Cuốn sách Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng của nhà tâm lý học Wilhelm Stekel giúp bạn thấu hiểu những điều thẳm sâu trong tâm hồn, cho thấy lối đi của cảm xúc, con đường thổi đi những tăm tối và thắp lên ánh sáng trong chính bạn.
Được sự đồng ý của Công ty sách Bách Việt, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Các nhà tâm lý học hiện đại đã chỉ ra mối quan hệ giữa tâm trạng không có chủ ý và tính chu kỳ của những hiện tượng nhất định của cuộc sống. Một thực tế là tất cả chúng ta đều chịu những ảnh hưởng mang tính định kỳ. Chúng ta phần nào biết, và cũng phần nào không biết về những ảnh hưởng này.
Chỉ riêng chu kỳ tâm trạng này cũng đã là lý do đầy đủ cho các cơn trầm cảm. Giống như một hòn đá ném vào vũng nước, sẽ xuất hiện những gợn sóng tròn lan rộng và yếu dần, cho đến khi chúng biến mất với những gợn nhẹ trên bề mặt.
Sách Sâu trong ta một bông hoa luôn rực sáng. Ảnh: Netabooks. |
Ở những người trẻ tuổi, chúng là hậu quả của các cảnh báo thái quá về việc không làm tổn hại sức khỏe của mình; về những tội lỗi đi ngược lại tôn giáo và phẩm hạnh – đạo đức; những quở trách vì quá dễ dàng đầu hàng trước xung lực thôi đẩy bản thân.
Nhưng cũng ngược lại, nhiều cơn trầm cảm là biểu hiện của sự ân hận khi buộc phải trở nên khép mình và đức hạnh.
Một cô gái kêu gào dữ dội mà không có động cơ rõ ràng. Lần cuối cùng kéo dài nửa ngày. Tôi hỏi liệu cô ấy có tự kích động mình bằng cách nào đó không? Cô có lý do gì để cảm thấy phiền não không? Không! Cô có chắc không?
Rồi cô kể: Thực ra có một vấn đề nhỏ “không đáng kể lắm” xảy ra với cô. Trên một cây cầu trong thành phố, một quý ông rất thanh lịch đã tiếp cận cô. Cô không cho phép anh ta đi cùng mình. Cô phẫn nộ đuổi anh ta đi. Anh ta nghĩ cô là gì chứ?!
Nhưng người đàn ông đó vẫn kiên trì vai diễn của mình. Anh ta vẽ nên những bức tranh hẹn hò rực rỡ. Đến cuối cùng cô cũng can đảm để thốt lên: “Nếu anh không tránh xa tôi ra, tôi sẽ gọi cảnh sát!”
Sau đó, mặt cô đỏ bừng, mồ hôi vã ra. Cô vội vã về nhà, ăn bữa ăn của cô trong im lặng và sau đó trút hết trong trận khóc không dừng.
Không có cơn trầm cảm nào “không thể giải thích”. Ý thức không bao trùm tất cả các lực lượng tinh thần chi phối và chỉ đạo chúng ta. Dưới bề mặt của nó, còn một lực rất hùng mạnh là vô thức, nơi chứa chất những cảm xúc bị dồn nén,
Định kiến xã hội hay luân thường đạo lý phân loại con người thành những người tự do hoặc không. Nhưng trong thực tế, hầu hết con người là nô lệ của các phức cảm vô thức của mình.
Người hay-tâm-trạng là nô lệ của quá khứ, bậc thầy buông xuôi và người thợ vụng về trong cuộc sống. Sự cứu rỗi duy nhất dành cho họ nằm trong việc tìm kiếm chân lý, hoặc biến những cơn trầm cảm của họ thành tác phẩm nghệ thuật.
Hầu hết thời gian, họ lướt qua sự hỗn loạn của cuộc sống như những người mơ mộng. Đôi tai của họ hướng vào trong. Lời mời gọi từ cuộc sống trở nên mờ nhạt. Họ cứ mải đuổi theo những con bướm vàng trong nghĩa địa…
Thế nên ai cũng biết, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc sống là đạt được tự tại bên trong. Suy nghĩ này vẫn được thể hiện trong một câu ngạn ngữ cổ: “Ai cũng có tâm trạng của riêng mình, nhưng đừng để tâm trạng kiểm soát mình”.