Từ Oxford thương yêu (2007) rồi đến Cung đường vàng nắng (2012), Bồ câu chung mái vòm (2018), những nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết lãng mạn của Dương Thụy luôn ghi dấu ấn trong lòng độc giả.
Họ đại diện cho những người phụ nữ trẻ trung, hiện đại, hấp dẫn và thông minh. Những cô gái trong văn Dương Thụy luôn tích cực dấn thân để đạt được hạnh phúc trong tình yêu và sự nghiệp.
Nhân vật chính trong Em rắc thính, anh thả tình cũng vậy, cô yêu hết mình nhưng không bi lụy. Qua tác phẩm mới, nhà văn Dương Thụy muốn chia sẻ cùng bạn đọc quan niệm về tình yêu của phụ nữ hiện đại.
“Sex là một đề tài thú vị”
– Nhà văn Dương Thụy đã gửi gắm tình yêu với châu Âu qua nhiều tiểu thuyết. Tác phẩm mới nhất “Em rắc thính, anh thả tình” có phải “mảnh ghép mới” trong bức tranh châu Âu hoa lệ của chị?
– Cuốn truyện này được xem như hành trình tìm kiếm bản ngã của cô gái đang ở ngưỡng cửa tuổi 30 mà vẫn loay hoay với cuộc đời.
Cô khởi hành từ TP.HCM đi Paris (Pháp), rồi Athens và Santorini (Hy Lạp), tiếp tục đến Praha (Cộng hòa Séc), di chuyển tiếp đến Yverdon-les-Bains (Thụy Sỹ), sau đó rời châu Âu để sang Mỹ (Boston và Philadelphia).
Hành trình đó giúp cô có những trải nghiệm khi gặp gỡ 3 chàng trai lý tưởng và một bạn gái người Mỹ đang bệnh nặng.
Bối cảnh tuyệt đẹp của châu Âu dĩ nhiên tác động rất nhiều đến cảm xúc con người. Ví dụ, Hy Lạp có ánh nắng vàng của vùng Địa Trung Hải, biển xanh bát ngát, những giàn hoa giấy rực rỡ.
Nơi đây làm cho người ta trở nên phóng khoáng, dám bộc lộ bản thân, sống thật với bản năng hơn. Bối cảnh lãng mạn của thành phố cổ kính châu Âu là Praha, sẽ làm người ta mềm lòng, yêu nhau nhẹ nhàng, mà đắm say…
– Thường lấy bối cảnh trong tác phẩm của mình là các nước phương Tây hay Mỹ, chị có thiên vị xứ người?
– Nhiều nhà văn đã viết quá hay về trong nước, tôi không thể cạnh tranh được.
Thật sự, tôi vẫn say mê bối cảnh ở những xứ sở xa xôi như châu Âu hay Mỹ. Đặt chân đến những vùng đất đó, tôi muốn đem vào sách, để cùng chia sẻ với độc giả.
– “Em rắc thính, anh thả tình” là cuốn sách gắn mác 18+ đầu tiên của Dương Thụy. Có lý do trực tiếp nào khiến chị muốn đi sâu vào những chủ đề và chi tiết nhạy cảm?
– Nói như nhiều nhân vật trong sách, “chúng ta không nên đạo đức giả”, sex là đề tài thú vị. Trong sách, một nhân vật nữ thiếu sex và có hai nhân vật nam nghiện sex.
Nhưng hành trình để họ giúp nhau lấp đầy khoản thiếu tế nhị đó cũng không phải đơn giản.
Sex, nhìn dưới lăng kính sinh học và hóa học, như nhân vật Karen phát biểu: “Em cho phép hay không, thì các hormones tình dục trong người em tự nó xác định cái quyền của nó”.
Cuốn sách Em rắc thính, anh thả tình của nhà văn Dương Thụy. |
Thiếu tình yêu mới là điều khốn khổ
– Cảm giác của chị ra sao khi “đồng hành” cùng nhân vật phải đối diện những vấn đề liên quan giới tính?
– Như nhân vật nữ tự nhận ra, “dường như mọi vấn đề vòng vo trên đời này cuối cùng đều quay về với cái đề tài căn bản”. Nhưng cuối cùng, dù với những ai từng nghiện sex và có nhiều cuộc tình một đêm, thiếu tình yêu mới là điều làm người ta khốn khổ nhất.
Vì nghĩ rằng mình thiếu tình dục và luôn muốn được “thoát trinh”, nhân vật nữ tinh quái tìm kiếm một trai đẹp để giúp cô thực hiện kế hoạch đó.
Hành trình ấy đã có thể kết thúc khi một người đàn ông hấp dẫn và hoàn hảo giúp cô có cơ hội tốt. Nhưng “đời không đơn giản đến thế”! Dù là trai hay gái, đừng tìm cách “thoát trinh”, thoát ra khỏi tình trạng cô đơn mới quan trọng!
– Chị có lo rằng những chi tiết 18+ sẽ mâu thuẫn với bầu không khí lãng mạn vốn có trong tác phẩm của mình?
– Những ai đã đọc qua tác phẩm đều nói “18+ gì mà dễ thương và lãng mạn quá”. 18+ mà tôi đề cập là những suy nghĩ thẳng thắn về sex, không phải những cảnh dung tục.
Trong tác phẩm này, những câu triết lý được các nhân vật thốt ra một cách nhẹ nhàng và hài hước.
– Trong quá trình viết “Em rắc thính, anh thả tình”, chị có kỷ niệm nào đặc biệt muốn chia sẻ với độc giả?
– Lúc mới viết những chương đầu, tôi dành nhiều tình cảm cho nhân vật Minh và dự định cho anh vai trò quan trọng. Nhưng khi Billy xuất hiện, tôi lại thấy anh là nhân vật rất độc đáo khi dám đặt cho nhân vật nữ chính cái tên “Cô gái thiếu sex”.
Tôi tin rằng không ai có thể sống thiếu tình yêu. Thông qua tình yêu, người ta tự khám phá bản thân, có những trải nghiệm tích cực và luôn trưởng thành.
Nhà văn Dương Thụy
Rồi khi Karen lộ diện, tôi lại yêu nhân vật này đến mức định viết anh ta chết mấy lần mà lần nào cũng không nỡ. Nhân vật Hồ là người ngay từ đầu tôi không mấy chăm chút, nhưng không hiểu sao, càng viết, tôi lại càng bị chính nhân vật này hấp dẫn.
Có vẻ những người không hoàn hảo, tự nhận mình trai hư, tự thấy mặc cảm với quá khứ, lại chân thành và dễ được nhìn nhận.
Riêng nhân vật nữ chính, cô bất bình thường một cách… bình thường, có những giá trị lỡ cỡ, luôn khôn hết phần thiên hạ, là nhân vật hầu như bạn nữ nào cũng tự nhận là bản sao của mình.
Nhưng cuối cùng, cô nàng tự nguyện có một hành trình trưởng thành bên người nhiều khiếm khuyết và chọn sống thật với cảm xúc.
Đi nhiều, ưa khám phá giúp Dương Thụy có nhiều chất liệu sáng tác. Ảnh: FBNV. |
– Là cây bút diễm tình được yêu mến ở Việt Nam, chị có muốn khai thác một đề tài thật khác với những câu chuyện tình đẹp, có hậu?
– Tôi nghĩ cho dù viết về đề tài gì, muốn lồng thông điệp gì, sách của tôi cũng được viết dưới dạng câu chuyện tình.
Tôi tin rằng không ai có thể sống thiếu tình yêu. Thông qua tình yêu, người ta tự khám phá bản thân, có những trải nghiệm tích cực và luôn trưởng thành.
Tôi không viết về những gì to tát, không hô khẩu hiệu gì lớn lao đâu.
– Sau hơn 20 năm viết văn, chị cảm thấy như thế nào về con đường mình chọn và những tác phẩm của mình?
– Mỗi khi viết một cuốn sách, tôi như được sống cuộc đời khác. Tôi để nhân vật dẫn dắt mình đi. Tôi thuận theo những hành động và suy nghĩ của họ, không can thiệp mạnh bạo vào dòng chảy của câu chuyện bằng những suy nghĩ áp đặt của người viết.
Tuy nhiên, là người có nhiều trải nghiệm, được đi nhiều nơi trên thế giới, gặp những con người thú vị, khi viết một cuốn sách, tôi vô thức bộc lộ ra suy nghĩ cá nhân.
Có thể nói, sách của tôi có đời sống riêng nhưng lại mang tâm hồn của tác giả. Hành trình viết văn của tôi đã kéo dài hơn 20 năm nhưng càng viết tôi càng thấy thú vị. Viết cũng là hành trình tự học. Tôi học được rất nhiều từ chính những gì mình viết ra.