Ngày 30/5 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không vũ trụ Mỹ. SpaceX đã phối hợp NASA đưa hai phi hành gia vào không gian sau 9 năm. Gần một ngày sau, phi hành đoàn Dragon Crew đã đến được Trạm Không gian Quốc tế ISS, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành hàng không vũ trụ.
Được sự đồng ý của Alphabooks – đơn vị giữ bản quyền – Zing trích đăng cuốn sách Elon Musk – Từ ước mơ đến hành trình quá giang vào Dải Ngân hà của tác giả Ashlee Vance.
Cuối năm 2007, đầu năm 2008, cuộc sống của Musk ngày một khó khăn. Về cơ bản, Tesla phải chế tạo lại hoàn toàn chiếc Roadsrer và SpaceX vẫn có hàng tá nhân viên sinh sống ở Kwajalein chờ đợi lượt phóng thử tiếp theo của Falcon 1.
Cả hai nỗ lực trên đều ngốn sạch tiền bạc của Musk. Anh phải bán những tài sản có giá trị như chiếc siêu xe thể thao McLaren để xoay tiền mặt.
SpaceX cạn kiệt tiền mặt
Musk thường giấu nhân viên về tình hình tài chính nghiêm trọng bằng cách động viên họ nỗ lực làm việc. Đồng thời, anh cũng tận mắt giám sát các thương vụ quan trọng ở cả hai công ty. Musk đào tạo nhân viên cách cân bằng giữa chi phí và năng suất.
Điều này quả là một ý tưởng lạ lẫm với nhiều nhân viên của SpaceX vì họ quen làm việc tại các công ty hàng không vũ trụ truyền thống, nơi ký các hợp đồng dài hạn với chính phủ và không phải chịu áp lực sinh tồn.
“Elon làm việc cả chủ nhật và chúng tôi từng Chuyện trò về triết lý sống của anh”, Kevin Brogan, nhân viên đời đầu của SpaceX chia sẻ.
“Anh ấy nói rằng mọi điều chúng tôi làm đều là hàm số gắn liền với tỷ lệ tiêu tiền của công ty và chúng tôi đang đốt cả trăm nghìn đôla mỗi ngày. Lối kinh doanh theo kiểu Thung lũng Silicon khiến các kỹ sư hàng không vũ trụ ở Los Angeles không thể tiếp thu nổi.
Đôi lúc, anh ấy không cho phép mua một bộ phận với giá 2.000 đôla vì muốn bạn tìm hoặc phát minh ra thử rẻ hơn. Khi khác, anh ấy lại không chần chừ bỏ ra 90.000 đôla để thuê một chiếc máy bay vận chuyển đồ tới đảo Kwaj và thấy xứng đáng vì đã tiết kiệm được một ngày làm việc”.
Khi tháng 7 dần trôi qua, Musk nhận ra anh chỉ đủ tiền mặt chi trả đến cuối năm. Cả SpaceX và Tesla đều cần tiền trả lương cho nhân viên và chẳng rõ tiền sẽ tới từ đâu khi thị trường tài chính thể giới sụp đổ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ hơn ở hai công ty, Musk có thể thấy tự tin trong việc huy động vốn nhưng tình hình lại không như vậy.
Lần phóng thất bại của Falcon 1. |
Lần phóng thứ ba thất bại
Lần phóng thử thứ ba của SpaceX từ Kwajalein đã trở thành mối bận tâm lớn nhất của Musk. Đội kỹ sư vẫn cắm trại trên đảo, chuẩn bị cho lần phóng thử tiếp theo của Falcon 1.
Một công ty thông thường chỉ tập trung công việc hiện tại, nhưng SpaceX thì không. Nó đã chuyển Falcon 1 tới Kwaj vào tháng 4 cùng đội kỹ sư và lập một đội mới để phát triển Falcon 9, tên lửa 9 động cơ có khả năng thay thế Falcon 5 cũng như tàu con thoi sắp nghỉ hưu.
SpaceX chưa thể chứng minh liệu nó có thể tiến vào không gian thành công hay không nhưng Musk vẫn xác định công ty có thể thầu các hợp đồng lớn từ NASA.
Ngày 30/7/2008, Falcon 9 được khai hỏa thử nghiệm thành công tại Texas với 9 động cơ đều cháy sáng và sản sinh ra lực đẩy tương đương 385,6 tấn.
Ba ngày sau tại Kwaj, các kỹ sư của SpaceX đổ đẩy nhiên liệu cho Falcon 1 và đặt trọn niềm tin vào đó. Quả tên lửa mang theo vệ tinh của Lực lượng Không quân cùng hai mẫu vật thử nghiệm của NASA. Tổng khối lượng hàng hóa nặng 171 kg.
SpaceX đã tiến hành những thay đổi quan trọng từ lần phóng thất bại gần nhất. Một công ty hàng không vũ trụ truyền thống chắng muốn có thêm nguy cơ nhưng Musk vẫn khăng khăng muốn SpaceX phải phát triển công nghệ hơn nữa, song song với việc lèo lái nó đi đúng đường. Một trong những thay đổi lớn nhất của Falcon 1 là phiên bản mới của động cơ Merlin với hệ thống làm mát được cải tiến.
Lần phóng thử đầu tiên vào ngày 2/8/2008 bị hủy bỏ ở bước đếm ngược từng giây tới thời điểm phóng. SpaceX họp lại và thử phóng lần nữa trong cùng một ngày.
Lần này, mọi thứ dường như rất ổn. Falcon 1 vút bay đầy ngoạn mục. Nhân viên của SpaceX theo dõi diễn biến trên màn hình tại California liền reo hò, huýt sáo.
Nhưng, ngay tại thời điểm tầng thứ nhất và tầng thứ hai tách rời đã xảy ra sự cố và một thảm họa khác. Một phân tích sau đó chỉ ra rằng động cơ mới đã tạo ra lực đẩy ngoài mong đợi trong quá trình phân tách khiến tầng thứ nhất va chạm mạnh vào tầng thứ hai làm cho phần đầu tên lửa và động cơ bị hỏng nặng.
Lần phóng thất bại này khiến nhiều nhân viên SpaceX đau đớn. “Thật đau lòng khi thấy khối năng lượng nổ tung bao trùm lên cả động cơ chỉ trong vòng 30 giây”, Dolly Singh, tân binh tại SpaceX chua xót.
“Nó như thể là ngày tồi tệ nhất trong đời. Người trưởng thành thường ít khi khóc lóc nhưng hôm đó, tất cả đã nức nở. Chúng tôi mệt mỏi và có cảm giác tim mình vỡ vụn”.
“Lần phóng thứ tư là cuối cùng”
Musk chuyện trò với nhân viên ngay lập tức và động viên họ trở lại với công việc.
“Anh ấy nói: ‘Xem này! Chúng ta sẽ làm được điều đó. Mọi chuyện sẽ ổn, đừng hoảng sợ!”’- Singh nhớ lại – “Lời nói ấy như một phép màu. Mọi người đều bình tĩnh ngay tức thì Và bắt đầu tập trung tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra cùng cách khắc phục nó. Từ tuyệt vọng tới hy vọng và sự tập trung”.
Musk cũng thể hiện sự lạc quan trước công chúng. Trong một tuyên bố, anh khẳng định SpaceX vẫn còn một quả tên lửa đang chờ lần phóng thứ tư và lần phóng thứ năm đã được lên kế hoạch không lâu sau đó.
“Tôi còn đánh liều bịa chuyện về lần phóng thứ sáu” – Musk nói – “Việc phát triển Falcon 9 sẽ tiếp tục chứ không chững lại”.
Trên thực tế, lần phóng thứ ba là thảm họa với những hậu quả nặng nề. Kể từ khi tầng thứ hai của tên lửa không được khai hỏa đúng cách, SpaceX chưa có cơ hội để xem liệu họ đã khắc phục hoàn toàn vấn đề tràn nhiên liệu từng gây cản trở cho lần phóng thứ hai hay chưa.
Nhiều kỹ sư tin tưởng rằng họ đã giải quyết triệt để vấn đề này và tỏ ra lo lắng về lần phóng thứ tư. Họ đã nghĩ rằng mình có câu trả lời đơn giản cho vấn đề lực đẩy mới xuất hiện.
Với Musk, tình hình dường như còn trầm trọng hơn. “Tôi thực sự rất thất vọng” – Musk nói – “Nếu chúng tôi không thể giải quyết vấn đề nhiên liệu ở lần phóng thứ hai hoặc một sự cố ngẫu nhiên nào khác một lỗi trong quá trình phóng hay sản xuất không liên quan đến bất kỳ vấn đề nào trước đó, thì cuộc chơi sẽ chấm dứt”.
Đơn giản là bởi SpaceX không còn đủ tiền cho lần phóng thứ năm. Anh đã bỏ 100 triệu đôla vào công ty và chẳng còn lại nhiều nhặn gì vì những vấn đề ở Tesla. “Lần phóng thứ tư là lần cuối,” Musk khẳng định.
Lần phóng thứ tư và có thể là lần phóng cuối cùng của SpaceX diễn ra vào ngày 28/9/2008. Các nhân viên đã làm việc không ngừng nghỉ dưới áp lực nặng nề trong suốt 6 tuần lễ. Lòng tự hào cùng hy vọng và ước mơ đang hòa quyện lại với nhau.
“Mọi người cố gắng làm những điều tốt nhất để không phải bỏ cuộc,” James McLaury, một nhân viên quản lý đo lường tại SpaceX cho hay. Bất chấp những lộn xộn vừa qua, các kỹ sư ở Kwaj tin tưởng rằng lần phóng này sẽ thành công.
Nhóm người ở trên đảo đôi ba năm đã vượt qua một trong những đợt rèn luyện lạ lùng nhất trong lịch sử loài người. Họ phải sống xa gia đình, bị cái nóng thiêu đốt và đày đọa trên bệ phóng bé tí ngoài khơi xa – đôi khi còn thiếu thức ăn – ngày nối ngày chỉ đợi cửa phóng mở ra và xử lý những việc còn dang dở. Tất cả nỗi đau, cực khổ và sợ hãi đó sẽ trôi vào quên lãng nếu lẩn phóng này thành công.
Bệ phóng tên lửa Falcon 1 ngày 28/9/2008. |
Ngày tuyệt vời
Chiều muộn ngày 28, đội SpaceX đưa Falcon 1 vào bệ phóng. Một lần nữa, nó đứng sừng sững, hệt như một tạo tác kỳ dị giữa bộ lạc trên đảo hoang với tán cọ đung đưa và những đám mây bay ngang qua bầu trời xanh ngắt.
Lần này, Falcon 1 không mang theo một khoang hàng nào đúng nghĩa bởi cả công ty và quân đội không muốn chứng kiến cảnh tượng nó nổ tung rồi thất lạc giữa biển khơi. Do vậy, quả tên lửa chỉ mang theo tàu trọng tải rỗng nặng 163 kg.
Dù SpaceX đã giảm bớt độ hoành tráng của lần phóng song cũng không khiến nhân viên bối rối hay làm suy giảm lòng nhiệt tình của họ. Khi quả tên lửa gầm lên và bay cao hơn, các kỹ sư tại trụ sở SpaceX reo hò cổ vũ. Mỗi một cột mốc tiếp theo – dọn quang hòn đảo, kiểm tra động cơ đều đạt kết quả tốt – liền gắn với những tiếng huýt sáo và reo hò.
Khi tầng thứ nhất tách ra, tầng thứ hai đánh lửa trong khoảng 90 giây trước khi bay, các nhân viên chuyển sang cổ vũ nhiệt liệt. Những tràng reo hò hân hoan ngập tràn buổi truyền qua mạng.
“Hoàn hảo”, một phát thanh viên reo lên. Động cơ Kestrel đỏ rực rồi bắt đầu cháy trong sáu phút. “Khi giai đoạn thứ hai kết thúc, tôi mới có thể thở phào và đầu gối ngừng run”, McLaury nhớ lại.
Bộ phận phụ mở ra trong vòng ba phút và rơi trở lại Trái đất. Cuối cùng, sau 9 phút hành trình, Falcon 1 tắt động cơ như dự kiến và bay vào quỹ đạo, trở thành cỗ máy đầu tiên do tư nhân chế tạo chinh phục được kỳ tích này.
Phải mất 6 năm – lâu hơn so với dự kiến của Musk bốn năm rưỡi – với 500 con người để tạo ra chiến tích của khoa học hiện đại và kinh doanh.
Sớm hôm đó, Musk tự kéo mình khỏi áp lực nặng nề bằng cách tới Disneyland cùng em trai Kimbal và các con. Rồi anh phải vội vàng quay trở lại cho kịp thời điểm phóng lúc bốn giờ chiều và bước vào phòng điều khiển của SpaceX trên xe moóc hai phút trước vụ phóng.
“Khi phóng thành công, mọi người đều rơi nước mắt”, Kimbal nhớ lại. Musk rời phòng điều khiển và bước vào sảnh nhà máy, nơi anh nhận được sự chào đón nồng nhiệt như một ngôi sao nhạc Rock.
“Phạt, thật tuyệt vời” – anh nói – “Rất nhiều người nghĩ chúng ta không thể làm được – rất nhiều, rất nhiều – nhưng tục ngữ có câu ‘quá tam ba bận’, đúng không? Chỉ có một số quốc gia trên Trái Đất mới làm được điều này. Thông thường, đó là chuyện của một quốc gia chứ không phải một công ty…
Đầu óc tôi như muốn nổ tung nên thật khó để nói gì vào lúc này nhưng đây chắc chắn là một ngày tuyệt vời nhất đời tôi và tôi tin đa số mọi người cũng vậy. Chúng ta đã cho mọi người thấy mình có thể làm được. Đây chỉ là bước đầu tiên của nhiều bước nữa…”.