Chiều 20/4, trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử – giao lưu trực tuyến với bạn đọc tại trang book365.vn.
Ông nói đây là hình thức mới cả với ông và không ít độc giả. “Tôi hy vọng cách làm này mang lại hiệu quả, sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc hơn nữa giữa những người làm nghiên cứu, xuất bản, làm sách với nhà báo, độc giả”, PGS.TS Trần Đức Cường nói.
PGS.TS Trần Đức Cường tại buổi giao lưu với độc giả chiều 20/4. Ảnh: Tần Tần. |
NXB như “bà đỡ” cho giới nghiên cứu sử
Tại buổi giao lưu, PGS. TS Trần Đức Cường khái quát về tình hình xuất bản sách lịch sử hiện nay. Ông cho rằng trong các trước tác cha ông để lại, những công trình sử học đóng một phần quan trọng.
Bên cạnh các tác phẩm văn chương như Thơ văn Lý Trần, Thơ văn Nguyễn Trãi, các công trình Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát…, một mảng sách nữa mà ta kế thừa được là công trình của các nhà sử học. Một thời, chúng ta quan niệm văn – sử – triết bất phân.
Những công trình nổi tiếng có thể kể đến Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí…
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử nhận định công tác xuất bản trong những năm gần đây có những bước khởi sắc. Sách lịch sử hiện nay được in ấn đẹp, phong phú, có thể phân chia làm 3 mảng chính.
Thứ nhất, đó là những công trình lịch sử quan trọng. Ở mảng này, ta in lại các trước tác để lại. Đó là bộ sách chứa đựng kiến thức của cha ông, mang tới hiểu biết về đất nước con người, sản vật, các thế hệ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, những công trình của giới nghiên cứu được công bố. Mảng sách này được xuất bản nhiều.
Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần. |
“Các NXB chính là bà đỡ cho những công trình mà giới nghiên cứu chúng tôi bỏ công sức trong nhiều năm. Nếu không có bà đỡ, công trình không đến được với bạn đọc, chúng tôi không thể góp phần quảng bá sử Việt đến với bạn đọc”, PGS.TS Trần Đức Cường nói.
Vài năm nay, nhiều công trình đồ sộ mà giới sử học nghiên cứu, đã ra mắt bạn đọc như: Bộ Lịch sử Việt Nam 4 tập của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), bộ Lịch sử Việt Nam của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập từ khởi thủy đến năm 2.000 (gần 10.000 trang).
Cũng trong mảng này, sách viết về lịch sử các lĩnh vực khác nhau như quân sự, quốc hội, chính phủ, bên cạnh đó là lịch sử các vùng đất, như vùng Tây Bắc, Đông Nam Bộ…
Một mảng sách lịch sử nữa được xuất bản thời gian gần đây là quá trình xác lập chủ quyền của đất nước ta trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước yêu quý đất nước ta, đã đưa ra những bằng chứng lịch sử về chủ quyền để nói rõ cha ông ta xác định chủ quyền của mình ngay từ thế kỷ 17, thời chúa Nguyễn. Sau này, chúng ta tiếp nối cha ông.
Mảng thứ ba là các tác phẩm văn học viết với chủ đề lịch sử. Trước đây, những tác phẩm như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Lũy hoa, Sống mãi với thủ đô…, gần đây, có sách của nhà văn (cũng có thể nói là nhà nghiên cứu) Hoàng Quốc Hải với Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý.
Mới hơn có Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh dựa trên những văn bản chính xác để tái hiện những năm tháng hào hùng cách đây 45 năm.
Hình ảnh trong phim Phượng khấu với bối cảnh hậu cung nhà Nguyễn. |
Người Việt rất yêu lịch sử dân tộc
Một trong những vấn đề trăn trở hiện nay là làm sao để người Việt biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc mình. Theo PGS.TS Trần Đức Cường, người Việt rất yêu thích lịch sử của dân tộc mình.
“Ta muốn biết 3.000 năm trước cha ông sống như thế nào. Ta cũng muốn biết 700 năm trước, dân tộc ta ,với dân số không nhiều, lại có thể đánh thắng đế chế Nguyên Mông. Đọc sử để biết quá khứ, hiểu hiện tại, đoán định tương lai. Trí tuệ của một dân tộc, ký ức một dân tộc gắn với lịch sử dân tộc ấy”, PGS.TS Cường nói.
Các nhà nghiên cứu, nhà văn, người làm phim, sân khấu, các NXB… cần chung tay quảng bá sử Việt.
PGS.TS Trần Đức Cường
Tuy vậy, ông cũng nhận định: “Người yêu lịch sử nhiều, mà người yêu sách lịch sử lại chưa nhiều. Đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu, biên soạn phải có trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra cho người biên soạn, từ biên soạn SGK đến các bộ sử khác, đều phải tìm cách trả lời”.
Nói tới lịch sử, đâu đó lại đưa ra nhận xét dường như người Việt biết sử Tàu hơn sử ta. PGS Trần Đức Cường phản bác quan điểm đó.
Ông nói sở dĩ những người nước ta biết về Trung Quốc là qua những tác phẩm văn học như Tam quốc, Đông chu liệt quốc, rồi loạt phim của họ. Những chi tiết lịch sử đó đã qua hư cấu.
Với lịch sử Trung Quốc, họ có những bộ sử lớn như Nhị thập tứ sử, Nhị thập ngũ sử… nhưng chưa được dịch trọn ở Việt Nam, người biết Trung văn cũng ít.
Nhưng câu chuyện trên cũng cho chúng ta thấy cần có nhiều phương pháp thể hiện, truyền bá lịch sử phong phú hơn: Các chương trình phổ thông, sách vở, tác phẩm văn chương, điện ảnh…
“Ta xem kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, xem phim Ván bài lật ngửa… thấy hấp dẫn chứ. Làm sao để nhà nghiên cứu, nhà văn, người làm phim, sân khấu, các bà đỡ… chung tay quảng bá sử Việt”.
Bằng hình thức văn chương, lịch sử đến nhanh với bạn đọc. “Tôi hy vọng tới đây, các nhà văn, nghệ sĩ hãy sáng tác nhiều hơn nữa những công trình, tác phẩm về đề tài lịch sử. Bởi, lịch sử đến nhanh nhất với công chúng qua văn học, điện ảnh”, PGS.TS Trần Đức Cường tâm sự.
Với mảng sách nghiên cứu lịch sử, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cũng cho rằng hiện nay, trên khắp vùng miền Tổ quốc, nhiều người muốn biết về lịch sử. Chúng ta cần những công trình gọn nhẹ, hấp dẫn để thu hút bạn đọc.