Ông có nhiều đóng góp quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo, mở ra những lý thuyết nghiên cứu cho nền lý luận, phê bình văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Trong cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề Văn học Việt Nam từ những mảnh ghép (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, năm 2023), bạn đọc sẽ được tiếp cận nhiều bài viết thú vị, những kiến giải mới lạ, có giá trị dưới góc nhìn ngôn ngữ, hình thái văn học và văn học sử Việt Nam.
Văn học Việt Nam từ những mảnh ghép dày gần 400 trang, được chia làm 5 phần: Ngôn ngữ và hình thái văn học; Con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam; Nguyễn Du, Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương; Văn học hiện đại; Mấy nét về lý luận văn học. Nhìn vào kết cấu cuốn sách, những nội dung được thể hiện quả thật không có sự liên kết mang tính hệ thống, nhất quán. Bù lại, những mảnh ghép cho thấy kiến giải riêng đầy thú vị về những góc cạnh của văn chương.
Như lời tác giả cuốn sách chia sẻ: “Các vấn đề trong sách không được trình bày hệ thống mà chỉ là những mảnh ghép, chấm phá. Song tuy là chấm phá nhưng có những điểm nhấn mang tính bổ sung đối với một số vấn đề trong nền văn học dân tộc, góp phần làm sáng tỏ thêm một số khía cạnh của văn học”.
Nét chấm phá đầu tiên là các bài viết nghiên cứu về ngôn ngữ. GS.TS Trần Đình Sử đã cung cấp những cứ liệu mang tính bổ sung, mở rộng về dấu vết tiếng Việt, văn học viết tiếng Việt… Thú vị hơn là “Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt hiện đại”. Tác giả nhận định, thời kỳ cận đại, do nhu cầu tiếp cận văn minh phương Tây, nhu cầu dịch thuật gia tăng khác thường và tiên phong trong lĩnh vực này là Nhật Bản. Từ Hán Việt gốc Nhật đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, tạo nên tiềm lực của đời sống tinh thần và tư duy khoa học hiện đại.
Ông cũng chỉ ra hơn 400 từ Hán Việt gốc Nhật, đều là những từ ngữ quen thuộc mà người Việt đang sử dụng thường ngày: Chính đảng, Chính phủ, dân tộc, dân chủ, xí nghiệp, xuất khẩu…
Qua những chỉ dấu ban đầu về ngôn ngữ, GS.TS Trần Đình Sử bắt đầu đi sâu vào góc cạnh văn chương xung quanh quan niệm về con người cá nhân, sự đổi thay quan niệm về con người này trong văn học thời kỳ trung đại. Những đóng góp bất hủ của Nguyễn Du với văn học dân tộc. Hay bàn thêm về đoạn kết của Truyện Kiều, dẫu có vướng vào những căn nguyên khó giải thích hết nhưng lại mở ra tầm đón đợi mới cho người đọc.
Với văn học thời kỳ hiện đại, bằng sự nghiêm cẩn, trách nhiệm trong nghiên cứu, GS.TS Trần Đình Sử đã dẫn dắt người đọc đến những quan niệm về tên gọi, tình trạng và hướng phát triển của một số thể loại văn học Việt Nam hiện đại như tiểu thuyết lịch sử, thơ trữ tình lục bát, trường ca, tản văn, nhật ký… Đây là những thể loại được ưa chuộng và tạo nên không khí khá sôi động trong giới văn chương những năm gần đây. Ngoài ra, ông còn tái hiện những thành tựu đổi mới văn học của một số tác giả tiêu biểu đã rất quen thuộc với bạn đọc cả nước: Tố Hữu, Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… trên các khía cạnh về thi pháp học, tự sự học, văn học sử…
Có thể thấy, ý nghĩa khoa học chính là điểm tựa lớn nhất trong Văn học Việt Nam từ những mảnh ghép của GS.TS Trần Đình Sử. Tác giả đã cung cấp một sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, chất lượng, hấp dẫn. Qua đó, bạn đọc có thể cảm nhận được một cách rõ ràng tinh thần trách nhiệm, tận tâm, khoa học trong công việc nghiên cứu và giá trị của văn chương trong đời sống con người.
Nguồn: https://znews.vn/kien-giai-moi-ve-gia-tri-van-hoc-viet-nam-post1449071.html
You must be logged in to post a comment Login