Từ lâu, sách lậu, sách không bản quyền là một vấn nạn dai dẳng, trầm trọng ảnh hưởng tới ngành sách nước ta. Khi chuyển đổi sang môi trường Internet, với các thiết bị công nghệ, tình trạng vi phạm bản quyền càng trở nên khó kiểm soát.
Trên mạng nhan nhản những trang đăng tải truyện cho bạn đọc miễn phí. Sẽ không có gì đáng nói nếu những trang web này trả tiền bản quyền đầy đủ cho tác giả. Nhưng nó là vấn đề lớn khi đăng tác phẩm mà không được chủ sở hữu đồng ý, cho bạn đọc miễn phí nhưng thu tiền quảng cáo qua các tập truyện.
Điều này không chỉ thiệt hại lớn cho những nhà xuất bản, các công ty sách, đơn vị phát triển nền tảng công nghệ sách… mà còn vi phạm quyền, lợi ích trực tiếp của tác giả.
“Tôi không bao giờ đọc truyện ở app mà phải trả phí”
Để xảy ra tình trạng này, lỗi đương nhiên thuộc về những người vì lợi ích mà vi phạm bản quyền. Nhưng ở một khía cạnh khác, nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận độc giả đã tiếp tay cho vấn nạn vi phạm bản quyền trở nên trầm trọng.
Sau bài viết “Tôi bị tẩy chay vì dám bán truyện tranh bản quyền” đăng tải trên Zing, nhiều độc giả đã phản hồi với những ý kiến trái chiều. Trong bài báo, anh Nguyễn Khánh Dương – người phát triển webtoon Comi (một nền tảng truyện tranh) – có đề cập đến vấn đề nhiều trang web đăng tải truyện không bản quyền và thu lợi nhuận lớn.
Sau khi bài báo được chia sẻ trong diễn đàn truyện tranh, nhiều bạn đọc đã đưa ra các nhận xét mang tính cá nhân, có những nhận xét chuyên môn đáng suy ngẫm.
Địa ngục môn – truyện tranh Việt đạt giải Bạc cuộc thi Truyện tranh Quốc tế tại Nhật – cũng bị đưa lên mạng cho đọc miễn phí mà không được sự đồng ý của tác giả. |
Một độc giả ký tên “M K V” viết: “Tôi nói thật, bạn làm app đọc truyện mà bắt người phải trả tiền để đọc thì nói thật bạn không trụ được. Tôi chả bao giờ đọc truyện ở app mà phải trả phí bản quyền cả mà tôi sẽ đọc ở những app có chèn quảng cáo, mỗi tập họ chèn 1 quảng cáo 15-30 giây cũng bằng tiền bản quyền rồi”.
Thậm chí có độc giả gọi hành động mua bản quyền truyện và “bắt” bạn đọc trả phí là “dơ”. Cụ thể, bạn đọc ký tên “Teo” nêu: “Hy vọng các bạn không chơi dơ thấy truyện nào đang hot thì mua bản quyền rồi chặn mấy bên khác thì ai cũng ủng hộ thôi”.
Một số khác cho rằng việc thu phí trên webtoon là đắt đỏ: “3.000 đồng để đọc một tập là quá đắt”.
Bên cạnh những ý kiến chê trách các nền tảng đọc truyện trả tiền, có những độc giả lên án việc đọc “chùa” trên mạng. Họ phân tích việc đọc truyện trên mạng không phải trả tiền đã thành thói quen của nhiều người, nên khi phải mất phí mới bức xúc như vậy. Bạn đọc Trần Vĩnh Phúc bình luận: “Thích đọc truyện không trả tiền chẳng khác nào vào quán ngồi ăn rồi đứng lên đi không trả phí”.
Bạn đọc Chí Nguyên hoàn toàn ủng hộ ý tưởng làm web, nền tảng đọc truyện có bản quyền: “Nếu phải trả tiền, tôi sẵn sàng chi trả, bởi công sức của tác giả và ban điều hành website là rất lớn và tôi cảm kích điều đó”.
Độc giả Arya T là người ủng hộ nhiều tiền cho game bản quyền, truyện tranh bản quyền. Arya T viết: “Thực sự nó rẻ lắm, chỉ như ly trà sữa, bữa ăn bạn ăn. Tôi không muốn kì kèo vài đồng tiền cho những nhà sáng tạo”.
Đấu tranh bản quyền mất quá nhiều thời gian
Nhìn từ góc độ tác giả truyện tranh, việc đọc truyện mà không trả phí ảnh hưởng lớn tới người sáng tạo. Không tác giả nào bỏ bao công sức, tâm huyết, thời gian để làm truyện để rồi bộ truyện ấy được mang cho bạn đọc miễn phí mà họ không được nhận đồng thù lao nào.
Lớp học mật ngữ là bộ truyện đình đám của tác giả Việt hiện nay. Thế nhưng không khó để tìm thấy trên các trang web, mạng xã hội những trang truyện tranh được scan rồi đưa lên cho mọi người đọc miễn phí.
Họa sĩ Hoàng Anh Tuấn (Tuấn B.R.O) – tác giả bộ truyện – dường như đã quá quen thuộc với tình trạng tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền. Anh nói: “Tôi chưa làm thế nào để ngăn chặn, xử lý được khi truyện của mình bị đưa lên như vậy. Tôi không khuyến khích việc scan đó.
Trong khi bộ truyện vẫn đang phát hành, việc bị scan và đưa lên mạng đọc miễn phí khiến lượng độc giả mua sách giảm, ảnh hưởng đến công sức của tác giả, của người làm sách.
Đọc truyện có bản quyền để đảm bảo quyền lợi của tác giả, người làm sách. |
“Việc của tôi là sáng tác nên không thể can thiệp quá nhiều vào đấu tranh bản quyền, nó mất quá nhiều thời gian. Nếu có thể, các bạn hãy ủng hộ bằng cách mua sách gốc. Tôi biết cái gì xài chùa cũng thích, nhưng nên ủng hộ tác giả bằng việc đọc sách có bản quyền để người sáng tác sẽ tăng thêm phần thu nhập”, họa sĩ Hoàng Anh Tuấn nói.
Dưới góc độ một người tạo nền tảng truyện bản quyền, Nguyễn Khánh Dương cho biết việc gỡ truyện trên các trang truyện lậu là để đảm bảo yêu cầu bắt buộc của tác giả và đơn vị sở hữu bản quyền. “Việc chặn, gỡ các trang truyện lậu chưa bao giờ là ý tưởng của chúng tôi, mà đó là yêu cầu bắt buộc của tác giả và đơn vị sở hữu bản quyền”, Khánh Dương nói.
Người phát triển nền tảng webtoon Comi kể khi tiếp xúc với những đơn vị sở hữu tác phẩm nước ngoài, lập tức nhiều người có cái nhìn dè dặt: “Việt Nam bán truyện online thế nào được, truyện của tôi toàn bị lậu”.
Sau khi thuyết phục nhiều, anh cũng được tác giả đồng ý đưa truyện với hy vọng: “Tôi không mong đợi gì thu được nhiều tiền ở thị trường Việt trong giai đoạn này. Nhưng tôi đưa bản quyền cho các anh, hy vọng các anh có thể xử lý các website đang đăng tải lậu cho chúng tôi”.
Trước những ý kiến phản hồi của độc giả, Khánh Dương nói: “Tôi hoàn toàn hiểu tâm lý của độc giả, bất mãn, không thoải mái khi đang được đọc miễn phí, bỗng dưng truyện mình đang đọc phải bị gỡ xuống. Nhưng xin hãy nhớ, người cảm thấy bất mãn, không thoải mái, và bức xúc nhất là tác giả, những người đã mất nhiều năm trời sáng tác truyện và thấy truyện bị đăng tải miễn phí, tiền quảng cáo rơi vào túi người khác”.
Khánh Dương hiểu tâm lý đó vì anh không chỉ là người làm sách, anh còn là một tác giả truyện tranh gần 20 năm nay.