Napoleon là một nhân vật đặc biệt, vĩ đại, hấp dẫn trong lịch sử Pháp cũng như lịch sử thế giới. Cuộc đời, sự nghiệp, quan điểm, tài năng của ông là chủ đề của hàng nghìn cuốn sách trong suốt hai thế kỉ qua. Trong số những cuốn sách về ông được dịch ra tiếng Việt, Napoleon đại đế nổi lên bởi tầm vóc, quy mô, giàu sử liệu.
Tiếng mẹ đẻ của Napoleon là Corse, một thổ ngữ địa phương khá giống tiếng Genoa. Ông được dạy đọc và viết bằng tiếng Italy ở trường, và học tiếng Pháp khi gần 10 tuổi, thứ tiếng ông luôn nói với giọng Corse rất nặng, với ‘ou’ cho ‘eu’ hay ‘u’ khiến ông phải đón nhận mọi lời trêu chọc tại trường học và trong quân đội.
Kiến trúc sư Pierre Fontaine, người trang trí và tân trang cho nhiều cung điện của Napoleon, từng nghĩ “thật không thể tin nổi một người ở địa vị của ông ấy” lại nói với khẩu âm nặng đến thế.
Chân dung Napoleon của họa sĩ Antoine-Jean Gros. |
Không thành thạo tiếng Pháp
Napoleon không mấy thành thạo về ngữ pháp hay phát âm tiếng Pháp, cho dù vào thời kỳ chưa có việc chuẩn hóa phát âm, điều này chẳng mấy quan trọng và ông cũng không bao giờ gặp bất cứ khó khăn nào trong việc làm người khác hiểu mình.
Trong suốt cuộc đời mình, nét chữ viết tay của Napoleon, cho dù mạnh mẽ và kiên quyết, luôn rất tháu tới mức nguệch ngoạc.
Thời thơ ấu của Napoleon thường được mô tả như một vòng xoáy của những nỗi lo âu, nhưng chín năm đầu đời của ông ở Ajaccio trôi qua đơn giản và hạnh phúc, giữa gia đình, bè bạn và vài người hầu trong nhà.
Sau này, ông rất rộng lượng với bà nhũ mẫu mù chữ Camille Illari của mình. Chỉ đến khi ông được gửi tới Pháp – “lục địa” như người Corse vẫn gọi – để trở thành một sĩ quan và một quý ông Pháp, những rắc rối mới xuất hiện.
Là một phần trong chính sách tích cực nhằm Gallicia hóa giới tinh hoa của đảo, vào năm 1770, Marbeuf ban hành một sắc lệnh tuyên bố tất cả cư dân Corse có thể chứng minh vị thế quý tộc trong hai thế kỷ sẽ được phép hưởng những đặc quyền rộng rãi của giới quý tộc Pháp.
Bố của Carlo, Joseph, đã được chính thức công nhận là quý tộc bởi Đại Công tước Tuscany, và do vậy được Tổng Giám mục Pisa công nhận là “một quý tộc Florence”.
Cho dù tước hiệu chẳng giúp kiếm được gì nhiều ở Corse, nơi không có chế độ phong kiến, nhưng Carlo vẫn đăng ký để dòng họ Bonaparte được công nhận là một trong số 78 dòng họ quý tộc của hòn đảo, và đến ngày 13/9/1771, Hội đồng Tối cao Corse, sau khi đã tìm hiểu nguồn gốc của dòng họ này tới tận gốc gác Florence của họ, tuyên bố chính thức thừa nhận họ thuộc giới quý tộc.
Carlo giờ có thể ký tên một cách hợp pháp là “de Buonaparte” lần đầu tiên và tham gia Hội đồng Corse. Ông cũng có thể đăng ký xin học bổng hoàng gia cho các con trai mình, những đứa con khiến ông gặp khó khăn lớn trong việc chu cấp học hành cho chúng với thu nhập của mình.
Nhà nước Pháp sẵn sàng chu cấp giáo dục cho 600 cậu con trai của các quý tộc Pháp nghèo, nhưng yêu cầu mỗi ứng viên phải chứng minh mình là quý tộc, không thể trang trải các chi phí học tập, và có khả năng đọc viết tiếng Pháp.
Cậu bé Napoleon 9 tuổi đã đạt được hai trong ba yêu cầu. Để đạt yêu cầu cuối cùng, vào tháng 1/1779, cậu được gửi tới Autun ở Burgundy để bắt đầu một kỳ học tiếng Pháp cấp tốc.
Bá tước de Marbeuf với tư cách cá nhân đã giúp cho hồ sơ của Carlo qua được hệ thống quan liêu Pháp, chuyện mà sau đó đã làm nảy sinh tin đồn rằng ông là tình nhân của Letizia, và rất có thể chính là người bố thực sự của Napoleon – một lời phỉ báng được nhà Bourbon cũng như các tác giả Anh thường viện dẫn.
Sách Napoleon đại đế. Ảnh: OP. |
Cậu bé sáng dạ
Cũng như Napoleon tìm cách tôn vinh bản thân trong suốt cuộc đời mình, các kẻ thù của ông cũng tìm ra đủ phương cách khôn khéo để làm suy giảm huyền thoại về ông.
Năm 1797, cuốn tiểu sử đầu tiên về người hùng quân sự 28 tuổi bắt đầu xuất hiện, một cuốn sách mang tên Quelques notices sur les premières années du Buonaparte (Vài ghi nhận về những năm đầu đời của Buonaparte) được Hiệp sĩ de Bourgoing dịch từ một tác giả người Anh không rõ tên.
Cuốn sách này tuyên bố Letizia đã “thu hút sự chú ý” của Marbeuf, và Huân tước Andrew Douglas, người đã từng ở Autun với Napoleon, dĩ nhiên không hề biết thành viên nào khác của gia đình Bonaparte, nhưng đã chứng thực cho sự chính xác của việc này trong một bài giới thiệu ngắn.
Napoleon không mấy để ý tới lời gièm pha này, cho dù ông từng có lần nói rõ với nhà toán học và hóa học Gaspard Monge rằng mẹ mình đã có mặt ở căn cứ của Paoli tại Corte chiến đấu chống lại lực lượng của Marbeuf khi ông được thụ thai.
Là hoàng đế, ông đã cố gắng thể hiện sự rộng lượng với con trai Marbeuf, và khi con gái Marbeuf, phu nhân de Brunny, bị một toán lính cướp đi trong một chiến dịch của ông, ông đã “đối xử với người phụ nữ này cực kỳ chu đáo, dành cho bà ấy một đội hộ tống được lấy từ kị binh cận vệ của mình, đưa bà ấy đi trong tâm trạng vui vẻ và hài lòng” – ông khó có thể làm vậy nếu bố của phu nhân de Brunny đã quyến rũ mẹ ông và cắm sừng bố ông.
Người ta còn đồn đại rằng Paoli là bố đẻ thực sự của Napoleon, một tin đồn cũng đã bị bác bỏ.
Nền giáo dục mà Napoleon nhận được tại Pháp đã biến ông thành người Pháp. Điều đấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên với độ tuổi còn niên thiếu của ông, với độ dài thời gian mà ông đã ở đó cũng như với sự vượt trội về văn hóa của nước này so với phần còn lại của châu Âu vào thời kỳ đó.
Giấy cấp học bổng ông được trao (tương đương với mức sinh hoạt phí của một cha phó xứ) đề ngày 31/12/1778, và ông bắt đầu theo học tại trường dòng do Giám mục Autun quản lý từ hôm sau.
Ông không trở về đảo Corse trong gần tám năm. Tên ông xuất hiện trong sổ bộ của trường là “Cậu Neapoleonne de Bonnaparte”.
Hiệu trưởng của ông, Tu viện trưởng Chardon, nhớ lại về ông như sau: “một tính cách trầm tư và rầu rĩ. Cậu ta không có người bạn nào và thường đi thơ thẩn một mình… Cậu ta có tư chất và sáng dạ… Nếu bị tôi mắng mỏ, cậu ta đáp lại với giọng lạnh lùng, gần như hách dịch: ‘Thưa cha, con biết rồi’”.
Chardon chỉ mất ba tháng để dạy cậu bé kiên định, thông minh và có nghị lực học tập này nói và đọc tiếng Pháp và cả viết những đoạn văn ngắn.