Chịu ảnh hưởng của đạo đức Khổng Mạnh, xã hội Việt Nam thụ thụ bất thân, và sự tôn trọng đã rất khe khắt ngay từ trong gia đình, và giữa anh chị em ruột với nhau cũng phải giữ sao cho nam nữ hữu biệt, nhất là trong giới trí thức, giới trưởng giả.
Trời sinh ra có âm phải có dương, âm dương phải hòa hợp, phải có sự gần gũi, gần gũi để thân mật, gần gũi để hiểu biết lẫn nhau, vậy mà đạo đức Đông phương lại ngăn cấm sự gần gũi giữa âm dương, đến nỗi việc ăn nằm của vợ chồng, một việc không thể tránh được, cũng bị đạo đức ngăn cấm đả động tới, hành cứ việc hành, nhưng ngôn bất khả ngôn!
Cuộc đời do đó trở nên khô khan, và đạo lý cứ chi phối cuộc sống trong xã hội. Cái đạo lý khe khắt này, ác thay đối với dân tộc Việt Nam lại không phù hợp, nhất là đối với giai cấp bình dân.
Cái đạo đức du nhập vào nước ta từ đời Nhâm Diên, Tích Quang của Tàu nếu được giới thượng lưu chịu đựng chẳng qua vì giới này sống trong cảnh sung túc, hệ lụy theo lễ nghi nên họ đành chấp nhận sự khe khắt của đạo đức, và để đối phó với sự khe khắt này, để quân bình cuộc sống quá khô khan về tình cảm, họ đã có những thú tiêu khiển mà giới bình dân không có.
Căn cứ vào những di vật thời tiền sử tìm kiếm được, tổ tiên ta, trước khi văn hóa Trung Hoa du nhập vào Việt Nam, không có nam nữ hữu biệt, và sự ái ân giữa nam nữ không phải là điều không được đả động tới.
Ông Lê Văn Hảo trong bài Một số tục cổ của người Việt qua các hội mùa đăng trong tập san Đại học, trích dẫn tài liệu của ông Lê Văn Lan, Phạm Văn Kính, Nguyễn Linh có nhắc tới chiếc thạp đồng đào được tại xã Đào Thịnh tỉnh Yên Bái mà trên nắp có bốn khối tượng của bốn đôi nam nữ đang giao hợp.
Hình khắc đôi trai gái ở đình Phù Lão, Bắc Giang (chạm khắc thế kỷ 17). Ảnh: Nguyễn Đức Bình. |
Sự nam nữ giao cấu của hình ảnh này, đủ chứng tỏ quan niệm phóng khoáng của tổ tiên chúng ta với vấn đề sinh lý, cần thiết để bảo tồn huyết thống, và có lẽ các cụ coi hành động ái ân này là tự nhiên và là một hành động rất lý tưởng của con người, của xã hội. Sự thể hiện công khai của hành động ấy không những không có gì là xấu xa, là xấu hổ, đáng e lệ, mà còn là một việc làm tốt đẹp, tiêu biểu cho hạnh phúc, cho vinh quang cho phồn thịnh của giống nòi.
Quan niệm phóng khoáng trên đã mất dần khi dân ta chấp nhận nền văn hóa Trung Hoa du nhập vào đất nước, và từ sự phóng khoáng đã dần đi đến sự cố chấp với thuyết nam nữ thụ thụ bất thân. Sự cố chấp này được giới phong lưu bảo vệ còn giới bình dân, tuy chấp nhận nền đạo đức Khổng Mạnh nhưng vẫn có những phản ứng và đã tạo nên những cơ hội để trở lại với tự nhiên tính của con người, cho con người được làm theo điều mình muốn nhưng bị đạo đức ngăn cấm.
Muốn tạo nên những cơ hội này, giới bình dân đã dựa vào tín ngưỡng, hay đúng hơn dựa vào sự mê tín của con người. Những vị thần linh được tưởng tượng ra và các cụ, trong đám bình dân, đã nhân những dịp có thiên tai, thiên ách, bày đặt ra những tục lệ bắt mọi người cùng theo để giải trừ tai ách, những tục lệ được các cụ gán cho ý muốn của giới siêu nhiên trong vũ trụ, những tục lệ cần phải được thực hiện hàng năm nếu không muốn tại ách tái diễn lại.
Những tục lệ này rất nhiều, và thường làm thỏa mãn sự mong mỏi của con người, chống lại sự khô khan của đạo lý, gây sự gần gũi giữa nam nữ, những tục lệ đầy luyến ái tính, nhiều khi đến dâm bôn.
Có lẽ khi đặt ra những tục lệ này, các cụ cũng thấy không thể để cho con người được hoàn toàn thả lỏng quanh năm, cho nên những tục lệ chỉ được thực hiện trong những thời gian rất ngắn trong mỗi năm, có khi là một lúc, một ngày hoặc lâu lắm cũng chỉ trong thời hạn hội làng. Chỉ trong những thời gian ngắn đó luyến ái tính và có trường hợp có dâm bôn tính, được hoàn toàn bộc lộ nhưng sau đó đạo đức lại được tôn trọng trong nếp sống hàng ngày.
Dưới đây chúng tôi xin trình bày một số tục lệ đầy luyến ái tính này. Thực ra rất nhiều tục lệ khác nhau trên hình thức nhưng sự hiểu biết của chúng tôi không được bao nhiêu, sự trình bày ắt thiếu sót, chúng tôi chờ đợi sự bổ khuyết của bạn đọc. Những tục lệ chúng tôi trình bày được hoặc do đã nhìn tận mắt trong các hội hè đình đám nông thôn đã tham dự trước đây, hoặc do được nghe các cụ thuật lại, hoặc do được đọc qua một số tài liệu về Dân tộc học. Tục lệ khác nhau tùy theo từng địa phương và xuất hiện trong các kỳ Hội hè đình đám của mùa xuân hoặc mùa thu của mỗi xã.
Có những tục nhắc tới một cách rất nhẹ nhàng, sự yêu đương của nam nữ và luyến ái tính chỉ biểu lộ bàng bạc như tục ca hát trao tình giữa trai gái, lại có những tục luyến ái tính được biểu lộ một cách sỗ sàng đến tục tằn dâm bôn như tục trai gái ôm nhau bắt chạch ở làng Văn Trưng tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), tục trai già làm cọp cắn nữ ở làng Đan Nhiễm tỉnh Bắc Ninh, tục tắt đèn cho trai gái tự do đùa nghịch ở các xã La Khê, Nam tỉnh Hà Đông (Hà Tây), Ngô Xá tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc)…
You must be logged in to post a comment Login