Cuốn sách Einstein: Thiên tài và Thuyết tương đối. Ảnh: T.H. |
Sự vĩ đại của Albert Einstein lớn đến nỗi khi ông mất (18/4/1955), giới y học đã tiến hành giải phẫu bộ óc của ông để tìm xem có sự khác biệt nào trong cấu trúc não bộ không. Cũng từ thời điểm Einstein mất đến nay, người ta không ngừng viết về cuộc đời và sự nghiệp của Einstein với hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ.
Một trong những cuốn sách đó là Einstein: Thiên tài và Thuyết tương đối của Walter Isaacson – một người viết tiểu sử nổi tiếng, tác giả của các cuốn sách như Leonardo da Vinci, Tiểu sử Steve Jobs, Benjamin Franklin – Cuộc đời một người Mỹ…
Nhân tố cốt lõi làm nên sự vĩ đại của Einstein
Đọc Einstein: Thiên tài và Thuyết tương đối, độc giả sẽ dễ dàng nhận ra rằng bằng thủ pháp liệt kê sự kiện theo thời gian và lồng ghép tinh tế những khía cạnh các nhau trong đời sống của Einstein, Walter Isaacson đã ngầm mô tả những nhân tố cốt lõi làm nên sự vĩ đại trong cuộc đời, sự nghiệp của Einstein.
Nhân tố đầu tiên phải kể đến là tính cách khác biệt với đa số. Thuở nhỏ, Einstein được biết đến là một đứa trẻ chậm biết nói. Điều này khiến cha mẹ Einstein lo lắng và phải nhờ đến bác sĩ, người giúp việc trợ giúp. Chính người giúp việc đã gọi Einstein là “cậu bé ngốc nghếnh”, còn cô giáo của ông thì mỉa mai rằng ông sẽ “không làm nên trò trống gì”.
Nhưng, như một sự bù trừ của tạo hóa, việc chậm phát triển ngôn ngữ của Einstein khiến ông có thói quen suy nghĩ bằng hình ảnh hơn là bằng lời nói. Thói quen này trở thành phương pháp nghiên cứu, sáng tạo khoa học mà Einstein gọi là các “thí nghiệm tư duy”. Nó đã khiến ông “nhìn xa hơn đường chân trời”.
Bên cạnh đó, ông còn là một người có tư duy phản biện khoa học mạnh mẽ. Tính cách ương bướng thời niên thiếu đã khiến Einstein không được lòng các giáo viên suốt thời đi học. Ông nghi ngờ những gì người khác cho là đúng và tự mình đi tìm câu trả lời cho những khúc mắc đó. Thậm chí, ông còn nhìn ra những hạn chế trong các công trình khoa học của người đi trước để sáng tạo ra Thuyết tương đối.
Vậy tố chất thông minh của Einstein từ đâu mà có? Tác giả Walter Isaacson lý giải rằng một phần là do ông được giáo dục tốt (ông xuất thân từ một gia đình gốc Do Thái, sinh ra tại ngôi làng có danh tiếng là “làng của những nhà Toán học”. Cha và chú của Einstein làm chủ một công ty điện…).
Còn chàng sinh viên y khoa Talmud – khách mời của gia đình, là người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển năng khiếu Toán học của Einstein khi đã tặng cho Einstein bộ sách Khoa học tự nhiên cho mọi người của Aaron Bernstein – một nhà giáo dục nổi tiếng. Bộ sách khiến “Einstein chú ý đến đến mức hơi thở của cậu dường như bị cuốn đi bởi những kiến thức khoa học mà sách truyền đạt”.
Năng khiếu và sự giáo dục tốt khiến Einstein luôn đạt điểm cao trong môn Toán học ở trường. Bên cạnh đó, Einstein lại có những người bạn thân giỏi Toán học, Vật lý. Sau này, ông thừa nhận rằng ông trở thành người khổng lồ là do “đứng trên vai những người khổng lồ”.
Một minh họa thí nghiệm tư duy của Einstein về ánh sáng và sự giao thoa tương đối của nó từ các vật thể chuyển động. Ảnh trong sách. |
Giữ trí tò mò khi đối mặt với những bí ẩn lớn của vũ trụ
Einstein được biết đến là nhân vật có niềm đam mê sáng tạo khoa học. Trong cuốn Einstein – Thiên tài và Thuyết tương đối, Walter Isaacson đã mô tả niềm đam mê đó giống “một đứa trẻ mơ mộng luôn đắm chìm vào những hình ảnh tưởng tượng trong đầu”.
Khi còn trẻ, Einstein luôn ngạc nhiên và suy nghĩ về những gì xảy ra trong tự nhiên. Ông luôn tự hỏi: Đằng sau đường chân trời có gì? Tại sao kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc? Vũ trụ là gì? Lực hấp dẫn là gì? Điều gì xảy ra khi đuổi kịp ánh sáng?…
“Trong suốt cuộc đời mình, Einstein vẫn giữ được sự tò mò và trực giác của một đứa trẻ. Sau này khi về già, ông viết thư cho một người bạn kể rằng những người như ông không già đi mà thay vào đó sẽ giữ mãi trí tò mò như trẻ thơ khi đối mặt với những bí ẩn lớn của vũ trụ”, tác giả Walter viết.
Hơn 300 bài báo khoa học ông viết trên các tạp chí khoa học danh tiếng thời đó và hàng trăm buổi giảng và thuyết trình khoa học trong các hội nghị quốc tế đã chứng minh sức sáng tạo và niềm đam mê khoa học vô bờ bến của Einstein. Chỉ có cái chết mới khiến Einstein ngừng sáng tạo.
Điều vĩ đại của Einstein được ghi lại trong sách: “Trước khi đi vào giấc ngủ cuối cùng, Einstein đã kiên trì viết đến trang cuối cùng, lấp đầy nó từng dòng một bằng các phương trình Toán học với niềm hy vọng rằng ông có thể đẩy các dòng chữ này tiến gần hơn một chút đến định luật cơ bản làm nền tảng cho vũ trụ”.
Thuyết tương đối và giải Nobel Vật lý năm 1921 là kết quả không bàn cãi về tài năng vượt thời đại của Einstein. Nhưng trên tất cả, có lẽ nhân nhân sinh quan tiến bộ của Einstein được hình thành từ thuở ấu thơ cho tới khi trưởng thành mới làm nên sự vĩ đại ở ông.
Đặc biệt, phần cuối cuốn sách có đăng bài phát biểu chưa kịp công bố của Einstein về ngày độc lập của Israel.
Cuối cùng, cho dù cuộc hôn nhân đầu với người bạn học bị đổ vỡ và những cay đắng gặp phải trên con đường giành vị trí xứng đáng của mình trong ngành Vật lý học là Giải Nobel Vật lý, Einstein, dù đã rời xa thế gian này gần một thế kỷ, cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ nối tiếp.
You must be logged in to post a comment Login