I, Libertine
Ảnh: Shepquest. |
I, Libertine là một trò đùa được ngụy trang thành một cuốn sách. Về mặt kỹ thuật, I, Libertine có ba người sáng tạo.
Đầu tiên là một D.J. mang tên Jean Shepard, người không tin vào các danh sách ăn khách. Và để chứng minh điều đó, Shepard nói với người hâm mộ rằng hãy đến các cửa hàng sách địa phương và hỏi cuốn I, Libertine của Frederick R. Ewing (một tác giả không tồn tại và bản thân cuốn I, Libertine cũng chưa từng được viết).
Jean Shepard đã giới thiệu về tiêu đề, tác giả và cốt truyện cơ bản nên người hâm mộ đã làm ầm ĩ về cuốn sách đến mức những người bán sách phải loay hoay khắp nơi tìm nguồn cung để bán. Tin đồn lan rộng đến mức I, Libertine lọt vào một số danh sách tác phẩm ăn khách nhất.
Khoảng một tháng sau, Tạp chí Phố Wall đã giải mã được trò đùa này. Nhưng Jean Shepard sau đó đã gặp được một nhà xuất bản tên là Ian Ballantine và một nhà văn tên là Theodore Sturgeon.
Vào ngày 13 tháng 9 năm 1956, 12 năm sau khi trò bịp bị phanh phui, I, Libertine thực sự được xuất bản và trang bìa cuốn sách có hình Shepard đóng vai tác giả không tồn tại Frederick Ewing.
Codex Seraphinianus
Ảnh: Open Culture. |
Codex Seraphinianus là cuốn sách đầu tiên phải kể tới trong danh sách đọc không thể hiểu được. Xuất bản lần đầu tại Italy vào năm 1981, Codex Seraphinianus là bách khoa toàn thư được viết bằng ngôn ngữ tưởng tượng của nghệ sĩ và nhà thiết kế công nghiệp người Italy Luigi Serafini.
Công chúng hoàn toàn không thể hiểu được điều Serafini muốn truyền tải và đó là do tác giả cố ý sử dụng những ngôn từ không có ý nghĩa. Cuốn sách khuyến khích độc giả tưởng tượng dựa vào dữ liệu có sẵn.
Ngoài những ký tự không thể đọc được, cuốn sách có rất nhiều hình ảnh siêu thực tuyệt đẹp như tổ chim có chân, hà mã làm từ mây hay một cặp biến hình thành cá sấu.
300 trang của cuốn sách được chia thành 12 chương, 6 chương dành riêng cho tự nhiên và vật lý và 6 chương dành riêng cho văn hóa và lịch sử con người. Trang nào cũng kỳ lạ thú vị hơn trang trước.
The Red Book: Liber Novus
Ảnh: Biblio. |
Carl Jung, một nhà phân tâm học người Thụy Sĩ đã mô tả quá trình viết bản thảo The Red Book: Liber Novus là “thử nghiệm khó khăn nhất” của ông.
The Red Book, dài 404 trang, là hành trình khám phá ảo mộng của Jung về bảy tạp chí trong khoảng thời gian 19 năm (1913-1932). Tác phẩm này giải mã nhiều giấc mơ và trí tưởng tượng của tác giả thông qua thư pháp và hình minh họa theo phong cách gần giống như thời trung cổ.
Jung đã mất 16 năm để hoàn thành The Red Book, nhưng lo sợ nội dung cuốn sách sẽ làm hỏng danh tiếng của ông nên mãi đến năm 2009, tác phẩm này mới được xuất bản chính thức, gần 50 năm sau khi tác giả qua đời.
The Red Book được coi là chưa hoàn tất, chưa rõ lý do. Bản thảo kết thúc bằng từ “moglichkeit”, từ tiếng Đức có nghĩa là “khả năng”.
Alphabetical Africa
Ảnh: Reddit. |
Alphabetical Africa, một cuốn tiểu thuyết năm 1974 của tác giả Walter Abish, đưa đến cho độc giả một cách viết mới, ràng buộc người viết vào một số khuôn mẫu và hạn chế nhất định.
Abish giới hạn cuốn tiểu thuyết của mình bằng cách sử dụng bảng chữ cái. Chương một, có tên là A, chỉ được viết bằng các từ bắt đầu bằng chữ A. 25 chương tiếp theo cũng tương tự để đi tới chữ Z, kết thúc trọn vẹn bảng chữ cái.
Cách viết này là một thách thức đủ lớn đối với bất kỳ nhà văn nào, tuy nhiên, Abish đã tiến thêm một bước nữa. Trong nửa sau cuốn tiểu thuyết, Abish đảo ngược khuôn mẫu. Chương 27 có đủ mọi chữ cái, ngoại trừ chữ Z. Và trong 25 chương tiếp theo, ông lại làm theo khuôn mẫu này và kết thúc ở chương 52 với đủ mọi ký tự, ngoại trừ chữ A.
Dù có một số lỗi trong quá trình thực hiện, phần lớn cuốn sách tuân thủ ràng buộc này với độ chính xác và sáng tạo lớn lao.
The Unfortunates
Ảnh: The Spectator Australia. |
Tác giả Bryan Stanley Johnson, với bút danh vui nhộn B.S. Johnson, là một nhân vật nổi bật trong văn học thực nghiệm của Anh những năm 1960.
Và The Unfortunates năm 1969 là một đại diện rất rõ nét về sự phá cách trong viết lách của ông. Cuốn tiểu thuyết này được chia thành 27 phần, một số phần dài hơn 10 trang giấy, trong khi một số phần ngắn chỉ bằng một đoạn văn. Ngoại trừ phần đầu tiên và phần cuối cùng được cố định vị trí, 25 phần ở giữa có thể được đọc theo bất kỳ thứ tự nào.
Các nhà toán học kết luận rằng The Unfortunates có thể được đọc theo 15,5 triệu cách. Độc giả sẽ cho rằng cuốn tiểu thuyết khó hiểu, nhưng bằng cách nào đó, Johnson vẫn tạo được sự hấp dẫn dễ đọc xuyên suốt tác phẩm của mình, bất kể độc giả đọc theo cách nào.
Những cuộn sách Biển Chết
Một số cuộn sách Biển Chết được trưng bày tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem năm 2018. Ảnh: ABCNews. |
Từ giai đoạn khai quật kéo dài 10 năm từ 1946 đến 1956, The Dead Sea Scrolls (Những cuộn sách Biển Chết) tồn tại đúng như tên gọi của chúng: 15.000 cuộn giấy.
Chúng được được tìm thấy ven bờ Tây Bắc của Biển Chết, nằm rải rác trong 11 hang động gần Qumran. Sau đó chúng được gom lại với nhau và các nhà sử học đã làm việc không mệt mỏi để ghép nối nội dung và xác định niên đại của các cuộn giấy.
Một giả thuyết hiện tại là hầu hết chúng đều có từ khoảng 2.000 năm trước. Nhiều cuộn được viết bằng tiếng Do Thái, A-ram và Hy Lạp cổ đại. Một số ít bản viết tay đã được dịch ra ngôn ngữ khác. Tất cả cho thấy chúng có thể là sách và tài liệu tôn giáo.
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi phát hiện ra, The Dead Sea Scrolls vẫn là một trong những phát hiện có ảnh hưởng nhất đối với thần học, khảo cổ học hiện đại và đặc biệt là lịch sử Judean. Chúng mang lại góc nhìn sâu sắc về những người đã viết ra chúng, bối cảnh họ sống, cách họ suy nghĩ và thậm chí cả nền văn hóa của họ đã phát triển và khác biệt như thế nào.
House of Leaves
Ảnh: Stinging Fly. |
Trong khi đa phần tác phẩm đều chỉ cần độc giả đọc từ đầu đến cuối, thì cuốn tiểu thuyết đầu tay House of Leaves của Mark Z. Danielewski cần nhiều hơn thế.
Đây là tác phẩm hư cấu rối rắm về một bộ phim tài liệu đặc tả một ngôi nhà giống mê cung cùng câu chuyện của gia đình sống ở đó. Cuốn tiểu thuyết mang phong cách thử nghiệm, đan xen nhiều tầng lớp và dường như kết hợp cả thể loại kinh dị và lãng mạn.
House of Leaves, cả về cốt truyện lẫn hình thức, đều đòi hỏi sự chú ý thực sự của người đọc. Cuốn sách dày 709 trang với nhiều câu chữ được chồng lên nhau, lộn ngược, kéo dài theo chiều ngang và cách điệu bằng một số phông chữ khác nhau. Thậm chí nhiều đoạn văn còn mang ẩn ý của các câu đố khiến người đọc như chìm vào mê cung.
Finnegans Wake
Ảnh: Biblio. |
Theo nhiều cách, tác phẩm cuối cùng của James Joyce khá giống với tác phẩm đầu tay của Mark Z. Danielweski. Finnegans Wake, được viết trong khoảng 17 năm, được coi là một trong những tiểu thuyết khó đọc nhất của thế giới văn học phương Tây. Đây cũng là một tác phẩm thử nghiệm đan xen các câu chuyện giữa thực tại và thế giới trong mơ.
Tác phẩm này khó hiểu đến mức gần 100 năm sau khi được xuất bản lần đầu, phần lớn cốt truyện vẫn còn là một bí ẩn. Sự mơ hồ này đến từ cách Joyce sử dụng ngôn ngữ với nhiều cách chơi chữ và ghép từ để tạo nên sự đa nghĩa và không khí mơ mộng cho cuốn tiểu thuyết.
Ngay cả những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của James Joyce cũng thấy Finnegans Wake khó hiểu một cách kỳ lạ.
Voynich Manuscript
Ảnh: Morgana Magick Spell. |
Trên thực tế, Wilfrid Voynich không phải là người viết Voynich Manuscript. Là một nhà buôn sách quốc tế, ông thường tìm cách tăng thêm tác phẩm trong bộ sưu tập của mình. Và trong một chuyến thăm tới Frascati, Italy, ông đã phát hiện ra một bản thảo sẽ tạo nên di sản của mình.
Thường được gọi là “cuốn sách không thể đọc được”, bản thảo này vẫn là một bí ẩn trong hơn 100 năm. Chữ viết trong cuốn sách không thể giải mã được dù nhiều người từng thử. Dựa vào hình minh họa, một số người cho rằng cuốn sách viết về chiêm tinh học, y học dân gian, sinh học và khoa học thời trung cổ.
Một số học giả thậm chí còn suy đoán bản thảo chứa thông tin về phép thuật và thuật giả kim. Trước đó, Wilfrid Voynich gọi bản thảo này là The Roger Bacon Cipher Manuscript Bản thảo mật mã Roger Bacon vì một lá thư được tìm thấy trong bản thảo có nhắc đến tên Friar Roger Bacon.
Nhiều cái tên cũng được đồn đoán là tác giả của bản thảo này như John Dee, Leonardo de Vinci hay Giovanni Fontana.
The Story of the Vivian Girls
Ảnh: Artspace. |
The Story of the Vivian Girls là một tác phẩm có lẽ đã không tồn tại trên đời. The Story of the Vivian Girls, in What Is Known as the Realms of the Unreal, of the Glandeco-Angelinian War Storm, Caused by the Child Slave Rebellion, có cái tên đầy đủ dài 28 từ, độ dài 15.000 trang và thậm chí 350 tác phẩm nghệ thuật đi kèm, của Henry Joseph Darger Jr là một sự xuất hiện đặc biệt trong giới văn chương.
Khi còn sống, Darger Jr là một lao công sống ẩn dật trong căn hộ một phòng đơn giản ở Chicago. Sau 40 năm sống trong căn hộ của mình, Henry đã quá già để leo cầu thang, vì vậy ông đã nhờ chủ nhà giúp chuyển vào viện dưỡng lão. Khi được hỏi về tất cả đồ đạc của mình, Darger nói: “Nó là của ông. Ném đi cũng được”. May mắn thay, ông chủ đã không làm điều đó.
The Story of the Vivian Girls là một câu chuyện khoa học viễn tưởng – kỳ ảo về bảy cô gái giải phóng nô lệ trẻ em và tổ chức nổi dậy chống lại một đế chế xấu xa.
Tác giả đã tô điểm cho câu chuyện của mình bằng hàng trăm bức tranh màu nước khắc họa các nhân vật, lấy cảm hứng từ những cuốn sách và tạp chí dành cho trẻ em đã bỏ đi.
Trong khi tác giả đã từ bỏ mọi thứ khi chuyển đến viện dưỡng lão thì ông chủ nhà Lerner, một nhà thiết kế đồ họa rất có ảnh hưởng, đã nỗ lực không mệt mỏi để bảo tồn di sản của Darger. Và đến nay, di sản ấy đã đơm hoa kết trái.
You must be logged in to post a comment Login