Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh lớp 12B1 trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình), là thí sinh giành vị trí quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Điểm các môn thi của Nguyễn Thị Thu Hằng lần lượt là: Toán (9,2), Ngữ văn (8,25), Tiếng Anh (9,8), Vật lý (8,25), Hóa học (8,25), Sinh học (8). Nữ sinh chưa hoàn toàn hài lòng với kết quả này vì thấp hơn mục tiêu ban đầu đặt ra.
Quán quân theo học ngành Kinh doanh, Đại học Swinburne
Các môn thi trắc nghiệm Thu Hằng đã có dự tính từ trước, riêng môn Ngữ văn em đặt kỳ vọng cao hơn. Hằng hy vọng điểm văn được 8,5 trở lên, kết quả 8,25 khiến em thấy vọng.
“Em đã cố gắng làm đề Văn nhiệt tình nhưng điểm thi thật lại thấp hơn dự kiến 0,25 điểm, em hơi buồn một chút”, quán quân Olympia chia sẻ.
Quán quân Olympia chưa hài lòng với điểm thi của mình. Ảnh: NVCC. |
Bận rộn với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Thu Hằng vẫn dành thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, học thêm ngoại ngữ và các kỹ năng khác. Dù mục tiêu thi tốt nghiệp THPT không cao như thi Olympia, nữ sinh vẫn cố gắng cân bằng giữa các môn học, luyện giải đề.
Khi được hỏi về bí quyết ôn thi và làm bài thi, Thu Hằng khiêm tốn nói bản thân đạt điểm không quá cao nên ngại chia sẻ bí quyết cho mọi người. Cô gái chỉ khuyên các sĩ tử nên tập trung giải đề thường xuyên, xem thêm các video dạy học trên mạng.
Đặc biệt vào thời gian sát kỳ thi, sĩ tử cần phân bố thời gian học hợp lý, tránh ôm đồn, học dồn. Do những ngày cuối Thu Hằng học dồn liên tục, tâm lý em bị ảnh hưởng và chưa thể hiện tốt.
Dù kết quả không như mong đợi, gia đình nữ sinh không đặt quá nhiều áp lực. Sắp tới, Thu Hằng sẽ du học tại Australia.
Để chuẩn bị cho việc đi học xa nhà, Thu Hằng vẫn duy trì việc học ngoại ngữ, đọc thêm sách để trau dồi kiến thức và kỹ năng sống.
Trước khi chính thức ra nước ngoài, quán quân Olympia sẽ dành nửa năm học tại Đại học Swinburne Việt Nam để làm quen với môi trường quốc tế. Đặc biệt, tín chỉ của trường chi nhánh Việt Nam cũng được tính khi nữ sinh qua Australia. Điều này giúp em tranh thủ thời gian học tập.
Chia sẻ thêm với Zing, Thu Hằng muốn theo học ngành Kinh doanh của Đại học Swinburne. Dự định này bắt nguồn từ đam mê của cá nhân nữ sinh. Gia đình có truyền thống làm nghề giáo, cha mẹ định hướng Hằng trở thành giáo viên nhưng em vẫn muốn theo đuổi ước mơ của mình.
Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Thu Hằng ấp ủ dự định học lên thạc sĩ. Nữ sinh mong muốn được thử những ngành học mới để “va chạm” và trưởng thành hơn.
Sau khi cuộc thi kết thúc, cuộc sống của Thu Hằng trở về quỹ đạo bình thường. Mỗi ngày em đi học, ôn thi và vui chơi cùng bạn bè.
Nữ sinh hy vọng các thí sinh có mong muốn thi Olympia nói riêng và các sĩ tử thi tốt nghiệp THPT nói chung sẽ luôn “cháy” hết mình trong mọi cuộc đua.
Á quân Olympia hài lòng với kết quả thi
Sau một năm kể từ cuộc thi chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2020, cuộc sống của á quân Vũ Quốc Anh, học sinh trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk, không thay đổi quá nhiều. Nam sinh được biết đến, yêu quý nhiều hơn. Chính điều này trở thành động lực để Quốc Anh cố gắng trau dồi kiến thức và các kỹ năng để hướng tới các mục tiêu trong tương lai.
Vũ Quốc Anh đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân. Ảnh chụp màn hình. |
“Em xem đó là niềm vui và luôn tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng với tình cảm và sự tin tưởng của mọi người”, Quốc Anh tâm sự.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, ngoại trừ Ngữ văn (6,25), điểm thi các môn còn lại của Quốc Anh đều trên 8. Cụ thể: Toán (8,4), Lịch sử (8), Địa lý (8,5), Giáo dục công dân (10), Tiếng Anh (8,8).
Điểm thi không quá lệch với dự tính ban đầu, nam sinh khá hài lòng với kết quả này. Môn ngữ văn chỉ đạt 6,25, Quốc Anh khá tiếc vì chưa ôn kỹ bài thơ Sóng nên nên làm bài chưa được tốt.
Với môn Giáo dục công dân, Quốc Anh nhận xét hầu hết kiến thức trong đề thi đều có trong sách giáo khoa. Học sinh cần học kỹ và nắm vững kiến thức cơ bản, sau đó tìm hiểu và luyện thêm những dạng bài ở mức độ vận dụng thấp, vận dụng cao.
Khi làm bài, thí sinh cần chú ý đọc kỹ đề, đặc biệt ở các câu vận dụng cao, đề bài dài, nhiều nhân vật, dễ đánh lừa học sinh. Nếu còn thời gian, các bạn cần kiểm tra kỹ bài làm của mình.
Sắp tới, á quân Olympia sẽ theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Swinburne Việt Nam. Nam sinh dự định dành thời gian học thêm tiếng Anh và lập trình để phục vụ cho việc học ở trường đại học, đồng thời tham gia các hoạt động ngoại khóa và cuộc thi phù hợp với bản thân.
Olympia là động lực để hoàn thành tốt bài thi tốt nghiệp THPT
Văn Ngọc Tuấn Kiệt, học sinh lớp 12A1 trường PTTH Thị xã Quảng Trị, một trong bốn thí sinh tham gia chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2020, cảm thấy khá hài lòng với điểm thi của mình.
Điểm các môn thi của Tuấn Kiệt lần lượt là: Toán (9,2), Ngữ văn (7), Tiếng Anh (9,6), Vật lý (8), Hóa học (6,25), Sinh học (5,75). Nam sinh hài lòng nhất với môn Tiếng Anh vì đạt điểm cao như mong đợi. Riêng môn Vật lý, Kiệt cảm thấy bản thân chưa thể hiện tốt trong bài thi này.
Văn Ngọc Tuấn Kiệt (bên phải) được nhiều người biết đến sau trận chung kết Olympia. |
Đối với Tuấn Kiệt, lọt vào vòng chung kết năm của Olympia không phải áp lực, ngược lại nó là động lực để nam sinh nỗ lực hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau màn tranh tài ấn tượng tại Olympia, cuộc sống của Kiệt thay đổi theo chiều hướng tích cực. Em được nhiều người biết đến, quan tâm và thường xuyên hỏi han về tình hình học tập, định hướng tương lai.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tuấn Kiệt khuyên các sĩ tử cần cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi. Đặc biệt, những ngày gần thi, thay vì học dồn quá nhiều kiến thức, sĩ tử dần giảm bớt khối lượng bài vở để có thêm thời gian nghỉ ngơi, có đủ sức khỏe đi thi.