Kịch chuyển thể Hóa thân trình diễn tại Royal Opera House năm 2011. Ảnh: Tristram Kenton/The Guardian. |
Hiện tượng biến thái hoàn toàn là quá trình một sinh vật phát triển mà thay đổi phần lớn hình dạng, cấu tạo và các đặc điểm sinh lý; thường diễn ra trong các loài côn trùng và động vật lưỡng cư.
Nhưng khi con người trải qua một quá trình tương tự vậy, thân thể của một người bình thường biến thành con bọ khổng lồ qua đêm, cuộc sống sẽ tiếp tục như thế nào? Đây chính là nội dung cuốn sách The Metamorphosis (Hóa thân) của Franz Kafka. Tưởng chừng như một câu chuyện ly kỳ về cuộc phiêu lưu trong thế giới động vật nhưng hóa ra lại là những khám phá sức mạnh biến đổi của sự xa lánh. Hơn nữa, là khả năng thống trị của đồng tiền trong xã hội loài người.
Trong The Metamorphosis nói riêng và các truyện của Kafka nói chung, nhân vật chính phải vượt qua nhiều thử thách để đạt được mục tiêu, nhưng cả quá trình đến được đó trở nên rối loạn và phi logic tới mức nếu có thành công thì cũng vô nghĩa.
Nhân vật chính của Hóa thân là nhân viên văn phòng thông thường. Ngay lời mở đầu là tình huống kỳ lạ và vô lý mở ra một thế giới hỗn loạn – nơi mà một con người khỏe mạnh thức dậy sau một đêm và thấy mình trở thành côn trùng khổng lồ.
Đặt mình vào vị trí của Gregor Samsa, người gặp phải số phận kỳ quái này, hẳn rằng ai cũng có nhiều câu hỏi và lo âu. Gregor cũng vậy, nhưng sự e ngại của anh không phải về cuộc sống từ giờ như thế nào, hay gia đình yêu quý phản ứng ra sao mà là việc mình dậy muộn và lỡ chuyến tàu đến công ty.
Thấy Gregor đi làm muộn, người nhà đến trước cửa phòng anh, cả sếp cùng thư ký cũng tới. Gregor cố trấn an và hứa xuất hiện ngay bây giờ, nhưng không ai hiểu gì, bởi đó chỉ là ngôn ngữ của… một con bọ. Sau khi cố gắng mở cửa bằng miệng, Gregor bước ra khiến mẹ ngất xỉu, sếp chạy ra khỏi căn hộ, còn cha dùng gậy đẩy anh lại vào phòng.
Cú sốc ban đầu khi thấy người thân của mình bỗng dưng lột xác thành một sinh vật kinh khủng diễn ra đúng dự kiến. Dù không thể thực sự làm quen với bộ dạng của Gregor, suy cho cùng anh vẫn là thành viên trong gia đình. Vậy mà người duy nhất cố gắng quan tâm đến anh là cô em gái Grete.
Cô mang sữa và bánh mì vào cho Gregor, nhưng anh nhanh chóng nhận ra mình không muốn thức ăn ngon lành nữa, chỉ thích đồ thừa ôi thiu. Từ đó, mỗi ngày, Grete mang đồ ăn vào còn Gregor trốn dưới ghế để không làm cô sợ. Mẹ anh muốn vào thăm nhưng bị cha và em của Gregor ngăn lại vì lo bà lại ngất xỉu.
Dần quen với thân hình mới, Gregor bắt đầu có sở thích leo tường và trần nhà. Nhận ra điều này, Grete chuyển bớt đồ đạc trong phòng giúp anh có không gian di chuyển. Dù mục đích tốt nhưng đồng nghĩa với việc tước đi những gì ít ỏi có thể gợi nhớ về cuộc sống con người trong quá khứ.
Gregor phải đối mặt với sự xung đột: có thể thoải mái về mặt vật chất (di chuyển tùy ý trong căn phòng) hoặc tinh thần (nhìn thấy những đồ vật quan trọng với con người). Tất nhiên, không thể đáp ứng cả hai yêu cầu cùng lúc.
Qua đây, Kafka thể hiện quan điểm đời sống vật chất hình thành đời sống nội tâm chứ không phải ngược lại. Trong The Metamorphosis, một đề tài tiêu biểu xuất hiện ở phần ba của câu chuyện là sự hữu hạn của cảm thông. Grete, người tự đảm nhiệm việc chăm sóc cho Gregor ban đầu, cuối cùng cũng không thể chịu được. Cả gia đình nhận ra sự tồn tại của anh chỉ gây rắc rối và tìm cách tống khứ. Nghe vậy, Gregor quay về phòng và trút hơi thở cuối cùng.
Khi còn là con người, Gregor là nguồn thu nhập duy nhất của cả nhà. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng anh vẫn làm vì cuộc sống của những người mình yêu quý. Kể từ khi anh biến thành côn trùng, gia đình Samsa mới bắt đầu tìm việc và kiếm ăn. Lúc đó, họ gần như không còn coi Gregor là người thân nữa mà chỉ là một gánh nặng.
Khi phát hiện ra Gregor đã chết, ai cũng nhẹ nhõm. Kể cả khi bà lao công dọn xong xác của anh, không một người nào thèm quan tâm. Từ ấy, họ bắt đầu một cuộc sống mới. Cuối truyện, ông bà Samsa nhận ra Grete, dù vừa trải qua khó khăn gian khổ, đã trưởng thành thành một cô gái đẹp, đảm đang. Đây cũng có thể coi là sự “hóa thân” khác, khiến câu chuyện đều mở ra và khép lại bằng sự biến hình.
Quá trình phát triển của Grete tuân theo dòng chảy của thời gian, thậm chí có thể cho rằng tiêu đề của truyện thực chất ám chỉ cô chứ không phải là Gregor. Không phải tự nhiên mà Grete lại trưởng thành như vậy mà việc xử lý trước tình huống của Gregor đóng vai trò lớn trong sự hoàn thiện nhân cách của cô.
The Metamorphosis không chỉ thể hiện sự cảm thông cho những con người vùng vẫy giữa trạng thái hỗn loạn và đòi hỏi lớn của xã hội tư bản mà còn phản ánh sự lạc lõng của chính tác giả trong cuộc sống. Một bi kịch nhưng lại được đan xen bởi các yếu tố hài hước bất ngờ. Với tư tưởng triết lý đi trước thời đại, Franz Kafka đã tạo nên một trong những tác phẩm văn học kinh điển và có ảnh hưởng lớn ở thế kỷ 20.
Hiện thực khắc nghiệt đươc tái hiện qua tác phẩm nổi tiếng của Franz Kafka với đầy đủ gam màu tối sáng: Cảm giác xa lạ cô độc ngay giữa những người thân, sự đánh mất chính mình – cả thể xác và tinh thần – bởi vòng xoáy vô hình của cuộc sống và trên hết là khả năng chế ngự của đồng tiền. Đọc mà thấy xót xa cho số phận của nhân vật chính, đọc mà thấy bàng hoàng khi liên tưởng đến bi kịch cá nhân, đọc để thêm thông cảm với những phận người dị biệt.
Qua câu chuyện, và đặc biệt là nhân vật Grete, chúng ta nhận ra rằng, tất cả sóng gió, chông gai đều là một phần của cuộc sống. Việc chấp nhận và thích nghi với sự thay đổi cần thiết để tồn tại trong xã hội hiện đại cũng như tự phát triển bản thân.
You must be logged in to post a comment Login