Hagakure là một trong những luận thuyết nổi tiếng nhất, nhưng thường bị hiểu nhầm, về võ sĩ đạo, là cửa sổ vào tâm trí samurai và cửa ngõ để đi vào văn hóa Nhật Bản.
Cuốn sách ban đầu chứa đựng xấp xỉ 1.300 đoản văn chia thành 11 quyển, là những suy tư của Yamamoto Jōchō (1659-1719) được lưu lại cho hậu thế qua nỗ lực ghi chép văn liệu bền bỉ và xâu chuỗi từ nhiều nguồn của Tashiro Tsuramoto (1678-1748).
Sách Hagakure. Ảnh: FB Nhã Nam. |
Cách ngôn vượt thời gian
Bản thảo đầu tiên hoàn thành năm 1716, Jōchō xin Tsuramoto đốt đi vì sợ rơi vào tay những người hiểu sai tinh thần của ông, một lời tiên tri về số phận của cuốn sách. Bản thảo gốc thất lạc từ lâu, đến nay có hơn 40 dị bản với ít nhiều dị biệt.
Hagakure từng là sách cấm, chỉ lưu hành giới hạn trong phiên Saga, rồi rơi vào quên lãng. Đến năm 1906, một phần nội dung được xuất bản và lan tỏa ra ngoài tỉnh Saga, bản Hiệu chú Hagakure xuất hiện năm 1940 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự hiện diện của Hagakure trong đời sống văn hóa Nhật Bản và thế giới.
Sau vụ phi công cảm tử kamikaze thời đệ nhị thế chiến, Hagakure thêm một lần nữa bị cấm vì bị cho rằng nội dung của nó khơi dậy tinh thần quân phiệt, sự xả thân bất chấp vì Thiên hoàng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đến những năm 1960, cuốn sách là một trong những cảm hứng để nước Nhật trỗi dậy.
Yamamoto Jōchō là phiên sĩ tùy tùng cấp trung, phụng sự suốt đời phiên chúa Nabeshima Mitsushige, khi Mitsushige qua đời, Jōchō không được tuẫn tử theo chủ nên ông lựa chọn cách tuẫn tử về mặt xã hội, cạo đầu lui về núi ở ẩn.
Tsuramoto cũng là phiên sĩ của phiên Saga (một lãnh địa thời Edo ở Nhật) như Jōchō, đến thăm trong khoảng thời gian kéo dài bảy năm và ghi lại những lời dạy của Jōchō, những lời bị cho rằng: Bậy bạ, lảm nhảm, xúi giục cực đoan và điên khùng của một lão già bất mãn vì thời cuộc thay đổi.
Những cách ngôn có khi thành thực, có khi viển vông của Jōchō được một phần dư luận lâu nay đánh giá sai lệch là tuyên ngôn một chiều, cổ xúy cho một tín điều về sự tận trung cuồng tử, sùng bái cái chết, xem cái chết như không… Hagakure trở thành sách cấm cũng vì lẽ đó.
Nội dung chính của cuốn sách là những suy tư của Jōchō về con người, truyền thống và lịch sử phiên Saga; ghi lại chiến công của các võ sĩ, các giai thoại về những võ sĩ xứ khác và các khía cạnh của văn hóa võ sĩ.
Tư tưởng của Jōchō và chủ đề huyết mạch trong Hagakure, là các phiên sĩ phải sống – chết với danh dự và lòng dũng cảm, được thể hiện ấn tượng qua câu văn: “Đạo của người võ sĩ được nhìn thấy trong sự chết”.
Theo Jōchō, phiên sĩ phải sẵn sàng chết khi thực thi nhiệm vụ, phải thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với phiên chúa, phải tận hiến kiên trung, tuân phục tuyệt đối chủ của mình.
Danh dự cá nhân cân bằng với mệnh lệnh tuân phục, một phiên sĩ tối thượng phải đứng ở đầu sóng ngọn gió khi có chuyện và biết lui về phục vụ từ trong bóng tối ở thời bình, phải biết trung thành và phục vụ, ngay cả trong cái chết, để ghi lại dấu ấn trong đời một chiến binh. Vì, bushido là con đường của chiến binh, con đường của cái chết, một cái chết của bản ngã.
Cuốn sách về võ sĩ đạo có nhiều triết lý giúp quản trị cuộc đời. Nguồn ảnh: Ancientpages. |
Sống cho mỗi khoảnh khắc với tâm trí thuần khiết
Diệp ẩn, tức ẩn mình sau lá, là một ẩn dụ để mở, và những lời có vẻ giáo điều của Jōchō cũng đa tầng đa nghĩa tùy theo cách diễn giải, phông văn hóa và cách hiểu về các khái niệm võ sĩ đạo cùng thời cuộc lúc bấy giờ.
Như ý của Jōchō, nếu chết là đạo lý sống của phiên sĩ thì cũng phải sống như đã chết, nếu vậy phải biết trân quý mỗi giây mỗi phút của cuộc sống ở cõi tạm, phải cố gắng sống một cuộc đời viên mãn không hối tiếc, phải đàng hoàng đối diện với cái chết vì sống – chết liên kết với nhau, phiên sĩ phải có tinh thần chiến đấu bất khuất.
Hãy cứ sống cho mỗi khoảnh khắc với một tâm niệm duy nhất (tâm trí thuần khiết), cứ chuyên tâm sống trong hiện tại và làm những thứ mình yêu thích nhất chớ để phí hoài cuộc sống trong mộng tưởng, “ngay bây giờ” chính là lúc để hành động, như thế người ta có thể đạt nhiều thành tựu miễn là mỗi ngày họ đều chuẩn bị sẵn sàng. Và theo đuổi sự hoàn hảo là cuộc kiếm tìm không bao giờ có kết thúc.
Ý thức được những điểm bất toàn của bản thân rồi cố sửa chữa chúng, đấy chính là đạo của võ sĩ nói riêng và con người nói chung, khi bạn quá kiêu hãnh tin rằng mình luôn đúng sẽ dễ sa vào con đường vô đạo.
Ở đời, không ai gãy lưng vì cúi chào quá thấp cả, hãy nhớ soi gương để chỉnh sửa bộ dạng cho khỏi luộm thuộm, hãy cố gắng làm một con người của nhân-trí-dũng: Chọn làm điều tốt vì người khác thay vì xuất phát từ động cơ ích kỷ, cần biết lắng nghe người khác để thu lại kho kiến thức vô tận, dũng khí của mỗi người biểu lộ bằng cách nghiến răng, xông pha chẳng màng kết quả… là những lời thủ thỉ của Jōchō với các chiến binh, với hậu thế, thông qua Hagakure.
Bản Việt ngữ được dịch từ bản tiếng Anh của tiến sĩ Alexander Bennett – một chuyên gia có thẩm quyền, am hiểu tường tận văn hóa samurai, có kiến văn sâu rộng và cái nhìn sâu sắc về thế giới võ sĩ đạo đặt trong nhận thức hiện đại.
Qua phần “Dẫn nhập” xuất sắc, Bennett đã đặt cuốn sách vào đúng bối cảnh lịch sử và xã hội lúc bấy giờ, phác họa được bản đồ văn hóa về thế giới của Jōchō. Cùng với độ lùi thời gian, Bennett phác thảo nên cấu trúc xã hội và triết lý sống cổ điển của người Nhật Bản khi xưa.
“Dẫn nhập” của Bennett cũng mang đến một cách đọc ẩn dụ và “đúng” hơn, góp phần làm sáng tỏ những góc tối tồn tại bấy lâu khi nghĩ về tư tưởng của Jōchō và Hagakure.
Sau hơn 300 năm ra đời, Hagakure vẫn là tác phẩm kinh điển về tư tưởng samurai, cung cấp bản tóm tắt cô đọng và chính xác về tinh thần và danh dự samurai, là tư liệu gốc để thế giới hiểu đúng về tinh thần võ sĩ đạo.
Có thể nói, Hagakure là những gì đẹp đẽ và tinh tế nhất của văn hóa Nhật, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị cốt lõi của tinh thần võ sĩ đạo và con người Nhật Bản thế kỷ XVIII.
Hagakure là một cuốn sách phá vỡ xiềng xích của thời gian vì giá trị tự thân của chính nó.