Lượng khách năm 2022 tại đường sách TP.HCM đạt gần 3 triệu lượt, tăng 87.5% so với năm 2021. Ảnh: Thanh Trần. |
Các đơn vị tại đường Sách TP.HCM đều có doanh thu tăng mạnh với tổng doanh thu đạt gần 52 tỷ đồng, lượng khách đạt gần 3 triệu lượt và 435 hoạt động, sự kiện được tổ chức,…
Những con số ấn tượng trên vừa được văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra trong buổi họp tổng kết về hoạt động của đường sách TP.HCM năm 2022 và triển khai hoạt động năm 2023.
Sách mới giảm, doanh thu tăng
Theo báo cáo, không có đơn vị nào tại đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM) giảm doanh thu. Trong khi đó, 11 đơn vị có doanh thu hơn gấp đôi năm 2021). Hai đơn vị mới tại đường sách là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Phanbooks cũng góp phần tăng doanh thu và đa dạng độc giả đến với đường sách.
Bên cạnh đó, đường sách còn là nơi diễn ra các hội sách như Hội sách Tết Nguyên đán, Hội sách thiếu nhi thành phố, Hội sách xuyên Việt, Hội sách Giáng sinh, các Hội sách mini, Hội sách khuyến đọc… tổng doanh thu của các Hội sách ước tính vào khoảng 7 tỷ đồng, thu hút đông đảo bạn đọc, du khách tham gia.
Doanh thu đường sách TP.HCM qua các năm. Ảnh: Y.N. |
Lượng khách năm 2022 đạt gần 3 triệu lượt, tăng 87,5% so với năm 2021 và tương đương với năm 2019 trước khi có dịch. Điều này cho thấy sự hồi phục của thành phố sau đại dịch. Trong đó, du khách quốc tế chiếm hơn 30% lượt khách đến đường sách và được dự đoán sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới.
Số bản sách bán ra đạt gần 660 nghìn cuốn, tăng 40.8%. Tuy nhiên, số tựa sách mới chỉ đạt 3,244 tựa và giảm 3.8% so với năm 2021. Nhìn chung, năm 2022 đường sách đã khôi phục lại sau đại dịch, các chỉ số về kinh doanh, lượt khách, hoạt động sự kiện đều tăng trưởng cao so với năm 2021.
Các chỉ số về số lượng bản sách bán ra và số tựa sách mới giảm khoảng 30% so với năm 2019 trong khi doanh thu tăng 17%. Điều này cho thấy yêu cầu chọn mua sách của bạn đọc ngày càng cao, người đọc sẵn sàng đầu tư cho những cuốn sách giá trị cao về nội dung, có thẩm mỹ cao về hình thức.
“Doanh thu tăng lên cho thấy sức mua của người dân đối với sách có những tín hiệu tích cực. Mặc dù số tựa sách không cao hơn những năm trước, nhưng những tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa và tạo nên hiệu quả trong kinh doanh”, ông Lê Hoàng – Giám đốc công ty Đường Sách TP.HCM – giải thích.
Ngoài ra, ông cũng cho biết bên cạnh việc bán sách trực tiếp cho du khách, các đơn vị tại đường sách TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh kết hợp với bán sách trực tuyến để đưa sách đi xa hơn và đến với nhiều bạn đọc hơn. Việc này trong năm vừa qua đã có tín hiệu bước đầu khá tốt và sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2023.
Ông Lê Hoàng (đứng) – Giám đốc công ty Đường Sách TP.HCM – tại buổi họp với các đơn vị xuất bản sáng ngày 23/2. Ảnh: Thanh Trần. |
Đẩy mạnh hoạt động cho học sinh, thu hút du khách
Bước sang năm thứ 7 hoạt động của đường sách TP.HCM, ông Lê Hoàng cho biết sẽ có kế hoạch phối hợp để nâng tầm chất lượng, đem lại diện mạo mới cho đường sách TP.HCM.
Đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng một trong những thách thức lớn của đường sách TP.HCM là đường sách phải vượt qua cái bóng của chính mình. Theo vị đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trong khi nhiều địa phương đang học hỏi và rút kinh nghiệm từ mô hình đường sách tại TP.HCM, đường sách TP.HCM cần có những thay đổi để vẫn giữ được nét riêng và lợi thế của mình.
“Chính vì giữ được bản sắc trong suốt 7 năm qua mà đường sách TP.HCM ngày càng thu hút du khách và cũng là niềm tự hào cho những người làm sách tại đây. Trong tương lai, sản phẩm chính tại đường sách vẫn là sách, đó là bản sắc của đường sách, là khuynh hướng văn hóa và sứ mạng của đường sách. Nếu như trước đây sách là sứ mệnh đối với người đọc Việt Nam, thì bây giờ sách còn có sứ mệnh giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến với du khách”, ông Lê Hoàng chia sẻ.
Xác định mục tiêu của đường sách TP.HCM trong năm 2023, ông Lê Hoàng cho biết sẽ hoàn thiện không gian đường sách và đưa vào hoạt động các không gian trưng bày, triển lãm mới, ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý, điều hành chung.
Mục tiêu của đường sách TP.HCM trong năm 2023 bao gồm đẩy mạnh các hoạt động dành cho học sinh và nâng cao số lượng, chất lượng sách phục vụ cho khách du lịch. Ảnh: Thanh Trần. |
Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia đường Sách TP.HCM cần nâng cao chất lượng, số lượng xuất bản phẩm, thường xuyên tổ chức các tọa đàm giao lưu thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, tổ chức sân chơi tương tác với bạn đọc tại gian hàng.
Cũng theo ông Lê Hoàng, một tín hiệu vui và đặc biệt của đường sách TP.HCM chính là tỷ lệ sách thiếu nhi so với 2 năm vừa qua đã tăng lên gần 300%. “Điều này cho thấy không chỉ trẻ em đã đọc sách nhiều hơn, mà phụ huynh cũng đã quan tâm đến việc đọc sách của con nhiều hơn. Tôi đánh giá rất cao sân chơi tương tác, chơi với sách tại đường sách. Đó là chất men để khiến cho trẻ em đến với sách thủa ban đầu”, ông chia sẻ.
Vì thế, mục tiêu trong năm 2023 của đường sách TP.HCM cũng tập trung vào đẩy mạnh các chương trình hoạt động dành cho trường học, thầy cô và học sinh, tạo điều kiện để các trường đến đường sách tham gia hoạt động sự kiện, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường hay tham gia những chuyên đề về sách, nghề nghiệp mà học sinh quan tâm.
Trước những dự đoán về tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2023, ông Lê Hoàng cho rằng các đơn vị cần có những biện pháp chủ động để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế chung. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các đơn vị làm sách truyền thống, sách công nghệ, có tiếng nói chung nhất là về bản quyền để tìm ra được và với giới thiệu đến bạn đọc những đề tài, những tựa sách hay.
You must be logged in to post a comment Login