“Bạn biết không, đất nước của chúng mình đẹp lắm. Từ những dòng thác tung bọt trắng xóa vùng Tây Bắc đến dòng Cửu Long chở nặng phù sa miền Tây Nam Bộ, từ núi rừng bao la nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm đến vùng hải đảo nơi có những giàn khoan tung bay lá cờ đỏ sao vàng, từ những miền đất cổ kính với bề dày lịch sử đến các thành phố trẻ trung tràn đầy sức sống – tất cả hội tụ trên dải đất hình chữ S tươi đẹp”.
Cuốn sách atlas Việt Nam Đất nước gấm hoa đã được tác giả Mai Chi giới thiệu như thế trong Lời mở đầu, vừa là lý do cho việc biên soạn tác phẩm, cũng là một dấu chấm than cảm xúc để độc giả lần mở cuốn sách chắt lọc những thông tin địa lý, văn hóa, lịch sử từng tỉnh thành, cũng như hình ảnh sinh động, bắt mắt thỏa lòng người xem của họa sĩ Hồ Quốc Cường.
Sách atlas Việt Nam Đất nước gấm hoa. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Dặm dài đất nước từ Bắc vào Nam, nội dung sách chia theo 7 phân vùng địa lý gồm những tỉnh thành trực thuộc. Ở mỗi vùng miền là sự khái lược thông tin liên quan đến diện tích, văn hóa, ẩm thực cơ bản. Chẳng hạn, nói đến Trung du và miền núi phía Bắc, là hình ảnh ruộng bậc thang, là món thắng cố, trâu gác bếp, lợn cắp nách, là chợ phiên, điệu múa xòe của đồng bào dân tộc.
Dừng chân ở mỗi tỉnh thành dù nơi núi non, trung du hay đồng bằng, thông tin, hình ảnh thể hiện gần gũi, sinh động tạo ấn tượng trực quan giúp người đọc dễ nhớ về địa phương được đề cập tới. Dẫu có thể chưa đặt chân tới tỉnh thành nào đó, nhưng với những thông tin, hình ảnh trong Đất nước gấm hoa, độc giả sẽ định hình cơ bản về những địa danh, con người, văn hóa vùng đất đó.
“Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó thì không muốn về”, câu ca dao truyền miệng xưa là vậy. Nhưng đất Cần Thơ đâu chỉ có lúa gạo trắng trong. Những hình ảnh về ẩm thực đất này, hẳn sẽ “bắt thèm” người đọc cho dù là khác vùng miền, gu ẩm thực với những bánh tét lá cẩm, bánh xèo miền Tây, bánh tằm bì, lẩu mắm và chuối nếp nướng.
Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, đỉnh Tây Côn Lĩnh được giới thiệu cùng xôi bảy màu, rêu nướng trong trang sách về Hà Giang. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Còn địa danh? Qua những gập ghềnh đèo dốc của đất Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, đỉnh Tây Côn Lĩnh, dinh vua Mèo, cột cờ Lũng Cú chắc chắn là những nhắc nhớ tới vùng đất địa đầu Tổ quốc này. Cũng như khi thăm Thừa Thiên Huế, không thể bỏ qua những Ngọ Môn, sông Hương núi Ngự, cầu Trường Tiền hay chùa Thiên Mụ.
Thậm chí, danh nhân cũng là chỉ dấu quan trọng trong Đất nước gấm hoa khi đề cập tới một tỉnh thành nào đó. Nếu Hải Phòng có nữ tướng Lê Chân, Thanh Hóa có Lê Lợi thì Hà Tĩnh có Nguyễn Du, Bến Tre có Đồ Chiểu…
Lễ hội cũng là một đặc trưng riêng có góp phần nhận diện các tỉnh thành khác nhau. Hà Nam có lễ tịch điền Đọi Sơn tiếp nối truyền thống từ thời vua Lê Đại Hành, Đắk Lắk có lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên đậm chất núi rừng, Sóc Trăng có lễ hội đua ghe ngo đặc trưng vùng sông nước Cửu Long.
Không chỉ đậm đặc những yếu tố cổ truyền mang tính thương hiệu hoặc tính chất nhận diện cho các tỉnh thành, Đất nước gấm hoa cũng chứa đựng những nét tươi mới, trẻ trung và hiện đại. Bên cạnh Biển Hồ, hổ Đông Dương, nhà sàn, Gia Lai còn được biết tới với CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ; món cơm tấm sườn bì chả cũng là một đặc trưng bình dân ngoài tòa nhà Landmark 81, Bitexco hiện đại của TP.HCM.
Trang thông tin về TP.HCM trong Đất nước gấm hoa. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Gói gọn trong chưa đầy 200 trang sách, nhưng ở Đất nước gấm hoa, độc giả được thỏa lòng “du lịch” nhanh qua 63 tỉnh thành đất nước. Với nét vẽ sinh động, chân thực và thông tin ngắn gọn, atlas Việt Nam Đất nước gấm hoa dù không giới hạn độ tuổi người đọc, nhưng sẽ thực sự hữu ích nếu tác phẩm này tiếp cận đông đảo độc giả nhỏ tuổi, giúp các em có thêm thông tin sơ khởi về non sông gấm vóc nước nhà.