Theo PGS Mai Văn Trinh, dịch Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, kế thừa kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, để có các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021.
– Tính đến sáng 7/5, 21 tỉnh, thành cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT có phương án như thế nào để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021?
– Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng chống dịch.
Tuỳ tình hình diễn biến của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định phương án tổ chức kỳ thi theo nguyên tắc: Tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội).
Sẽ tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi.
Tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí các phương án bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp với các nhóm thí sinh diện này.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.
Có thể nói, Bộ GD&ĐT đang cùng các địa phương chủ động phương án để tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19.
Trước mắt, các địa phương, nhà trường thực hiện tốt các phương án phòng/chống dịch Covid-19, tổ chức dạy học, ôn tập với các hình thức linh hoạt, hiệu quả, ổn định về tâm lý. Không lơ là và cũng không chủ quan để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Người Lao Động. |
– Trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến do dịch Covid-19, rất nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 năm nay sẽ như thế nào, thưa ông?
– Tôi có thể khẳng định công tác đề thi luôn được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm và đã tích cực chuẩn bị một cách chủ động, nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác ra đề thi.
Năm nay, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi sẽ gồm phần lớn câu hỏi ở mức độ cơ bản; đồng thời, đề thi cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10).
Để thí sinh thuận lợi khi làm bài, các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó. Thí sinh lưu ý trong một phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng.
Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo đối với các môn thi trong kỳ thi. Các nhà trường phân tích kỹ đề thi tham khảo để có thể định hướng dạy học, ôn tập.
– Trong bối cảnh dịch bệnh dự báo diễn biến hết sức phức tạp, theo ông, cần chuẩn bị các điều kiện như thế nào để tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất?
– Để kỳ thi được tổ chức an toàn, khách quan, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo kế hoạch tổ chức kỳ thi đã công bố. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn, bố trí các điểm thi, lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Đặc biệt, các địa phương cần chủ động chuẩn bị phương án và các điều kiện để phòng chống dịch Covid-19 và tổ chức kỳ thi trong điều kiện tác động của dịch Covid-19.
Các địa phương cần chủ động năm bắt tình hình diễn biến của dịch Covid-19, thông tin đầy đủ, kịp thời với Bộ GD&ĐT để triển khai phương án tổ chức kỳ thi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cả nước.