Sách Cổ mỹ từ. |
Khi xã hội dần số hóa, biên độ dao động xung quanh từ ngữ càng rộng hơn. Nhiều từ mới được sinh ra và trở nên phổ biến một cách nhanh chóng, bên cạnh đó là sự biến mất, lãng quên nhiều từ vốn có ý nghĩa đặc sắc hoặc điển tích thú vị nhưng qua thời gian đã không còn thông dụng.
Mang tinh thần ôn cố tri tân, Cổ mỹ từ – một tựa sách về những từ đẹp mà nay ít dùng (NXB Thanh Niên và Du Bút liên kết xuất bản) của tác giả Nguyễn Thùy Dung là cuốn sách tập hợp những từ có sắc thái cổ, từng được sử dụng trong các tác phẩm thi văn của Việt Nam xưa – nay được tác giả dày công nghiên cứu, chắt lọc, tinh tuyển trong thể thức một tập sách – tập từ điển để bạn đọc có thể tham khảo, khai thác, tìm tòi từ ngữ, góp phần tạo nên sự đa dạng trong sử dụng từ ngữ.
Cổ mỹ từ nôm na là những từ có sắc thái cổ và có ý nghĩa đẹp nhưng ít được sử dụng trong đời sống hiện đại. Song, khi đào sâu về ngữ nghĩa, cách dùng, ta sẽ thấy được đằng sau mặt chữ là cả một hệ thống văn hóa, thường thức của thời đại. Cuốn sách giới thiệu 58 từ ngữ cùng những ghi chép, diễn giải liên quan, được chia thành hai phần chính: “Những từ diễn tả cảnh vật thiên nhiên” và “Những từ diễn tả tình cảm và cuộc sống”. Trong đó, một số từ thật giàu mỹ cảm, có sức lay động lòng người như “thiều hoa”, “hiểu phong”, “thiên chương”, “khung thương”, “tầm phương”, “lạc hà”…
Tuy nhiên, cái hay, đặc sắc của Cổ mỹ từ là sự tưởng như vô biên trong ngữ nghĩa, bởi mỗi từ ngữ đều hàm chứa nhiều tầng nghĩa khác nhau. Đọc Cổ mỹ từ, độc giả sẽ nhận thấy giá trị nội sinh của Việt Nam vốn thật gần gũi và giàu hàm lượng văn hóa, từ đó, khơi gợi thêm niềm cảm hứng, tư duy cởi mở và tình yêu với tiếng Việt.
Cổ mỹ từ vốn là chuyên mục được nhiều bạn đọc yêu thích trên “Ngày ngày viết chữ” – chuyên trang về tiếng Việt được sáng lập bởi tác giả Nguyễn Thùy Dung, “chủ nhân” của nhiều cuốn sách hay về tiếng Việt được tái bản nhiều lần như Từ vay hay dùng, Chữ xưa còn một chút này, Hôm nay phải mở mang. Và, cuốn sách Cổ mỹ từ được ra mắt để độc giả không chỉ tra cứu hay tham khảo, trau dồi vốn từ ngữ phù hợp, mà hoàn toàn có thể vừa đọc sách vừa thưởng thức những bức tranh minh họa tỉ mỉ của họa sĩ Lê Thư, như đã thể hiện cái “mỹ” của cổ mỹ từ, khiến cho từ ngữ trên trang sách sống động, đầy tinh thần cuộc sống.
Tác giả Nguyễn Thùy Dung hy vọng “mỗi lần mở sách, bạn đọc có thể cảm thấy tâm hồn mình được vỗ về bởi những điều đẹp đẽ”.
Nguồn: https://znews.vn/doc-co-my-tu-de-on-co-tri-tan-post1451551.html
You must be logged in to post a comment Login