Nhiều phụ huynh có con học trung học liên lạc với tôi để chia sẻ về các vấn đề học tập. Họ có thể rất tận tâm với con mình, nhưng họ thường khiến bản thân và lũ trẻ lo lắng đến mức hoảng sợ.
Một phụ nữ đang xem xét kiện trường học vì con cô ấy không được chọn tham gia chương trình TAG hay Tài năng và Năng khiếu (Talent and Gifted). Cô cảm thấy chắc chắn rằng con trai mình vừa có năng khiếu vừa tài năng. Chỉ khoảng 1/5 học sinh đủ tiêu chuẩn tham gia TAG, và việc được chọn, một phần dựa trên điểm các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Các yếu tố khác bao gồm điểm nhận được trong các khóa học chính ở trường trung học.
Người mẹ đã có những viễn cảnh tồi tệ. Cô ấy lo về “vết nhơ” khi trở thành thành viên OTTAG – những người không có Tài năng và Năng khiếu (Other Than Talent and Gifted). Hãy xem, trong khối năm thứ hai gồm 433 học sinh, 20% là TAG và 80%, hay khoảng 346 học sinh, là OTTAG. Chỉ vì cậu bé của người phụ nữ này được gắn nhãn OTTAG không có nghĩa là cậu sẽ không lớn lên thành đạt. Tôi lo rằng nếu chúng ta “dán nhãn” cậu bé theo cách này, cậu có thể sẽ không bao giờ phát huy được hết tiềm năng của mình. Cậu có thể tin rằng mình không có tài năng hay năng khiếu, và nghĩ rằng chỉ những người có năng khiếu mới thành công trong đời.
“Nhãn dán” thường là nguyên nhân tạo ra các hành vi tương đồng với chỉ định. Trong trường hợp này, người mẹ hoàn toàn tin rằng tương lai con trai mình phụ thuộc vào một “nhãn dán”, nhưng điều đó chỉ đúng nếu mẹ tin như vậy. Và nếu cô ấy tin rằng con trai mình sẽ lớn lên thành kẻ thất bại, cậu có thể tiếp thu thông điệp và hành động theo như vậy.
Nhưng cuộc sống không phải là cuộc đua ngắn – nó là cuộc chạy đường dài. Nhãn dán chỉ là nhất thời. Nếu tin mình có thể thành công trong cuộc sống bất chấp những cái mác tồi tệ dự báo thất bại, bạn có khả năng giành chiến thắng cuộc đua đường dài. Đây là kinh nghiệm chung của các triệu phú. Đa số nói rằng tại một hay một số thời điểm nào đó trong đời họ bị dán mác kém cỏi, trung bình hay tầm thường, nhưng họ không cho phép những kẻ chỉ trích dự báo thành tựu tương lai của mình, và họ đã vượt qua cái mác gọi là kém cỏi. Đây là thông điệp mà tôi tặng cho người mẹ kia.
Tôi cũng đã nói với cô ấy một điều khác. Quá trình vượt qua nhãn mác như OTTAG khiến con người ta trở nên mạnh mẽ hơn. Giống như thêm titan vào thép sẽ khiến thép cứng hơn nhiều lần so với chỉ riêng nó. Chỉ một số ít các lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư và bác sĩ hàng đầu của Mỹ cho biết rằng họ chưa từng bị cho là kém cỏi hay thậm chí tệ hơn. Không phải ai cũng có thể trở thành người đứng đầu lớp. Những người còn lại vẫn còn rất nhiều thời gian và vô số cơ hội đạt thành tích. Những ông bố bà mẹ thường xuyên nói với con rằng chúng có thể thành công thường tạo ra những người con thành đạt.
Một người đàn ông vẫy một lá cờ Mỹ có gắn một tờ đôla trên đó khi anh ta tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard. Ảnh: Reuters/Brian Snyder. |
Vì vậy, tốt hơn hết người phụ nữ này nên thay đổi niềm tin. Cô có thể tiết kiệm tiền dành cho các chi phí pháp lý và dùng nó để thuê gia sư cho con trai. Hãy nói với cậu ấy rằng cậu có thể và sẽ thành công nếu cố gắng nỗ lực. Chấm dứt tương lai của một học sinh 16 tuổi chỉ vì một cái mác là một hành động vô lương tâm.
Tôi đã hỏi các triệu phú về những trải nghiệm ở trường trung học và đại học của họ. Có phải tất cả bọn họ đều thuộc top 1% sinh viên tốt nghiệp đại học không? Rất ít. Khoảng 2% triệu phú được khảo sát nằm trong top 1%. Thông thường không phải những sinh viên tốt nghiệp trong tốp đầu mới trở nên thành công về kinh tế, nhưng những sinh viên tốt nghiệp dưới đáy cũng không.
Các triệu phú cũng cho biết họ không phải là sinh viên hạng A ở trường đại học. Trên thực tế, chỉ có khoảng 3/10 người cho biết nhận được tỷ lệ điểm A lớn hơn B, C, D hay F. Khoảng 90% tốt nghiệp đại học. Nhìn chung, điểm trung bình GPA của họ là 2,9 – tốt nhưng không xuất sắc.
Hầu hết triệu phú đều nói rằng trải nghiệm ở trường phổ thông và đại học đã có ảnh hưởng nào đó đến họ trong việc trở nên thành đạt trong cuộc sống sau này (xem Bảng 3-1). Nhưng một số trải nghiệm quan trọng hơn các trải nghiệm khác, quan trọng hơn nhiều so với điểm số và nhãn mác. Với phần lớn, “xây dựng đạo đức làm việc cứng rắn” là một yếu tố ảnh hưởng. Gần như tất cả các triệu phú đều đánh giá trải nghiệm này ảnh hưởng đến việc họ trở nên giàu có.
Bảng 3-1. |
Khi các triệu phú đánh giá vấn đề đạo đức làm việc, họ không chỉ đề cập đến khả năng học tập và sự chuyên cần. Nhiều người làm thêm khi đi học, và nhiều người cũng dành rất nhiều thời gian học cách đánh giá chính xác con người. Quá trình học tập này được nâng cao qua nhiều hoạt động và tương tác xã hội mà họ tham gia ở trong và ngoài khuôn viên trường học.
Một số người có thể coi việc giao tiếp xã hội như vậy là không hiệu quả trong môi trường học tập, nhưng nó dường như là yếu tố chính phân biệt người trở nên thành thạo và người không thể đánh giá người khác. Có tương quan tỷ lệ nghịch khá rõ giữa điểm cao ở trường đại học với khả năng đánh giá chính xác về con người mà các triệu phú tự nhận.
Vì vậy, có thể toàn bộ công việc khiến John trở nên buồn tẻ và cũng có gì đó liên quan tới việc John không thể hiểu chính xác người khác. Những người thành công nhất về kinh tế được thảo luận trong cuốn sách này làm tốt nhiều thứ. Những người khác có thể là thiên tài phân tích, nhưng họ thiếu kỹ năng con người, hay ngược lại. Nếu bạn muốn giàu có, tốt nhất bạn nên học hỏi nhiều kỹ năng và phẩm chất. Hãy làm việc chăm chỉ, hòa đồng, vui vẻ với mọi người.
Hãy xem xét những trải nghiệm ở trường phổ thông và đại học được liệt kê trong Bảng 3-1 mà nhiều triệu phú tin là nền tảng quan trọng tạo nên thành công của mình. Đó không chỉ là học một khóa học cụ thể trong trường phổ thông hay đại học, hay điểm số, xếp hạng và điểm SAT cao. Những ảnh hưởng thực sự lớn có “nhãn” chung như: đạo đức làm việc cứng rắn, phân bổ thời gian hay nguồn lực hiệu quả, khả năng phán đoán, sự bền bỉ và đồng cảm.
You must be logged in to post a comment Login