Trong thời gian qua, nhờ vào việc khai thác lượng lớn tài liệu lưu trữ ở Việt Nam và hải ngoại, các học giả, nhà nghiên cứu phương Tây đã làm sáng tỏ nhiều câu chuyện lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, trong nhiều câu chuyện của họ, người nghèo ở Việt Nam lại không được quan tâm chú ý, hoặc họ chỉ xuất hiện như một bộ phận vô danh của quần chúng.
Cuốn sách Chìm nổi ở Sài Gòn của TS Haydon Cherry – nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại – đã lấy thân phận những người nghèo và cuộc sống mưu sinh của họ ở Sài Gòn làm chủ đề trung tâm. Đây là cuốn sách cho người đọc cái nhìn sâu sắc về tình cảnh những người dân nghèo và những nỗ lực của họ để tồn tại trong cái nghèo dưới thời thuộc địa.
Sách Chìm nổi ở Sài Gòn. Ảnh: H.N. |
Những mảnh đời khốn khó lưu trong hồ sơ lưu trữ Pháp
Để viết câu chuyện “lịch sử xã hội” về những người nghèo ở Sài Gòn thời thuộc địa, tác giả Haydon Cherry đã cất công đi khai thác tài liệu lưu trữ tại Pháp (Lưu trữ quốc gia Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence và Văn khố tư nhân của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris) và Việt Nam (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ quốc gia II -TP.HCM)…
Những tài liệu này gồm các hồ sơ hành chính, báo cáo chính thức, thư truyền giáo, số liệu thống kê, các phóng sự và những nghiên cứu khoa học xã hội thời thuộc địa… Chúng lưu giữ nhiều mô tả về cuộc sống thời thuộc địa và chứa đựng nhiều câu chuyện về người nghèo ở thành thị đan xen chồng chéo theo nhiều hướng.
Những người nghèo có xuất thân khác nhau, song đều cùng đi trên những con đường giống nhau, đều sống trong những khu phố Sài Gòn; cùng nhau nương tựa trong những thời kỳ phồn vinh và cùng gánh nặng trong các thời kỳ khốn khó; cùng phải đối mặt với những cơ quan quyền lực của chính quyền thuộc địa.
Thiết chế mà người nghèo thời kỳ này hay phải đối mặt nhất chính là lực lượng cảnh sát thành phố. Những hành vi/việc làm của họ như di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đi ăn xin, trộm cắp vặt, trốn thuế, bỏ rơi con cái và ngầm làm mại dâm – đều coi là phạm tội. Nếu không may, họ sẽ bị cảnh sát bắt, lấy lời khai và viết báo cáo.
Các báo cáo này ngoài những văn bản có mẫu số chung, còn có những bản cung khai chi tiết, những bản thẩm vấn bằng tiếng Việt rồi phiên dịch sang tiếng Pháp, đặc biệt là các cuộc ghi âm trực tiếp ghi lại những câu chuyện của người nghèo theo ngôn ngữ riêng của họ, kể về nguồn gốc, xuất thân, nghề nghiệp, phương thức di chuyển, thói quen, gia đình và những người quen biết của họ. Ngoài ra, còn một số thẩm vấn những người trong gia đình, những người chủ, hàng xóm hoặc có mối liên hệ với họ.
Những người phu xe trên phố Catinat (Sài Gòn). Ảnh: Ludovic Crespin. |
Những người ẩn nấp trong bóng tối của thành phố
Từ những câu chuyện về những mảnh đời khốn khó này cùng những tài liệu khác khai thác được, tác giả đã lắp ghép lại với nhau để thành một câu chuyện “lịch sử xã hội” xoay quanh trải nghiệm và con đường của sáu cư dân nghèo có nguồn gốc khác nhau, qua đó mô tả chi tiết chiến lược sinh kế của họ – những người ẩn nấp trong bóng tối của thành phố từng được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Cuốn sách bắt đầu từ thời điểm năm 1904, vào đêm trước một cơn bão lớn làm hư hại mùa màng và khiến cho việc buôn bán lúa gạo rơi vào tình trạng hỗn loạn, gây ra tình cảnh khốn ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận.
Chương một cuốn sách đặt Sài Gòn vào bối cảnh những thăng trầm của nền kinh tế lúa gạo trong khu vực ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi cá nhân. Sáu chương sau đó mỗi chương kể về cảnh đời bần cùng của một trong sáu người nghèo – một gái mại dâm, một thợ người Hoa, một phu xe, một cô nhi, một người tàn tật không thể chữa khỏi và một người Pháp nghèo khổ – cả sáu người đều sống ở Sài Gòn trong bốn thập niên đầu thế kỷ XX.
Đó là Lương Thị Lắm đến từ tỉnh Biên Hòa bị cảnh sát bắt năm 1906 vì tội mại dâm lậu (mại dâm không có giấy đăng ký, trốn tránh việc khám chữa bệnh). Cô bị bệnh lậu nhưng không biết mình mắc bệnh. Cô bị bắt đưa vào trạm xá 200 ngày.
Đó là Trần Dưỡng, một thợ đá người Khách Gia đến Nam Kỳ định cư trong Thế chiến thứ nhất, bị chủ cũ buộc tội gia nhập hội kín Thiên Địa Hội (một Hội kín gây nhiều lo âu cho chính quyền thuộc địa), buộc phải trục xuất khỏi xứ thuộc địa.
Đó là Nguyễn Văn Thủ (tên thật là Trần Văn Lang đến từ Bình Định) bỏ trốn khỏi đồn điền cao su Suzannah lên Sài Gòn. Anh ta không nghề nghiệp, không vốn và không có khách quen ủng hộ, hành nghề kéo xe để duy trì sự sinh tồn trong thành phố.
Đó là Aimée Lahaye, một cô gái lai Á – Âu (Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 những đứa trẻ lai Á – Âu bị coi là một vấn đề xã hội ở Sài Gòn), là con ngoài giá thú, bố mẹ mất từ khi còn nhỏ. Aimée lớn lên trong viện dục anh của Hội Thánh nhi. Khi trưởng thành cô phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh ở Sài Gòn.
Đó là Trần Văn Chinh người Gia Định bị mắc một căn bệnh khủng khiếp đã tàn phá toàn bộ cơ thể anh và khiến anh hoàn toàn mất khả năng làm việc. Trong những năm 1920, Trần Văn Chinh phải làm nghề ăn xin trên đường phố Sài Gòn.
Đó là Félix Colonna d’Istria, là con hoang của một điền chủ có gốc quý tộc ở Corsica đến Đông Dương tìm vận hội, nhưng lại bị lâm vào cảnh nghèo khó và chịu ô nhục ở thuộc địa Sài Gòn.
Không chỉ kể về câu chuyện của những người nghèo dễ bị lãng quên, khiến bạn đọc không khỏi cảm thấy xót xa cho những phận đời cùng khổ của họ, trong cuốn sách, tác giả cũng làm sáng tỏ những góc khuất khác trong xã hội thuộc địa.
Chẳng hạn cách chính quyền thuộc địa đã quản lý và có chế tài thế nào khi nghề mại dâm từng được hợp pháp hóa ở Sài Gòn và Chợ Lớn, hay khi có người tìm cách vu vạ một thành viên trong cộng đồng là Thiên Địa Hội để trả thù. Bạn đọc có thể tường tận nỗi ám ảnh mà hội kín này gây ra cho chính quyền thuộc địa, nhất là sau khởi nghĩa do Phan Xích Long dẫn đầu.
Cũng trong cuốn sách, bạn đọc cũng có thể khám phá các khía cạnh xã hội thời kỳ này như chuyện về căn cước kiêm thẻ đóng thuế và nộp phạt, hoạt động của các hội từ thiện, hội cứu tế… Ngoài ra, bạn đọc còn tìm trong cuốn sách những thông tin về một số địa danh của Sài Gòn xưa.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login