Báo cáo về số lượng tội phạm trẻ em ngày càng tăng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu vào mối quan hệ giữa sự thoái hóa và tuổi thơ.
Người ta khó có thể tin rằng đứa trẻ dễ thương với một gia đình hạnh phúc kia lại có thể trở thành con quỷ dữ. Những đôi cánh thiên thần dần rụng xuống và một đứa trẻ được nâng niu trở thành bạo chúa gây ra đau khổ cho chính mình và những người thân.
Sự thoái hóa tinh thần ở trẻ
Những nhà giáo dục gọi đó là thất bại, còn bác sĩ kết luận đó là thoái hóa. Koch đã đưa ra cách gọi tuyệt vời cho những đứa trẻ nằm ở ranh giới không thành bệnh và thành bệnh với tên gọi “thoái hóa tinh thần” (psy-cho-pathological inferiorities2).
Những đứa trẻ hư hỏng kia là ví dụ cho loại bệnh lý này. Nó có rất nhiều biến thể, không dễ để phác thảo đặc điểm chung cho mọi trường hợp. Nó là kiểu cái tôi không giới hạn (hypertrophy of the Ego) trước tất cả: Mọi cảm xúc vị tha đối với chúng là điều gì đó không tưởng và không thể hiểu nổi. Nếu chúng sở hữu những cảm xúc này, đằng sau đó luôn tiềm ẩn sự giả vờ của người lão luyện.
Chúng luôn đặt sự thoải mái và tham muốn của mình lên trên mọi thứ. Cái Tôi cần được yêu thương của chúng quan trọng hơn mọi người.
Chúng ghen tỵ trước mọi dấu hiệu tình cảm dành cho đứa trẻ khác, bởi cái tôi của chúng ghi nhận rằng đó là sự phản bội lại tình cảm của chúng.
Chúng rất dễ cảm thấy bị xúc phạm, nóng nảy và mất kiểm soát, nên dễ xung đột với anh chị em, cũng như bạn học của mình. Vì thế, chúng hiếm khi có bạn bè. Ngược lại, chúng có nhiều kẻ thù đến nỗi đuổi đi chẳng hết, hoặc luôn sống trong đánh đấm bạo lực.
Nhiều bậc cha mẹ đã phiền muộn đến thế nào trong nỗ lực kéo những đứa con ngỗ nghịch quay trở lại con đường đúng đắn. Và bằng chính trái tim chân thành của mình, họ lại thường sử dụng các phương pháp sai lầm nhất, chính thế lại càng khiến tính xấu của đứa trẻ tăng lên.
Sách Cái tôi được yêu thương. Ảnh: Diemsach. |
Môi trường tác động thế nào đến tâm hồn thơ trẻ?
Có thể hiểu ngay vấn đề này khi tìm hiểu về căn nguyên của những hiện tượng kỳ quái của con trẻ. Một nhân tố đã không được nhấn mạnh đến, đó là môi trường. Nếu tưởng rằng chỉ cần cách ly trẻ là đủ để ngăn chặn sự hư hỏng hay sự hình thành của những hành động điên rồ, thì chúng ta đã quá sai lầm.
Chúng ta cũng thường thấy trẻ hư hỏng trong những gia đình có điều kiện tốt nhất, được chăm sóc và nuôi dạy cẩn thận nhất. Và ở đây, nếu tìm hiểu kỹ hơn, ta sẽ thấy môi trường cũng sẽ là một tác nhân cơ bản.
Thường là những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hoặc thiếu đi bầu không khí ôn hòa từ một gia đình yên ấm – điều kiện cần cho sự phát triển của một tâm hồn lành mạnh. Căn nguyên của sự hư hỏng nằm ở đây. Đứa trẻ không có quyền gì trong nhà. Người có quyền đầu tiên trong nhà mà nó biết là người cha.
Trong một gia đình yên ấm, có cha mẹ tôn trọng nhau, những đứa trẻ sống trong những gia đình đó khó có thể hư hỏng được. Giáo dục bắt nguồn từ lòng tin vào quyền hạn của cha mẹ, và con trẻ mong muốn được trở thành người giống như cha mẹ mình. Đây là nền móng tạo nên một con người có đạo đức.
Trong những trường hợp hiếm hoi, gia sư hay người kèm cặp có thể cũng đóng vai trò đó, bởi đòn bẩy mạnh mẽ của giáo dục luôn là tình yêu. Không phải kiểu yêu thương mù quáng, điên rồ.
Đó là tình yêu thương được thể hiện trầm tĩnh, sâu sắc, nhìn thấy lỗi lầm rõ ràng hơn cả những điểm đặc biệt của con trẻ, nhưng không để đức tính đó biến thành kiêu căng bởi sự tán dương.
Tình yêu mù quáng đem đến cho đứa trẻ bất cứ thứ gì mà nó muốn và tin rằng điều đó sẽ khiến nó hạnh phúc. Đây thực sự là một trường dự bị tồi tệ của cuộc sống. Đứa trẻ dễ dàng sa vào suy nghĩ rằng mọi ước muốn đều có thể trở thành hiện thực nếu dùng sự tinh ranh hay nước mắt để đạt được. Việc quan trọng với đứa trẻ là nuôi dạy chúng, chứ không phải cung phụng chúng.
Một đứa trẻ cũng nên được tự do tưởng tượng. Mảnh gỗ nhỏ kích thích trí tưởng tượng tốt hơn tất thảy búp bê xinh đẹp với váy áo lộng lẫy kia. Những thứ đồ chơi xa hoa như vậy thường không cần thiết. Thay vào đó, có thể là những vở kịch thiếu nhi hay những câu chuyện cổ tích, những vở ba-lê hay những bản hòa nhạc, và nhiều thứ khác. Đâu là thứ dành cho lũ trẻ?
Chính khao khát tìm hiểu những điều mới mẻ là động lực thúc đẩy sự tiến bộ trong mỗi cá nhân và trong cả cộng đồng.