Các nhà nghiên cứu, phê bình, giới văn chương nhận định Nguyễn Bình Phương là gương mặt ấn tượng của văn chương đương thời. Tại buổi tọa đàm khoa học “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại” diễn ra hôm 18/7, nhiều tác gia, nhà phê bình đã tới tham dự, gửi tham luận, đưa ra đã chiều những nhận định về một giọng văn được coi là dị biệt ở Việt Nam.
Một ví dụ xoàng là tiểu thuyết nổi bật năm 2021. Ảnh: Đ.T. |
Thành tựu nghệ thuật của Một ví dụ xoàng
Trước giờ, văn Nguyễn Bình Phương thường được ca ngợi vì có màu sắc riêng. Ở tiểu thuyết của ông, độc giả bắt gặp những nét độc đáo không lẫn vào đâu. Và nếu có cắt một trang sách của ông ra, người ta vẫn sẽ nhận ra đó là văn Nguyễn Bình Phương.
Tác phẩm Một ví dụ xoàng từ khi ra mắt đã nhận được những phản hồi tích cực từ cả độc giả đại chúng lẫn giới phê bình. Điều đặc biệt là người ta không mổ xẻ, so sánh Một ví dụ xoàng với các tác phẩm ra mắt cùng năm, mà với các tác phẩm cũ của nhà văn, đặc biệt là Mình và họ.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương tại tọa đàm sáng 18/7. Ảnh: Minh Hùng. |
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học – nói tác phẩm của Nguyễn Bình Phương là “một ca phức tạp của văn xuôi đương đại”. Những đóng góp của Nguyễn Bình Phương không chỉ nằm ở Một ví dụ xoàng. Các sáng tác của ông có ý nghĩa thúc đẩy dòng chảy văn học đương đại.
Viện trưởng Viện Văn học đánh giá nhìn bề ngoài, các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương trông có vẻ cô đọng, giản lược. Nhưng khi đọc rồi, ta mới thấy văn ông phức tạp hơn nhiều. Ông mạnh dạn chơi đùa với cấu trúc, với thể văn, đồng thời áp dụng kỹ thuật liên văn bản, thực hành hoán đổi điểm nhìn đa chiều.
Như ở Một ví dụ xoàng, tác giả không viết cốt truyện tuyến tính mà kết cấu theo lối lắp ghép, áp dụng kỹ thuật liên văn bản và hoán đổi ngôi kể.
Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét Một ví dụ xoàng không phải loại tiểu thuyết mà người đọc có thể thả mình theo dòng sự kiện để giết thời gian. Người đọc phải kiến tạo, kết nối các sự kiện rời rạc thì mới hiểu được tính chỉnh thể của nó. Với mỗi người, trải nghiệm đọc lại khác nhau.
Nhà phê bình Văn Chinh đánh giá cao chất giọng mà ông gọi là “ngôn ngữ hạng người dưới đáy” và coi lời thoại của hạng người này trong các tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nói chung, ở Một ví dụ xoàng nói riêng như một lựa chọn nghệ thuật tối ưu.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng với Một ví dụ xoàng, Nguyễn Bình Phương vẫn đạt được những thành tựu mới về mặt nghệ thuật. Ông nghĩ nhà văn đã đạt đến trạng thái mà nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân gọi là trạng thái cổ điển. Đó là cái cổ điển của chính ngòi bút Nguyễn Bình Phương, khi ông làm chủ đượcmô hình thẩm mỹ, đạt đến sự ổn định, thăng bằng và hoàn thiện.
Đặt Mình và họ cạnh Nỗi buồn chiến tranh
Dù ngưỡng mộ Mình và họ, PGS.TS Phạm Xuân Thạch coi Một ví dụ xoàng như điểm tổng kết của một giai đoạn văn chương đổi mới.
Trước đây, vị phó giáo sư, tiến sĩ này cũng từng bày tỏ quan điểm nếu cần lựa chọn một hiện tượng văn học tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam đương đại thì “ưu tiên số một” là các sáng tác của Nguyễn Bình Phương.
“Xin mọi người hãy dừng lại để đặt Mình và họ cạnh Nỗi buồn chiến tranh, để đặt Kể xong rồi đi cạnh Tướng về hưu, để đặt Một ví dụ xoàng cạnh Kẻ sát nhân lương thiện”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói.
Theo ông, cần phải đọc tác phẩm của Nguyễn Bình Phương bằng một cách đọc liên văn bản, từ đó, chúng ta thấy rằng văn chương đổi mới đã đi qua hai chặng.
Chặng thứ nhất kết thúc khi Giải thưởng Văn học trao cho Nỗi buồn chiến tranh năm 1991, khi ấy chúng ta có những cây bút như Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp. Theo năm tháng,văn học cần phát triển theo một kiểu diễn ngôn khác, từ đó dẫn đến chặng thứ 2, với cột mốc là Mình và họ.
Ở Mình và họ hay Một ví dụ xoàng, ta bắt gặp một kiểu diễn ngôn mới. Loại diễn ngôn mới xóa nhòa ranh giới thiện ác tốt xấu, không thể đem đạo đức quy chuẩn ra mà đóng đinh vào tác phẩm. Trong Một ví dụ xoàng, kiểu diễn ngôn mới này trở nên hoàn thiện.
TS Phạm Xuân Thạch cho biết ông đọc Một ví dụ xoàng trong sự liên văn bản tới L’étranger (Kẻ xa lạ) của Albert Camus. Khi mà Albert Camus mới chỉ đặt ra hai lập trường để đối thoại, xung đột với nhau để cho thấy sự khác biệt của hai lập trường này; thì Nguyễn Bình Phương lại bày ra một dãy lập trường, một loạt điểm nhìn, với các diễn ngôn khác nhau về con người, về tội ác và vụ án trong cuốn sách. Điều này cho phép người đọc tự suy xét, tự đánh giá.
Khi bàn tới tác phẩm ưu tú của Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng vị trí đó thuộc về Mình và họ.
Mặc dù không đồng tình với lối phê bình so sánh, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho rằng “nhung tuyết” con chữ trong Mình và họ vẫn là khía cạnh trội hơn trong cuốn tiểu thuyết này.
Tuy vậy, ông vẫn giữ lập trường cho rằng mỗi tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đều có những giá trị riêng. Tại buổi tọa đàm, ông phát biểu: “Văn chương giống như vụ mùa, vụ này nhiều quả, vụ sau thất bát, có khi mất trắng. Chúng ta không nên so sánh, đòi hỏi nhà văn phải viết cuốn sau hay hơn cuốn trước. Cái cần đòi hỏi là cuốn này phải khác cuốn kia”.
Nhà phê bình Hoài Nam thì nhận định rằng Nguyễn Bình Phương luôn bảo lưu một cách viết đã định dạng phong cách và làm nên thương hiệu của mình. Đó là phương thức huyền thoại, thể hiện ở việc sử dụng các yếu tố huyền ảo và vô thức; là sự trộn lẫn giữa các dữ kiện hiện thực với các giấc mơ quái đản và những cơn điên loạn. Ngoài ra, ở tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, ta còn gặp cả tính bạo liệt, chất kinh dị hòa quyện trong một thứ mỹ cảm ấn tượng.
Cây viết phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận xét các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đa dạng mà nhất quán. “Kể từ buổi dấn nhập ‘vào cõi’ văn bút cho đến nay, ông luôn ‘ngồi’ riêng một cõi. Xuyên suốt cả chục cuốn tiểu thuyết của ông là một cái tôi chủ thể tài hoa, kiêu bạc, khinh khoái, tinh tế đến tinh quái; là không gian nghệ thuật định vị nơi khởi sinh và trì bồi văn hứng Nguyễn Bình Phương: ngôi làng Linh Sơn; là màn sương liêu trai ma quái kỳ dị kỳ ảo vô thức chiêm mộng bàng bạc trong từng trang văn”.
Khi bàn tới đỉnh cao văn chương của nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng vị trí đó thuộc về Mình và họ, ảnh: NXB Trẻ. |
Trong tham luận của mình, nhà văn Bảo Ninh cũng nhận định sức viết của Nguyễn Bình Phương đáng nể. Trong vòng 30 năm, Nguyễn Bình Phương cho ra mắt 10 tác phẩm. Điểm đáng nói là “10 cuốn, cuốn nào cũng hay, càng viết càng hay”.
Bảo Ninh cho đây là một điều đặc biệt hiếm thấy, và coi đó là ưu điểm nổi trội hàng đầu của cây bút Nguyễn Bình Phương. “10 cuốn tiểu thuyết cuốn nào cũng một cõi riêng, vị thế riêng, gần như là độc lập với nhau vậy, đúng như là nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng dự đoán: sự xuất thần trời phú rồi sẽ còn đến với nhà văn đặc biệt này không chỉ duy nhất một lần”, nhà văn Bảo Ninh nhận định trong tham luận.