Connect with us

Sách hay

60 năm bộ sách Phật học đặc biệt

Được phát hành

,

Chiều 24/2, tại tu viện Huệ Quang (quận Tân Phú, TP.HCM), đã diễn ra buổi tọa đàm ra mắt ấn bản đặc biệt của bộ sách Phật học phổ thông do cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa biên soạn, (1965 – 2025).

Phat hoc pho thong anh 1

Buổi tọa đàm ra mắt ấn bản đặc biệt của bộ sách Phật học phổ thông. Ảnh: Quảng Đạo

Quang lâm tham dự buổi tọa đàm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Giác Liêm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, cố vấn Ban Nghi lễ T.Ư; Thượng tọa Thích Giác Trí, Trưởng ban Trị sự Phật giáo quận Gò Vấp; chư tôn đức Ban điều hành Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Thư viện Huệ Quang; chư tôn đức Tăng Ni; quý học giả, nhân sĩ trí thức, khách mời đồng tham dự.

Phat hoc pho thong anh 2

Chư vị Hòa thượng quang lâm tham dự buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại đức Thích Không Hạnh, Thư viện trưởng Thư viện Huệ Quang đã có lời chào mừng và tri ân trân trọng đến chư tôn đức, chư Tăng Ni, quý nhân sĩ trí thức và quan khách hiện diện.

Chia sẻ nhân duyên về việc thực hiện ấn bản đặc biệt của Phật học Phổ thông, Đại đức Thích Không Hạnh cho biết nhiều năm qua, với ý hướng mong muốn có được những ấn bản sách Phật học không chỉ có chất lượng về nội dung mà còn trang nhã, công phu về mặt hình thức, tương tự như cách rất nhiều tùng thư Phật học tại các quốc gia lân cận đã thực hiện, đội ngũ Thư viện Huệ Quang đã tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm với nhiều kỹ thuật, chất liệu, phương pháp,… nhằm tạo ra những ấn bản sách đặc biệt.

Phat hoc pho thong anh 3

Đại đức Thích Không Hạnh, Thư viện trưởng Thư viện Huệ Quang phát biểu

Phật học Phổ thông là một trước tác có vị trí quan trọng trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa – Vị Cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, bậc thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử.

Trong suốt 60 năm qua, kể từ khi ra đời, với ý nguyện có được một bộ sách làm căn bản cho việc học Phật của cả hai giới xuất gia và tại gia, Phật học Phổ thông đã trở thành bộ sách có vị trí quan trọng trong tạng thư Phật học nước nhà cũng như trong tâm khảm của biết bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử.

Phat hoc pho thong anh 4

Ấn bản đặc biệt của bộ sách Phật học Phổ thông

Theo thời gian, Phật học Phổ thông vẫn phát huy giá trị học tập, nghiên cứu và được sử dụng thường xuyên trong các trường Phật học cũng như là phương tiện hữu dụng cho việc học hỏi giáo lý của hàng Phật tử.

Việc thực hiện ấn bản đặc biệt với kỹ thuật tạo tác được chăm chút kỹ lưỡng, công phu cũng như một sự tri ân và tôn vinh những cống hiến lớn lao đối với di sản mà Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa để lại cho hậu thế.

“Đặc biệt, tổ đình Phước Hậu, thiền viện Thường Chiếu và thư viện Huệ Quang đang cùng phối hợp thực hiện công trình Thiện Hoa toàn tập gồm 10 phần và dự kiến sẽ cho ra mắt trong thời gian tới với các ấn bản đặc biệt được thực hiện riêng để cúng dường các tự viện ở các nơi.

Đồng thời, trong ý hướng tập hợp di sản của các bậc Cao tăng có công lao to lớn trong Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện các công trình khác như Bích Liên toàn tập, Khánh Anh toàn tập,…”, Đại đức Thích Không Hạnh cho biết.

Phat hoc pho thong anh 5

Dịp này, các ấn bản Phật học Phổ thông từng được ấn hành trong suốt 60 năm qua lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang cũng được đưa ra trưng bày.

Trong khuôn khổ chương trình, các khách mời đã được lắng nghe những chia sẻ từ chư tôn đức, quý nhân sĩ trí thức xoay quanh những kỷ niệm, dấu ấn liên quan đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa cũng như bộ sách Phật học Phổ thông đối với việc học tập Phật pháp, những cuộc trao đổi, tranh luận về Phật học từng diễn ra trong chốn thiền môn bắt nguồn từ bộ sách quý này.

Một số hình ảnh ghi nhận:

Phat hoc pho thong anh 6
Phat hoc pho thong anh 7
Phat hoc pho thong anh 8
Phat hoc pho thong anh 9
Phat hoc pho thong anh 10
Phat hoc pho thong anh 11
Phat hoc pho thong anh 12
Phat hoc pho thong anh 13

Nguồn: https://znews.vn/60-nam-bo-sach-phat-hoc-dac-biet-post1534205.html

Sách hay

‘Từ điển’ món ngon nước Việt bằng tranh

Được phát hành

,

Bởi

Minh họa ẩm thực hiện đã trở nên quen thuộc, đặc biệt với nhiều người trẻ. Sức hút của dòng tranh này càng được khẳng định khi những cuốn sách tranh ẩm thực đầy màu sắc được xuất bản.

Sach am thuc anh 1

Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới, trong đó có những món ăn nổi tiếng như phở, bánh mì, nem rán, bún bò Huế, bún chả, cà phê,… khiến nhiều khách nước ngoài phải “xiêu lòng” khi một lần được nếm thử.

Và tất nhiên, với mỗi người dân nước Việt, đất nước hình chữ S là thiên đường của ẩm thực, đặc biệt với các món ăn đường phố. Miền nào của nước Việt cũng có món ăn vặt níu chân du khách: “Nước mình vạn sáu món ngon/ Món thanh miền Bắc, món giòn miền Trung/ Món Nam vị ngọt lạ lùng/ Non cao biển rộng ta cùng tìm đi”. Tác giả Đặng Hồng Quân đã đưa người đọc bước vào hành trình đi tìm món ngon nước Việt qua cuốn sách tranh “Lê la quà vặt”.

Xuất bản năm 2017, hai cuốn sách Lê la quà vặtĂn quà xuyên Việt có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.

Nếu trước đây, độc giả đã quen thuộc với các trang tản văn, khảo cứu, du ký về ẩm thực với các món ăn, cách ăn, cách chế biến,… thì bộ đôi sách “Lê la quà vặt” và “Ăn quà xuyên Việt” như một sự tiếp nối và sáng tạo với cách viết chấm phá bổ trợ thêm thông tin của nhà văn Nguyễn Trương Quý nhằm làm rõ hơn, sâu hơn những gì mà tranh của Đặng Hồng Quân chưa thể hiện được hết. Viết và vẽ về phở, món quốc hồn quốc túy của người Việt, chẳng hạn, các tác giả không chỉ “ngợi ca” phở gà một cách khéo léo mà còn cung cấp vài địa chỉ phở gà nổi tiếng ở Hà Nội hay mách nhỏ cách ăn “chuẩn” với phở bò và phở gà.

Cũng ra mắt năm 2017 là cuốn sách Việt Nam miền ngon của tác giả LeRin. Như một cuốn “từ điển” với tranh vẽ và hộp thông tin đơn giản giới thiệu ngắn gọn về món ăn, thế nhưng “Việt Nam miền ngon” đã nhanh chóng thu hút độc giả bởi nét vẽ công phu, đẹp mắt, sinh động, “đánh thức” vị giác của các “tín đồ” ẩm thực.

Việt Nam miền ngon” là cuốn sách đầu tiên LeRin thực hiện với tư cách là họa sĩ minh họa, trước đó anh làm trong lĩnh vực thời trang. Anh chia sẻ: “Trong những lần du lịch đó đây trải dài qua 3 miền đất nước, tôi được thưởng thức những món ăn dân dã vô cùng tuyệt vời. Chính điều đó đã thôi thúc tôi ngày đêm miệt mài chỉ vẽ và vẽ để cuối cùng, sau đúng một năm thì cuốn sách này ra đời. Món ăn Việt Nam chúng ta thật sự phong phú với nào là các món bún, các món cơm, các món ăn vặt hay các loại bánh… Cuốn sách này chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng ẩm thực to lớn đó”.

Sach am thuc anh 2

Có lẽ, chính LeRin cũng không ngờ cuốn sách Việt Nam miền ngon của mình có thể được độc giả yêu thích đến vậy. Cho đến nay cuốn sách đã được tái bản hơn 9 lần, đồng thời mở ra cho “cha đẻ” của nó nhiều cơ hội hợp tác với một số thương hiệu lớn. Những thành công này giúp LeRin thêm vững vàng và tự tin bước trên con đường vẽ tranh ẩm thực. Bộ sách Việt Nam dọc miền du ký (2 tập) hay mới đây nhất là Tết ba miền của LeRin tiếp tục được độc giả yêu thích khi đã vẽ nên tấm bản đồ ẩm thực nước Việt bằng tranh đầy cuốn hút.

Với những bước đi tiên phong trong vẽ món ăn của Đặng Hồng Quân và LeRin, nhiều người trẻ yêu thích cầm cọ cũng đã sẵn sàng thử sức khi các sân chơi về minh họa ẩm thực được mở ra. Như dự án sách minh họa của NXB Kim Đồng với bộ sách 3 cuốn về miền Trung gồm “Thực”, “Kiến”, “Tích”, trong đó tác phẩm “Thực” mang đến những trải nghiệm ẩm thực sống động và đầy màu sắc qua tranh minh họa những món ăn đặc trưng của miền Trung do những người vẽ trẻ.

Đa phần các tác giả là người ưa xê dịch, không ngại tìm về các vùng xã, thôn để trải nghiệm những món ăn dân dã đang dần biến mất rồi thể hiện qua tranh và một vài lời giới thiệu với mong muốn sẽ giúp các món ăn không bị thất truyền. Bởi thế, trong cuốn sách “Thực”, bên cạnh các món ăn nổi tiếng miền Trung, có thể bắt gặp những đặc sản chỉ người dân địa phương hoặc khách lưu trú lâu ngày mới biết đến.

Ngoài ra, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội cũng từng phát động Thử thách ký họa các món ăn đường phố Hà Nội và nhận được hơn 100 bức vẽ đa dạng, hấp dẫn về các món ăn đặc sắc ở Thủ đô như phở, bún ốc, bún đậu mắm tôm, mì gà tần, bánh cuốn Thanh Trì, bánh mì,… Hay cả một triển lãm “Vùng nào thức nấy” đã được khai mạc mà xuất phát điểm là từ một cuộc thi trực tuyến của cộng đồng Vietnam Local Artist Group do TiredCity lập trên facebook đã để lại nhiều ấn tượng với đông đảo người đến chiêm ngưỡng.

Dù xuất bản sách hay triển lãm tranh, những sân chơi minh họa ẩm thực sôi động này đã và đang cho thấy minh họa ẩm thực cũng là một hướng đi để có thể kể câu chuyện lịch sử, địa lý, văn hóa nước Việt một cách hấp dẫn.

Nguồn: https://znews.vn/tu-dien-mon-ngon-nuoc-viet-bang-tranh-post1534203.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Não người phân biệt thực hư ra sao?

Được phát hành

,

Bởi

Mô hình hoạt động tạo sinh – đối kháng của AI đưa ra gợi ý về cách não bộ con người hoạt động trong quá trình phân định thực tế với tưởng tượng.

Không chỉ những giấc mơ sống động, đầy xúc cảm và đậm chất điện ảnh mới là ảo giác. Con người rất dễ gặp phải “ảo tượng” mà mình không ý thức được, theo Adam Zeman – tác giả cuốn sách The Shape of Things Unseen: A New Science of Imagination (tạm dịch: Dáng hình của điều chưa thấy: Khoa học mới về trí tưởng tượng).

phan biet thuc hu anh 1

Minh họa: Tranh Eye in the Egg của Ülo Ilmar Sooster. Ảnh: Obelisk Art History.

Tri giác cũng là tưởng tượng

Qua một khảo sát, khoảng 80% người vừa trải qua mất mát cho biết họ gặp lại người thân đã khuất: thường là cảm giác sống động về sự hiện diện của họ, nhưng một số người thậm chí nghe thấy, nhìn thấy hoặc trò chuyện với họ.

60% người mất thị lực khi trưởng thành nhìn thấy những thứ không có ở đó, đôi khi là những hình ảnh khoa trương như “hai thanh niên … khoác áo choàng lộng lẫy … đội mũ … viền bạc”. Đây được gọi là hội chứng Charles Bonnet.

Một phụ nữ 20 tuổi bị bịt mắt trong 12 giờ nhìn thấy “thành phố, bầu trời, kính vạn hoa, sư tử và hoàng hôn sáng đến mức cô ‘gần như không thể nhìn vào'”. Sau khi mất một chi, hầu hết mọi người đều mang trong mình “bóng ma về phần cơ thể bị mất, thường trực hoặc không”. Weir Mitchell, nhà thần kinh học người Mỹ, đặt ra thuật ngữ “chi ma” sau khi nghiên cứu 90 trường hợp từ cuộc nội chiến Mỹ.

Phi công trên những chuyến bay dài, lữ khách đi qua bão tuyết và sa mạc, tù nhân và con tin bị giam giữ trong bóng tối: Não bộ của họ khôn nguôi nghĩ về những thứ họ đã bị tước đoạt.

Ngoài thị giác, các giác quan khác cũng tạo ra ảo giác mạnh mẽ. Khoảng 10% trong số chúng ta từng nghe thấy giọng nói tưởng chừng đến từ bên ngoài nhưng thực ra do chính mình tạo ra, và 1% gặp hiện tượng này thường xuyên.

Tâm trí và bộ não hợp tác thế nào để tạo ra những trải nghiệm lừa phỉnh này? Nghiên cứu về ảnh tượng có chủ ý – (người tham gia được yêu cầu “hình dung một quả táo trong tâm trí”) – và về ảo giác cho thấy cả hai có chung cơ chế: kích hoạt các vùng cảm giác trong não.

Điều này cũng diễn ra khi ta thực sự tri giác thế giới xung quanh. Tương đồng này mang một hàm ý sâu sắc: tri giác thực chất cũng là một dạng hành vi tưởng tượng. Tri giác phụ thuộc nhiều vào kiến thức có sẵn – những mô hình nội tại, tỉ mỉ về thế giới – hơn ta thường nghĩ.

Ý tưởng xa xưa này được củng cố bởi quan điểm từ tâm lý học rằng dự đoán đóng vai trò quan trọng trong tri giác, và nhờ bằng chứng từ thần kinh học rằng trải nghiệm của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của bộ não – vốn tiêu thụ một lượng lớn đường và oxy.

Nói cách khác, tri giác ít mang tính “từ ngoài vào trong” hơn ta tưởng, mà chủ yếu là “từ trong ra ngoài”. Nếu tri giác quả thật là một dạng ảo giác, thì vấn đề đặt ra là: Làm sao để phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế?

Tạo ra và kiểm chứng tưởng tượng

Con người có thể nhầm lẫn giữa tưởng tượng với hiện thực, thường chỉ thoáng qua. Nhưng đôi khi, như trường hợp loạn thần, sự nhầm lẫn kéo dài. Ngược lại, hiệu ứng “Perky” cho thấy con người có thể không nhận ra rằng những vật họ tưởng tượng thực chất đang trình ra trước mắt họ.

Tuy vậy, phần lớn thời gian bộ não chúng ta vẫn đưa ra được kết luận đúng. Có một số nguyên tắc chung để phân biệt thực hư. Ví dụ, trải nghiệm sống động, chi tiết, dễ dàng xuất hiện và nhất quán với bối cảnh thường cho thấy đó là thực tế. Nhưng không phải điều này luôn đúng.

phan biet thuc hu anh 2

Một giấc mơ đã giúp Dmitri Mendeleev xây dựng bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Ảnh: studio4art/Freepic.

Đôi khi mộng tưởng cũng sống động và dễ dàng xuất hiện; còn tìm lối trong màn sương dày lại rất khó khăn, tạo ra trải nghiệm mờ ảo. Dẫu vậy, bộ não vẫn biết cách đánh giá và thường đưa ra câu trả lời chính xác.

Nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cung cấp một số gợi ý thú vị về cách não bộ phân biệt thực hư.

Trong mô hình “đối kháng tạo sinh” (generative adversarial models), hai yếu tố kết hợp để học hỏi về thế giới: “tạo sinh” cố gắng dự đoán thế giới chính xác nhất có thể, còn “đối kháng” làm nhiệm vụ phân biệt xem đầu vào là thực hay chỉ là sản phẩm của tạo sinh. Hai mô hình này liên tục nâng cao kỹ năng: tạo sinh ngày càng tinh vi hơn trong việc tạo ra thực tại giả, đối kháng liên tục cải thiện khả năng nhận diện thật – giả.

Quá trình tương tự có thể diễn ra trong não bộ chúng ta. Phần “đối kháng” chịu trách nhiệm kiểm tra thực tại do vùng thùy trán lớn điều khiển: vùng 10, ở đầu vỏ não trước trán, đặc biệt hoạt động mạnh khi ta phải quyết định xem một vật thể là thật hay do tưởng tượng. Khu vực này nhỏ hơn và ít hoạt động hơn ở những người loạn thần, đặc biệt là những ai bị ảo giác.

Vậy là vùng tiến hóa cao nhất trong não bộ con người lại đảm nhận nhiệm vụ “siêu nhận thức” quan trọng: phân biệt tưởng tượng với thực tế. Nhưng điều đó không có nghĩa những tưởng tượng này không thể là nguồn cảm hứng mạnh mẽ.

Nhà hóa học Friedrich Kekulé kể ông phát hiện cấu trúc vòng của phân tử benzen sau khi mơ thấy một con rắn “tự cắn đuôi mình”. Một giấc mơ đã giúp Dmitri Mendeleev xây dựng bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Einstein cũng tưởng tượng diện mạo vũ trụ nếu ta di chuyển trên một chùm ánh sáng. Nhà văn Malcolm Bradbury từng nói: “Mọi nhà văn đều nghe thấy những giọng nói. Buổi sáng bạn thức giấc với những giọng nói ấy… và cố gắng nắm giữ trước khi chúng biến mất”.

Các quá trình chồng chéo nhau trong bộ não năng động giúp chúng ta tri giác, tưởng tượng và sáng tạo. Chúng ta cần biết đâu là đâu – nhưng như Kekulé đã khuyên: “Hãy học cách mơ, thưa quý vị, và có lẽ chúng ta sẽ học được sự thật”.

Nguồn: https://znews.vn/nao-nguoi-phan-biet-thuc-hu-ra-sao-post1533814.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Cuốn sách giúp bạn giao tiếp tốt, ghi điểm trong mọi tình huống

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách “Đơn giản mà nói” cung cấp những phương pháp hữu ích giúp bạn tạo ra thông điệp hiệu quả từ việc sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu cho đến cách kể chuyện sinh động.

Cuốn sách Đơn giản mà nói của tác giả Ben Guttmann hướng dẫn cách giao tiếp để bất kỳ ai cũng có thể áp dụng nhằm cải thiện khả năng truyền đạt và “ghi điểm” trong mọi tình huống.

Don gian anh 1

Tác phẩm “Đơn giản mà nói”. Ảnh: First News Trí Việt

Xác định mục tiêu rõ ràng

Trước khi bắt đầu nói hoặc viết, hãy tự hỏi: “Mình muốn người nghe hiểu điều gì?”. Việc xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu giúp bạn tránh lạc đề và tập trung vào thông điệp chính. Đặc biệt, trong môi trường công sở hiện nay, nơi các cuộc họp và email trở nên dày đặc, việc truyền đạt một thông điệp rõ ràng và nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng.

Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng trong giao tiếp có thể giảm thiểu sự hiểu lầm và tăng cường hiệu quả trong các cuộc họp và thảo luận nhóm. Trong giao tiếp, ngôn ngữ đơn giản giúp thông điệp dễ tiếp nhận và dễ nhớ hơn. Nếu bạn đang thuyết trình hay viết một email quan trọng, tránh sử dụng những thuật ngữ chuyên môn quá phức tạp trừ khi bạn chắc chắn người nghe đã quen thuộc với chúng.

Hãy tập trung vào sự nổi bật

Các nhà tâm lý học và thần kinh học sử dụng từ “nổi bật” để mô tả những thứ dễ nhận ra giữa đám đông, dễ thu hút sự chú ý của chúng ta. Hãy tập trung vào một ý chính để tạo nên sự khác biệt. Nếu bạn đang giới thiệu một sản phẩm mới, hãy chia nội dung thành các phần nhỏ như: tính năng nổi bật, lợi ích, và cách sử dụng.

Tạo sự đồng cảm và kết nối

Giao tiếp không chỉ là truyền tải thông tin mà còn là việc xây dựng mối quan hệ và kết nối với người khác. Khi bạn chia sẻ một câu chuyện đơn giản và dễ hiểu, thông điệp của bạn sẽ trở nên sinh động và dễ nhớ. Lắng nghe chủ động là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp hiện đại, không chỉ giúp hiểu rõ hơn đối phương mà còn tạo dựng mối quan hệ bền chặt hơn.

Luyện tập và điều chỉnh

Giao tiếp là một kỹ năng cần được rèn luyện và cải thiện liên tục. Mỗi khi bạn giao tiếp, hãy quan sát phản ứng của người nghe và sẵn sàng điều chỉnh nếu cần. Khi bạn luyện tập thường xuyên, bạn sẽ trở nên tự tin và hiệu quả hơn trong việc truyền đạt thông điệp.

Nguồn: https://znews.vn/cuon-sach-giup-ban-giao-tiep-tot-ghi-diem-trong-moi-tinh-huong-post1531467.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng