọi thứ thật chu toàn cho những người mình thương yêu.
Khi sức khỏe đã giảm sút, không muốn trở thành gánh nặng cho con cái, bà quyết định vào viện dưỡng lão. Những năm tháng ở bên người mẹ mắc bệnh Alzheimer, Annie Ernaux thấy thương mẹ hơn bao giờ hết, những giận hờn của thời niên thiếu đều được xóa nhòa. Giữa họ giờ đây chỉ còn sự gắn bó máu thịt không thể tách rời.
Từ giây phút đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, mẹ của nó đã nhận ra mình yêu con rất nhiều. Nhưng những đứa con thì khác, phải trưởng thành, trải qua nhiều biến cố, họ mới nhận ra mình yêu mẹ đến nhường nào.
Nhà văn hiểu ra rằng, tài sản lớn nhất của người mẹ dành cho con cái chính là tình yêu thương. Một tình yêu vô điều kiện! Đôi lúc, những giận hờn khiến cho người mẹ và những đứa con trở nên xa cách, nhưng khi bình tâm lại, ta mới nhận ra sự thiêng liêng của tình mẫu tử.
Annie Ernaux không nhắc đến tên của mẹ bà. Với bà, danh xưng lớn nhất của người phụ nữ ấy là “mẹ”. Nữ nhà văn Pháp mang đến cho bạn đọc một áng văn giàu sức gợi. Bà không chỉ kể chuyện về một người mẹ, tác phẩm Một người phụ nữ mang trong mình câu chuyện về một thế hệ.
Nhằm tạo diễn đàn cho bạn đọc chia sẻ về cuốn sách mình yêu thích, Zingnews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”. Mời bạn gửi bài viết về hòm thư: [email protected].
Trong thư, ngoài bài viết, ảnh chụp cuốn sách (nếu có), bạn vui lòng viết thông tin muốn hiển thị trên trang! Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login