Hàng năm, nhà thơ Phong Việt xuất bản một tập thơ với lượng bản in ấn tượng. Trong bối cảnh nhiều nhà thơ tự bỏ tiền túi ra in sách, mang thơ đi tặng, việc phát hành thơ của Phong Việt trở thành hiện tượng. Tác giả chia sẻ về việc xuất bản thơ và tác phẩm mới nhất của mình.
Nhà thơ Phong Việt. |
Thơ là điều quá khó khăn với thị trường
– Trong tổng kết 5 năm của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, có một nội dung đưa ra rằng “thơ ca hội viên gần như chỉ lưu hành nội bộ”. Vậy khi gửi bản thảo thơ tới đơn vị xuất bản, anh gặp khó khăn gì?
– Tôi may mắn vì có bề dày xuất bản thơ trong suốt 9 năm vừa qua. Thứ hai, tôi có một cột mốc tạo dấu ấn ngay từ đầu với tập Đi qua thương nhớ; nó là hiện tượng xuất bản từ năm 2012. Vì vậy, mỗi năm, tôi gửi bản thảo đến các nhà xuất bản (NXB) đều khá thuận lợi.
Chất lượng bản thảo được thừa nhận về mặt chuẩn mực nào đó, tùy theo mỗi đơn vị xuất bản. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa NXB nào cũng thoải mái với những con số in lớn.
Ví dụ, có đơn vị nói với bản thảo này họ chỉ in 2.000 bản thôi chẳng hạn; nhưng một đơn vị như Skybooks, họ đồng ý in lần đầu 5.000 bản. Điều này phụ thuộc tiêu chí kinh doanh và cách đơn vị xuất bản định giá, định vị thương hiệu tác giả đó trong lòng độc giả như thế nào.
Ngày nay, chúng ta có rất nhiều nhà thơ, có những bậc tiền bối và cả những tác giả trẻ mới cầm bút một vài năm. Chúng ta phải hiểu với nhau một thực tế: Tại Việt Nam, thơ vẫn là điều quá khó khăn với thị trường. Để một nhà xuất bản đồng ý phát hành tập thơ cho tác giả, nó là quyết định dũng cảm.
– Anh vừa nói rằng mình may mắn khi phát hành thơ thành công. Nhưng đã 9 tập thơ phát hành rồi, không có gì là may mắn mãi được. Vậy anh có bí quyết gì để đưa thơ tới đông đảo bạn đọc?
– Tôi nghĩ có rất nhiều yếu tố trong một tác phẩm khi tác giả chào bản thảo tới NXB. Thứ nhất, đó là cách ta chuyển tải qua bản thảo có phù hợp đại chúng người yêu thơ ngày hôm nay hay không.
Thứ hai, tôi luôn đưa ra concept về trình bày, bìa và giữ sự nhất quán về ý tưởng đó từ những tập thơ đầu tiên. Điều đó tạo ra một sự nhận diện thương hiệu. Tác giả mới không có điểm để nhận diện cũng là điều rất khó cho việc họ mang tập thơ đến chào NXB.
May mắn của tôi nói riêng là các nhà phát hành đồng ý đầu tư phát hành thơ và tôi có một khoản nhuận bút trên số lượng phát hành đó. Nhưng tỷ lệ được đầu tư phát hành thơ trong thị trường này hiếm hoi. Đó cũng là lý do tôi nghĩ mình phải luôn cố gắng để có bản thảo chất lượng.
Nhà thơ cũng cần nuôi dưỡng được độc giả yêu quý để đi cùng mình qua bao nhiêu tháng năm. Bởi, họ là người quyết định cuốn sách của mình có được tiếp tục phát hành nữa hay không.
Ví dụ, đơn vị Skybooks, năm ngoái, họ in cuốn Mình sẽ đi cuối đất cùng trời của tôi. Nếu cuốn đó không bán được, năm nay, họ sẽ không bao giờ đồng ý in cuốn Bao nhiêu thương nhớ cho vừa này.
Về mặt kinh doanh, cuốn trước không bán được, cuốn sau họ in làm gì nữa? Điều đó khiến tôi vui, nhưng sâu hơn là trân trọng độc giả của mình; bởi họ là động lực cho mình tiếp tục viết, là động lực để đơn vị kinh doanh thấy có thể tiếp tục tái đầu tư vào tác giả, đầu tư vào thơ.
Một số tập thơ của Nguyễn Phong Việt. Ảnh: Nicolas Phạm. |
– Anh vừa khắc tới cụm từ “nuôi dưỡng độc giả”. Anh nuôi những bạn đọc đồng hành cùng mình ra sao?
– Có thể có người sẽ không thích cách tôi làm thơ, nói đó không phải thơ. Nhưng trong một thị trường có nhiều trường phái, phong cách, nhiều cách kể khác nhau. Tôi thấy đó là cách kể phù hợp với mình, là cách mà tôi chia sẻ tốt nhất tới độc giả của mình. Độc giả của tôi yêu thích điều đó thì tôi làm điều đó.
Những giá trị thơ ca mà chúng ta đang nói hôm nay đều cần thời gian thẩm định. Nhưng dù ít, dù nhiều, ta phải viết điều mà độc giả có thể chia sẻ được. Trong hành trình viết của tôi, có điều tôi biết nếu đưa ra thì độc giả khó tiếp nhận, đó là điều bình thường với một tác giả. Nhưng trong những tác phẩm mình viết, mình phải chọn lọc.
Một năm tôi xuất bản tập thơ 60 bài, không có nghĩa là trong cả một năm tôi chỉ viết chừng ấy. Có những bài tôi viết, với câu chuyện này, vào thời điểm này, độc giả sẽ không thích và không đón nhận được.
Với tư cách một tác giả, tôi sẽ chọn lựa cách kể chuyện, những bài thơ mang giá trị tiệm cận những điều mà bạn đọc ngày hôm nay cần. Có thể những bài thơ tôi viết hôm nay sẽ xuất bản 3 hoặc 5 năm sau, vì thời điểm đó mới phù hợp.
Đó là cách để ta biết ta đang ở trong một thị trường, định vị được giá trị bản thân của mình. Không phải cái gì mình viết ra đều phù hợp độc giả, không phải cái gì mình viết ra cũng hay. Ở đây còn tính xu hướng, thị hướng, thị hiếu bạn đọc.
– Tức là khi nhắc tới câu chuyện phát hành, ta không nên bàn chuyện phê bình văn chương, mà nên đặt thơ vào thị trường?
– Chính xác. Một đơn vị xuất bản phát hành tập thơ của Nguyễn Phong Việt, cái cuối cùng họ mong muốn là gì? Đó là lợi nhuận. Ở đâu đó, họ cũng sẽ vui vì họ được ký kết với một tác giả có dấu ấn trong lòng độc giả trẻ. Nhưng cuối cùng họ vẫn cần lợi nhuận dựa trên số lượng bản in phát hành ra.
Chúng ta phải hiểu với nhau rằng một tác phẩm có giá trị văn chương, nhưng với đơn vị phát hành, họ cũng phải bán được cuốn sách đó. Đó là bài toán khó mà ít tác giả, nhà thơ hiểu, cân bằng được điều đó trong thời điểm này.
Tập thơ Bao nhiêu thương nhớ cho vừa. Ảnh: P.V. |
Gửi bình an cho một năm nhiều biến động
– Mỗi năm anh phát hành một tập thơ, tuy ý tưởng bìa và hình thức giống nhau, nội dung lại mang một ý nghĩa riêng. Tập thơ năm nay của anh có thông điệp gì?
– Tên sách là Bao nhiêu thương nhớ cho vừa, nhưng có bạn lại đọc theo cách: “Bao nhiêu thương cho vừa nhớ” hay “Bao nhiêu cho vừa thương nhớ”…
Khi nhận một tình yêu thương, ta luôn muốn được nhiều hơn: Được chăm sóc nhiều hơn, được lo lắng cho nhiều hơn, được vun vén nhiều hơn… Nhưng bao nhiêu là đủ? Không bao giờ là đủ, bởi tâm lý con người là ngày hôm sau mong muốn nhiều hơn ngày hôm trước.
Tập thơ bắt nguồn từ câu chuyện của bản thân tôi, tôi nhận ra nếu mình tiếp tục đi theo cách yêu thương ấy, mình sẽ tiếp tục khổ sở, trong đầu, mình tiếp tục chờ đợi, kỳ vọng những gì đẹp hơn qua từng ngày, từng tháng, từng năm. Nhưng không bao giờ có điều đó. Không có gì cứ phát triển đi mãi mãi lên, mà nó có những điểm đi ngang, đi xuống…
Ta cần học cách hài lòng với những yêu thương, học nhận biết những giá trị đó với ta là vừa rồi, đủ rồi, phù hợp rồi. Như vậy ta sẽ dễ hạnh phúc, dễ sống với những thứ ta đang có.
Khi bớt kỳ vọng với những người yêu thương cạnh ta, ta sẽ dễ sống hòa hợp với nhau. Ta càng nhiều kỳ vọng, thì ta càng dễ thất vọng.
– Tập thơ phát hành mùa Giáng sinh, anh có lời nhắn gì gửi gắm độc giả, những người đã đi cùng anh suốt chặng dài thơ ca vừa qua?
– Không còn mùa nào đẹp hơn mùa Giáng sinh, thời điểm ta thường tự vấn năm vừa qua ta được gì, mất mát gì, có thêm điều gì… để ta thay đổi. Bao nhiêu thương nhớ cho vừa chính là điều mà ta tự vấn, ta lắng đọng, bằng trải nghiệm của mình, ta tự hài lòng với những giá trị mà ta đang có.
Và với một năm quá nhiều biến động bởi dịch bệnh, thiên tai như 2020 này, tôi muốn gửi những giá trị bình an nội tâm qua tập thơ. Tôi mong bạn đọc đọc và tìm thấy điều tôi gửi gắm.