Ảnh: Antoni Shkraba/Pexels. |
Đặc biệt cuốn sách cũng nêu lên kinh nghiệm để làm sếp, đặc biệt là trở thành người sếp tốt.
Mở đầu chương 7 với tựa đề Trên con đường “học làm sếp”, tác giả Trần Hùng Thiện khẳng định để trở thành người sếp tốt cần phải học hỏi rất nhiều. “Thành công trở thành một nhân viên tốt không đồng nghĩa với sẽ thành công trở thành một người sếp tốt. Chuyện gì cũng phải học. Học, học nữa, học mãi”, tác giả nêu.
Trong chương 7 của Đừng từ bỏ quá sớm, tác giả nêu lên những điều quan trọng nhất khi trở thành một người lãnh đạo như tầm quan trọng của một người sếp tốt, những điều cần chuẩn bị khi sắp thành người quản lý, những lưu ý khi trở thành sếp của Gen Z, những chiếc bẫy khi làm lãnh đạo…
Tác giả Trần Hùng Thiện khẳng định để trở thành người sếp tốt cần phải học hỏi rất nhiều. |
Ông Trần Hùng Thiện cho rằng làm sếp khó nên đã đưa ra 20 điều để vươn tới tầm “cưng xỉu”.
Đầu tiên là Không ngại nhúng tay. “Làm sếp mà làm mấy việc lẻ tẻ là không đúng nhưng khi cần sếp có thể thị phạm để trước là xong việc, sau là mấy em nhỏ nhìn vào đó làm gương”, trích Đừng từ bỏ quá sớm.
Những điều được tác giả nêu ra là sếp xịn là sếp luôn trong tâm thế hướng dẫn nhân viên, phải là người đưa ra phản hồi sớm, cực kỳ uyển chuyển, trao quyền cho nhân viên, biết cảm thông, công bằng…
“Vậy đó, muốn làm sếp không khó quá. Nhưng làm sếp xịn thì khó nhiều. Nên nếu có sếp tốt em đừng ngại ngần cống hiến cho công ty (chứ không phải cho anh ấy). Cả công ty, anh ấy và em nữa sẽ bay cao bay xa…”, trích Đừng từ bỏ quá sớm.
Gen Z chiếm phần đông thị trường lao động hiện nay, vì thế những bí quyết để trở thành sếp của Gen Z đã được tác giả phân tích từ trải nghiệm thực tế. Ông Trần Hùng Thiện khẳng định làm sếp không dễ và làm sếp Gen Z lại càng khó, vì cá tính, phong cách của các bạn trẻ khác nhiều với thế hệ đi trước. Vậy nên sếp của Gen Z cũng phải tìm cách thay đổi để cả hai hòa thuận với nhau hơn, được việc hơn.
Đừng cố làm các bạn sợ là điều đầu tiên tác giả nhắc tới. Ông cho rằng Gen Z không biết sợ sếp nên làm cho các bạn sợ là vô ích, lại trông rất dị hợm. Thay vì làm Gen Z sợ, sếp hãy làm cho các bạn nể phục.
“Khen thưởng nhỏ và thường xuyên hơn. Tương tự như khen thưởng, nhưng là cho sự thăng tiến. Thay vì hai năm mới được lên một chức thì hãy làm thành hai năm lên ba lần, chia nhỏ chức ra theo tỉ lệ 1/3 chức mỗi lần. Kiên nhẫn và khoan dung là hai đức tính quan trọng để dẫn dắt các bạn Gen Z hiệu quả”, trích Đừng từ bỏ quá sớm.
Tác giả cho rằng không nên bài xích quá mạnh một chuyện gì đó trước mặt nhân viên bởi đó là sự tôn trọng những khác biệt. Quan tâm hỏi thăm nhân viên cũng là một bí quyết trở thành người sếp tốt.
“Mình la mà các bạn cứ trơ trơ, đừng la nữa. Chắc chắn có gì không ổn từ phía mình, hãy điều tra cho ra rồi mới tính tiếp được. Làm được vậy, ngoài 7749 ngàn kỹ năng khác thì sếp này là sếp thần tiên của các bạn Gen Z rồi”, tác giả viết.
Bên cạnh bí kíp để trở thành lãnh đạo dành cho giới trẻ, Đừng từ bỏ quá sớm (Nhà xuất bản Trẻ) còn có những câu chuyện rất thực tế, mang chút dí dỏm của tác giả về môi trường công sở. Cuốn sách gồm 8 chương: Hành trang cho Gen Z “vào đời”, Biết gì để đi làm cho ngầu, Làm thế nào để trở thành “lính xịn” của sếp, Trở thành một người lính văn minh, hạnh phúc, Đối nhân xử thế trong môi trường công sở, Cách làm việc hòa thuận với sếp trong công việc, Trên con đường “học làm sếp”, Tản mạn về trải nghiệm sống thể hiện suy nghĩ, quan điểm của tác giả về việc người trẻ đi làm hiện nay, từ đó giúp người trẻ có thêm kỹ năng sống.
Ông Trần Hùng Thiện có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trưởng thành với vai trò chuyên gia nghiên cứu thị trường. Vào năm 2011, ông Trần Hùng Thiện sáng lập công ty nghiên cứu thị trường.
Không chỉ được biết tới với tư cách chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, ông Thiện còn được ghi nhận với những cống hiến của ông trong lĩnh vực giáo dục và công tác xã hội. Ông cũng đóng góp tích cực cho nhiều dự án từ thiện.
Nguồn: https://zingnews.vn/hoc-cach-lam-sep-tot-post1437329.html
You must be logged in to post a comment Login