Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết,100% học sinh lớp 12 của trường đã đăng ký thi tốt nghiệp THPT, các em đều đã có tài khoản và mật khẩu để đăng nhập hệ thống đăng ký nguyện vọng trực tuyến.
Trong thời gian nghỉ học trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19, học sinh vẫn đăng ký nguyện vọng trực tuyến bình thường. Theo ông Nhâm, 60% học sinh lớp 12 của trường lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, số còn lại lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên.
Đăng ký nguyện vọng trực tuyến giúp giảm rủi ro và sai sót cho thí sinh. Ảnh: Tiền Phong. |
Một thí sinh đăng ký 72 nguyện vọng
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), cho hay phòng đã nhận được 18 hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH của thí sinh tự do. Ông Vũ thông tin như những năm trước, gần những ngày cuối cùng, nhiều thí sinh tự do mới đến nộp hồ sơ. Phần lớn là thí sinh tự do thi lại để xét tuyển vào các trường công an, quân đội.
Năm nay, nhiều học sinh lớp 12 tại Nghệ An hoàn thành nộp hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT sớm hơn so với các năm trước. Phần lớn các em lựa chọn phương thức đăng ký trực tuyến để thuận lợi thay đổi nguyện vọng.
Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cho hay do vẫn trong thời gian đăng ký dự thi nên các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn đang tổng hợp dữ liệu.
Như những năm trước, năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường yêu thích của mình, một thí sinh đang học tại một trường THPT tại Hà Nội đăng ký tới 72 nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh này dành hơn 40 nguyện vọng để đăng ký vào ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khoảng 30 nguyện vọng khác để đăng ký vào ở các trường ĐH khác.
Thí sinh nên chia nguyện vọng đăng ký xét tuyển làm 3 nhóm. Nhóm một là nguyện vọng mà các em yêu thích nhất; nhóm hai là các nguyện vọng yêu thích và có cơ hội trúng tuyển cao; nhóm ba là các nguyện vọng dự phòng, cơ hội trúng tuyển có thể 100%.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khuyên thí sinh nên chia nguyện vọng đăng ký xét tuyển làm 3 nhóm. Nhóm một là nguyện vọng mà các em yêu thích nhất. Các nguyện vọng xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ yêu thích giảm dần.
Nhóm hai là các nguyện vọng mà thí sinh cũng yêu thích (nhưng không bằng nhóm một) và có cơ hội trúng tuyển cao. Nếu không trúng tuyển được ở nhóm một, thí sinh cần xác định sao cho cơ hội trúng tuyển ở nhóm này là tốt nhất.
Nhóm ba là các nguyện vọng dự phòng, cơ hội trúng tuyển có thể 100% để trong trường hợp xấu nhất, không trúng tuyển bất kỳ nguyện vọng nào thuộc nhóm một, nhóm hai thì các em vẫn trúng tuyển nguyện vọng thuộc nhóm ba để học.
“Giá trị các nguyện vọng là như nhau, vì thế, thí sinh cần đưa nguyện vọng yêu thích nhất lên đầu”, bà Hoa nói.
Những nhóm ngành khát nhân lực
Mới đây, tại tọa đàm hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, Thạc sĩ Vũ Chí Thành, Giám đốc Khối đào tạo cao đẳng FPT Polytechnic, nói về các nhóm ngành khát nhân lực.
Theo ông Thành, lĩnh vực công nghệ thông tin đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; mỗi năm thiếu khoảng 400.000 người. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nổi lên các ngành liên quan thiết kế website, thiết kế đồ họa… Trong khối ngành liên quan kinh tế, kinh doanh, đang nổi lên ngành marketing số. Nhóm ngành nghề về làm đẹp cũng rất phát triển, bao gồm chăm sóc da, móng, tóc, nhuộm tóc, trang điểm…
Với các nhóm ngành khác, khi xã hội gặp biến động thì các ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa… là nhóm ngành xương sống của nền kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng ĐH Phenikaa, cho rằng 7 nhóm ngành nghề có triển vọng tăng trưởng, có tiềm năng phát triển trong thời gian tới: Công nghệ thông tin (phần mềm, an ninh mạng, dữ liệu…), tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, robot…), công trình về thủy lợi, xây dựng, công nghệ thông minh, công nghệ sinh học, khoa học môi trường phát triển bền vững, tài chính, quản trị kinh doanh, du lịch, ngành liên quan sức khỏe (điều dưỡng, phục hồi chức năng…) và ngoại ngữ.