Những chuyến tàu mùa hècủa Bỉnh Khôi gồm 20 truyện ngắn viết về người trẻ ngây thơ, mộng mơ, cuồng nhiệt với những giấc mơ đời mình. Được sự đồng ý của tác giả, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Sau cơn đột quỵ, nửa cơ thể của Nhân yếu hẳn đi, trí óc cũng không còn bình thường. Cậu ấy khi thì khóc mếu máo, khi lại cười sằng sặc như một đứa trẻ.
Mấy ngày đầu tiên Nhân khỏe lại, dù là bạn thân gần chục năm tôi vẫn cảm thấy sợ hãi lẫn lo lắng khi nghe tiếng Nhân cười ha hả vào giấc nửa đêm trong căn phòng bệnh viện lạnh tanh, nồng nặc mùi nước khử trùng.
Xây lại căn nhà cho ba má là ước mơ Nhân ấp ủ từ những ngày đầu mới bước vào đại học. Trước đó hai tháng Nhân còn bảo với tôi rằng nếu không có gì thay đổi nó sẽ gom đủ số tiền còn lại vào cuối năm nay để gửi về quê cho ba má nó xây lại mái nhà.
Những ngày này quê nó đã bắt đầu bước vào mùa mưa. mấy cơn mưa dầm miền Tây, dai dẳng từ chiều đến tối. Nhiều lần trong cơn say nó hay tỉ tê bảo rằng đêm nào ba má nó cũng thức hứng nước mưa dột nát trên mái, canh cho mấy đứa em nó ngủ.
Còn ở Sài Gòn nó nằm trong căn nhà trọ chẳng dột mưa nhưng cũng có ngủ được đâu. Ở vùng quê nghèo, quanh năm sống bằng hai mùa lúa của chúng tôi, hành trình lên Sài Gòn học hành, ra trường kiếm tiền, gửi về cho ba má, mua nhà, mua xe là giấc mơ lớn và nhiệm vụ to tát cả cuộc đời mà đứa nào cũng “kê đầu giường” mỗi tối.
Sách Những chuyến tàu mùa hè. Ảnh: Q.M. |
Dịp Tết về nhà, bà con họ hàng ai cũng vây quanh để hỏi han, đều là những câu hỏi giống nhau: “Mua nhà Sài Gòn chưa con?”, “Đủ tiền cưới vợ chưa?”. Nếu không có nhà, không có xe, chưa đủ tiền cưới vợ thì chúng tôi mặc nhiên trở thành những kẻ thất bại thảm hại trong mắt bà con.
Vài người thấy Nhân mới chập chững bước vào tuổi 30 đã có nhà ở Sài Gòn, đã có xe hơi lái đi làm. Người ta chỉ nhìn thấy lúc nó hất cái mặt lên nhìn đời lúc từ xe bước xuống nhưng người ta không nhìn thấy được đôi mắt thâm quầng, mái tóc bạc trắng xóa của nó vì ngày nào cũng phải làm việc cật lực từ sáng đến tối.
Đau lòng không phải vì nó đi làm kiệt sức, vì mệt, vì ngã bệnh, mà đau lòng nhất là nó đã đánh mất đi lý tưởng, đánh mất cả đam mê, cả tuổi trẻ của mình chỉ vì ngôi nhà và chiếc xe kia.
Để rồi khi ngã bệnh là lúc mọi việc đã trở nên muộn màng. Sau cuộc phẫu thuật, Nhân hôn mê hơn 48 giờ đồng hồ. Đó là khoảng thời gian khắc nghiệt. Má nó ngồi bên cạnh nó suốt. Tôi không thấy nước mắt bà rơi. Tôi đoán chắc vì bà đã khóc quá nhiều trên chuyến xe đò từ Cà mau lên thành phố khi hay tin thằng con trai lớn bị đột quỵ.
Lúc Nhân ngủ say bà thường ra trước cửa phòng ngồi cạnh tôi rồi thều thào: “Thằng Nhân chắc cực lắm con hả? Đi làm tháng nào cũng cắc củm gửi hết về quê, từ tiền cho ba má uống thuốc tới tiền cho mấy đứa em đi học. Cái gì cũng thằng Nhân”.
Tôi chỉ dạ thưa gật đầu mà chẳng biết phải nói lời gì. Rồi bà lại bảo: “mà cuộc sống nghèo nàn hồi đó tới giờ rồi. Quen rồi. Thằng Nhân nó thương hai bác nên cực khổ, để giờ thế này, bác chỉ cần nó khỏe mạnh thôi còn ở nhà thiếu ăn, thiếu mặc cũng đâu có sao”.
Nói đến đoạn đó bà đưa tay lau nước mắt. Đến cuối cùng, cha mẹ nào cũng mong con mình bình an vì con cái là thứ tài sản quý giá nhất của họ. Nhưng không phải đứa con nào cũng thấu hiểu điều đó.
Hôm Nhân tỉnh lại cậu ấy vẫn nhận ra ba mẹ. Đôi mắt ngô nghê, ngờ nghệch cùng tiếng cười ha hả của thằng bạn tuổi đôi mươi như vết cứa vào lòng tôi.
Bác sĩ bảo Nhân phải tập vật lý trị liệu kiên trì lắm mới mong phục hồi được nửa cơ thể đã bị thương tổn. Dáng đi khập khiễng của Nhân trong những ngày đầu tập đi trở lại làm ai cũng đau lòng.
Dù đồng nghiệp, bè bạn ai cũng thương quý nhưng chẳng ai có thể bên cạnh chăm sóc Nhân ngoài ba mẹ nó. hôm cuối cùng đưa Nhân ra xe về quê có gần 20 người đến tiễn.
Trên bến xe khách buổi chiều ấy tôi đứng nhìn theo mãi nụ cười của nó. mái tóc của mẹ Nhân đã lấm tấm bạc. Những năm tháng sau này bà sẽ còn phải vất vả hơn nữa.
Đó, nhà phải có, xe phải có nhưng không có cũng đâu có sao, còn sức khỏe mà không có thì làm khổ biết bao người quanh mình. Giấc mơ nhà – xe chỉ là một trong số rất nhiều giấc mơ khác nữa.
Xin đừng bán cả thanh xuân của mình để đổi lấy một khối sắt bốn bánh hoặc trở về nhà trong căn nhà rộng lớn thênh thang, giàu có nhưng tâm hồn và thể xác đã kiệt quệ.