Nhắc tới nhà thơ Quang Dũng, người đọc nhớ ngay đến bài thơ Tây Tiến nổi tiếng.
Ngoài thi phẩm trên, ông còn có một cuốn hồi ký mang tên Đoàn binh Tây Tiến, tái hiện rõ nét hơn những năm tháng vào sinh ra tử cùng Trung đoàn Tây Tiến (tiền thân là Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào – Việt).
Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Ảnh:NXB Kim Đồng. |
Ký ức của thế hệ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Cuốn hồi ký này được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành từ năm 1952, 5 năm sau khi tác giả rời xa Trung đoàn Tây Tiến.
Sau nhiều năm được gia đình lưu giữ cẩn thận, đến năm 2019, cuốn hồi ký đã được xuất bản.
Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng, người đang giữ gìn các di cảo của ông, chia sẻ: “Ban đầu, tôi định xuất bản cuốn sách đúng dịp 30 năm ngày mất của cha mình (1988-2018). Nhưng vì nhiều lý do khách quan, mãi tới năm 2019, sách mới được ra mắt”.
Tác phẩm cho chúng ta thấy tinh thần lạc quan trước muôn vàn gian khó và tình yêu cuộc sống lớn lao của những người lính Tây Tiến. Họ đại diện cho một thế hệ dám hy sinh thân mình vì dân tộc. Đúng như câu thơ mà nhà thơ từng viết: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
“Tôi muốn người đọc, nhất là các bạn trẻ, qua cuốn sách này, có thể cảm nhận được những gian lao của thế hệ cha ông, đã phải trải qua hơn 70 trước để giữ gìn bình yên cho đất nước. Cuốn sách không đơn thuần là tác phẩm văn học, Binh đoàn Tây Tiến còn như một ‘nhân chứng lịch sử’. Nó có một nhiệm vụ rất cao cả, đó là lưu giữ những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc”, chị Thảo nói.
Tình đồng đội, tình người qua mỗi trang viết
Chị Nguyễn Thúy Loan, biên tập viên của NXB Kim Đồng, người tham gia biên tập cuốn Đoàn binh Tây Tiến, tâm sự: “Tôi rất cảm động khi được làm việc với những trang di cảo của nhà thơ Quang Dũng. Đó không chỉ là hồi ký của một nhà thơ nổi tiếng, mà còn là ký ức của cả một thế hệ”.
Biên tập viên Thúy Loan cũng như những độc giả khác, mến mộ thơ Quang Dũng. Chị đã tìm hiểu và ít nhiều biết tới những thăng trầm cuộc đời mà nhà thơ tài hoa đã trải qua. “Tôi hiểu hành trình của những câu chữ ông viết tại Cổ Thành năm 1952 cho đến khi biên tập viên được đọc bản thảo là một chặng đường dài 67 năm với biết bao biến cố”, chị Thúy Loan nói.
Một bức ảnh kỷ niệm của nhà thơ Quang Dũng. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Trong di cảo, sau phần “Mấy lời nói trước cùng độc giả”, tác giả có phần “Thêm một vài dòng”. Qua đó, chúng tôi hiểu được tập hồi ký này từng có cơ hội được xuất bản, nhưng lý do nào đó mà việc in ấn không thành, bản thảo đành gác lại.
“Chính vì thế, sau sự xúc động và bùi ngùi, tôi thấy rất mừng vì NXB Kim Đồng được gia đình tin cậy, trao gửi tập di cảo này. Hiểu được giá trị của di cảo, chúng tôi, những người tham gia làm cuốn sách, đều bảo nhau cố gắng thực hiện công việc của mình tốt nhất”, chị Loan nói.
Bản thảo được viết tay, sau đó, chị Bùi Phương Thảo, một cô giáo dạy văn, rất yêu quý và hiểu cách viết của cha, đã cẩn thận đánh máy lại. Tuy nhiên, thời gian đã khiến cho nét chữ mờ, nhòe. Vì thế, một số tên người, địa danh hoặc những từ ngữ tiếng dân tộc thiểu số Tây Bắc, tiếng Lào, tiếng Hoa mà tác giả ghi phiên âm ra tiếng Việt có thể còn chút nhầm lẫn.
Ví dụ: “Sầm Nưa hay Sầm Nứa”, đâu mới là cái tên chính xác? “Trong quá trình biên tập bản thảo, anh Nguyễn Huy Thắng, nguyên Tổng biên tập NXB Kim Đồng, đã hỗ trợ và chia sẻ với chúng tôi rất nhiều”, chị Loan kể.
Tên cuốn sách được đổi từ Đoàn Võ trang Tuyên truyền biên khu Lào – Việt thành Đoàn binh Tây Tiến cũng là gợi ý của ông Thắng và được mọi người nhất trí.
Với sự mến mộ và tình cảm chân thành của người làm biên tập và cũng là người yêu thơ Quang Dũng, nội dung tác phẩm đã được giữ nguyên bản ở mức tối đa. Biên tập viên chỉ sửa một số từ cho đúng với chính tả hiện hành.
Cuốn sách đã được xuất bản, đến tay bạn đọc. Nó nhắc cho thế hệ sau nhớ những kỷ niệm của bộ đội Việt Nam cùng những người lính Pa Thét (Lào), những ngày sống gian khổ, khó khăn nhưng vẫn có niềm vui, tình anh em, đồng đội và hơn cả là tình người, tình đời thủy chung, son sắt.