Nhà văn tình báo người Anh David John Moore Cornwell được biết đến với bút danh John le Carré. Người đàn ông nổi tiếng với loạt sách trinh thám chính trị này đã qua đời ngày 12/12.
Nhà báo Yên Ba – người viết báo mảng quốc tế, tác giả cuốn biên khảo về cuộc chiến điệp báo Răng sư tử – dành sự ngưỡng mộ lớn cho John le Carré. Ông đưa ra nhận định về sự nghiệp cùng các tác phẩm của nhà văn người Anh.
Tác giả trinh thám mẫu mực
– Trong một bài viết về sách điệp báo trước đây, ông từng chia sẻ cứ vài năm sẽ đọc lại “Người về từ vùng đất lạnh” một lần. Tác phẩm của John le Carré có gì đặc sắc khiến ông yêu thích đến vậy?
– Sách của John le Carré không chỉ là trinh thám, cũng không phải trinh thám đặc sắc. Nó là một kiệt tác.
Ông viết khác biệt với các tác giả trinh thám chính trị, nhất là những tác phẩm về thời Chiến tranh Lạnh. Những năm 1960, các câu chuyện điệp báo thường có kết cấu bạn – thù, ta – địch rất đơn giản.
Trong những cuốn trinh thám chính trị thời đó, các điệp viên phương Tây xuất hiện với vẻ khoa trương, thỏa mãn, vuốt ve tình cảm của một phía. Trên thực tế, hoạt động điệp báo rất phức tạp, vậy mà người ta hình dung đơn giản: Nhân vật của phía ta tài giỏi, người của địch kém cỏi.
Nhưng John le Carré viết khác. Nhân vật của ông luôn trăn trở, mang nặng suy tư của người sống trong một thế giới đặc biệt. Trong thế giới điệp viên, các câu hỏi đạo đức thường không được đặt ra; người ta thường chỉ đặt ra nhiệm vụ và hoàn thành nó.
Trong thế giới ấy, cách John le Carré cho nhân vật trăn trở về đạo đức, lồng ghép trong truyện những kết cấu lắt léo khiến tác phẩm của ông là mẫu mực của sách trinh thám chính trị. Điều đó đưa ông lên thành nhà văn khiến tôi yêu thích bậc nhất, bất chấp ông viết trong lĩnh vực mà người ta coi nhẹ trong văn chương.
Nhà báo Yên Ba. Ảnh: Giản Thanh Sơn. |
– Giữa nhiều luồng quan điểm, trong đó có ý kiến cho rằng trinh thám không thuộc dòng văn chương cao cấp; vì sao ông coi John le Carré là một trong những nhà văn tài năng bậc nhất?
– Bản thân Điệp viên từ vùng đất lạnh (The Spy Who Came in from the Cold) chứa kết cấu tiểu thuyết lắt léo, ly kỳ, phức tạp khiến người ta không đoán nổi đường đi của nó cho đến trang cuối cùng.
John le Carré viết về thế giới điệp viên với hiểu biết rất sâu sắc của người trong cuộc. Ông từng là điệp viên của cơ quan phản gián Anh MI5 và cơ quan tình báo Anh MI6 – hai cơ quan tình báo lâu đời nhất trên thế giới.
Khi viết Điệp viên từ vùng đất lạnh, David John Cornwell đang làm việc cho cơ quan tình báo Anh tại Đức, vì vậy ông lấy bút danh là John le Carré. Tài năng văn chương của John le Carré đã được công nhận, vinh danh qua nhiều giải thưởng.
Ngay từ khi mới xuất bản năm 1963, Điệp viên từ vùng đất lạnh giành tiếng vang toàn cầu, đoạt giải thưởng Dao găm vàng của Hiệp hội các nhà văn viết truyện tội phạm. Tới năm 2005, cuốn sách lại đoạt giải Dao găm vàng ở hạng mục thành tựu trọn đời.
Năm 1964, cuốn sách đoạt giải thưởng Somerst Maugham dành cho tác giả Anh dưới 35 tuổi. Năm 1965, Điệp viên từ vùng đất lạnh đoạt giải Edgar của Mỹ dành cho tác phẩm trinh thám.
Năm 2008, tạp chí Time xếp John le Carré thứ 22 trong 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945. Tạp chí Time bình chọn Điệp viên từ vùng đất lạnh nằm trong số 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại được xuất bản từ năm 1923 (năm tạp chí này ra đời).
Ai dám bảo văn học trinh thám chỉ là cận văn học, không xứng đáng có mặt trong ngôi đền thiêng của những tác phẩm kiệt xuất?
– Ngoài “Điệp viên từ vùng đất lạnh”, John le Carré còn có những tác phẩm đáng chú ý nào khác?
– Ngoài Điệp viên từ vùng đất lạnh, bốn tác phẩm khác của ông đã xuất bản tiếng Việt: Đợi chờ (tên gốc là The Russian House); Độc hổ (Single & Single, viết về nạn rửa tiền), Người tình Panama (The Tailor of Panama, về hoạt động tình báo chính trị ở Nam Mỹ) và Kẻ bị truy nã (A most wanted man, về chống khủng bố).
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, truyện gián điệp của John le Carré theo đuổi nhiều đề tài “nóng” trong xã hội. Tuy vậy, các nhân vật của John le Carré luôn phức tạp, thường phân vân trước những câu hỏi về giá trị đạo đức, tìm kiếm điểm sáng lương tri trong thế giới bóng tối của hoạt động gián điệp. Điều đó khiến tác phẩm của ông vượt lên trên những cuốn sách về điệp báo.
Nhà văn John le Carré. Ảnh: Vanityfair. |
Điệp viên thứ thiệt
– Tác phẩm của John le Carré có tác động ra sao tới ông?
– Tôi biết đến John le Carré khá muộn, khoảng sau năm 1975. Trước đó, cuốn The Spy Who Came in from the Cold đã được xuất bản ở nước ta với hai bản dịch khác nhau: Người từ miền đất lạnh và Máu đẫm ướt tường Bá Linh.
Tôi thấy John le Carré viết khác hẳn các tác giả điệp báo nổi tiếng còn lại, kể cả tác giả Điệp viên 007 là Ian Fleming…
Khi đọc, tôi choáng ngợp trước tác phẩm. Trước đó, tôi đã đọc nhiều sách điệp báo miền Nam. Trong các sách ấy, điệp viên uống rượu, đánh võ hung hăng, đánh cho điệp viên đối phương thua te tua. Còn với Điệp viên trở về từ vùng lạnh, lần đầu tiên thế giới điệp viên hiện diện đầy bi kịch.
Hình ảnh trong một phim chuyển thể tác phẩm của John le Carré. Ảnh: Variety. |
Trong các truyện khác, điệp viên ít khi chết trong chiến trường. Còn nhân vật trong sách này chết khi cố cứu một cô gái.
Việc đọc của tôi có thể phân ra làm hai giai đoạn: Trước và sau khi đọc John le Carré và sau khi đọc John le Carré, tôi hiểu trinh thám chính trị là thế nào.
Khi viết cuốn biên khảo Răng sư tử, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về các nhân vật trong truyện của John le Carré. Tôi cố gắng viết về những con người trong một thế giới khác biệt: Đó là những người rất thông minh, quả cảm, nhưng cũng có những người tham lam, tàn nhẫn, họ bị nghề nghiệp đưa đẩy vào một cuộc sống mà nhiều người kết thúc bằng bi kịch.
– Yêu thích nhiều tác phẩm của John le Carré, ông có thể khái quát sự nghiệp của tác giả này?
– Đó là một nhà văn lớn, người đã sáng tác những tuyệt tác về điệp báo. Ông giúp dòng sách này có chỗ đứng trong dòng chảy văn học thế giới nửa sau thế kỷ 20.
Ba phiên bản tác phẩm The Spy Who Came in from the Cold xuất bản tiếng Việt. Ảnh: Yên Ba. |
– Vậy còn con người gián điệp của David John Cornwell?
– Đến cuối đời, David John Cornwell vẫn là điệp viên đúng nghĩa. Ông không bao giờ tiết lộ điều gì gây hại đến điệp báo Anh, sinh mạng các điệp viên đang hoạt động.
Ông cũng rất ít ít khi trả lời báo chí. Trong suốt những năm làm báo, theo dõi mảng quốc tế, nhân vật mà tôi muốn được phỏng vấn nhất chính là John Cornwell. Đối với người yêu thích dòng sách trinh thám, sẽ là diễm phúc khi được trò chuyện với ông.
– Là người sưu tầm sách, ông sở hữu những tác phẩm nào của John le Carré?
– Tôi có các ấn bản tiếng Việt tác phẩm của John le Carré. Với Điệp viên từ vùng đất lạnh, tôi sưu tầm 3 bản xuất bản qua các thời kỳ. Tôi cũng có gần 40 phiên bản tiếng Anh của tác phẩm, do những đơn vị khác nhau xuất bản, cùng chữ ký tác giả.