Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, tình hình điểm môn Tiếng Anh (môn chiếm số lượng lớn trong số lượng bài thi Ngoại ngữ) khiến nhiều người lo ngại.
Cô Nguyễn Phương Nhung, giáo viên trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), cho rằng phổ điểm hai đỉnh cho thấy sự phân hóa trình độ theo vùng miền. Theo cô, chất lượng giảng dạy Tiếng Anh, đặc biệt ở tỉnh miền núi, có nhiều quan ngại.
5 tỉnh xếp cuối đều là miền núi
Thực tế, thống kê dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy nhóm địa phương xếp cuối về điểm trung bình môn Ngoại ngữ rơi vào các tỉnh miền núi phía Bắc.
10 địa phương có điểm trung bình Ngoại ngữ thấp nhất và cao nhất. Ảnh: N.S. |
Trong đó, Hà Giang đứng cuối với điểm trung bình đạt 4,17, thấp hơn mức chung của cả nước 1,67 điểm (tính riêng môn Tiếng Anh).
Con số này ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng cũng không cao và đều thấp hơn điểm trung bình chung cả nước từ 1,33-1,46 điểm.
Điểm trung bình Ngoại ngữ của các địa phương này thấp là điều không gây ngạc nhiên khi số lượng bài thi đạt điểm dưới 5 chiếm số lượng lớn.
Tại Hà Giang, 73,76% thí sinh dự thi Ngoại ngữ nhận điểm dưới trung bình. Số lượng thí sinh đạt điểm Ngoại ngữ dưới 5 ở Cao Bằng chiếm 68,33% tổng số thí sinh dự thi. Con số này ở Hòa Bình là 71,5%, Sơn La gần 71,7% và Điện Biên khoảng 70,8%.
Mức chênh lệch giữa địa phương đứng đầu và đứng cuối ở điểm trung bình Ngoại ngữ khá lớn. Trong đó, Nam Định dẫn đầu cả nước (7,42 điểm), chênh tỉnh đứng cuối – Hà Giang – đến 3,25 điểm. TP.HCM đứng thứ 2 với 7,16 điểm và cao hơn Hà Giang 2,99 điểm.
Tiến bộ so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức chung
Năm ngoái, 5 tỉnh này cũng “đội sổ” môn Ngoại ngữ. Trong đó, Hà Giang xếp cuối, Sơn La và Hòa Bình đổi chỗ cho nhau và vị trí của Điện Biên, Cao Bằng được hoán đổi.
Điểm trung bình Ngoại ngữ năm nay của 5 tỉnh tăng so với năm ngoái, nhưng mức tăng nhỏ hơn so với trung bình chung cả nước. Mức tăng của Cao Bằng lớn nhất – 1,05 điểm. 4 tỉnh còn lại tăng từ 0,85-0,98 điểm
Xếp hạng của các tỉnh có sự thay đổi nhưng đều năm trong nhóm 5 địa phương có điểm trung bình thấp nhất trong cả hai năm. |
Trong khi đó, ở nhóm các địa phương có điểm trung bình Ngoại ngữ đứng đầu cả nước, điểm của Nam Định tăng mạnh từ 5,12 năm ngoái lên 7,42 năm nay, tức tăng đến 2,3 điểm. Ninh Bình cũng có mức tăng lớn không kém – 2,19 điểm, từ 4,87 lên 7,06.
Phổ điểm lệch trái nhiều
Ngoài ra, trong khi phổ điểm Tiếng Anh của cả nước có hình dạng hai đỉnh rõ rệt, phổ điểm Ngoại ngữ của 5 tỉnh trên lại có thiên hướng lệch trái nhiều hơn.
Tại Hà Giang, tuy số lượng điểm từ 9 trở lên cao hơn so với mức điểm 7-8 song sự chênh lệch không rõ ràng. Đỉnh cao nhất trong phổ điểm Ngoại ngữ của Hà Giang là 3 trong khi đỉnh trong phổ điểm Tiếng Anh chung cả nước là 4. Song đỉnh thứ 2 của phổ điểm lại rơi vào 9,4 điểm thay vì 9 điểm như phổ điểm chung.
Tương tự, phổ điểm của Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên cũng có sự gia tăng ở mức điểm cao nhưng sự khác biệt không rõ.
Trong khi đó, phổ điểm Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp đợt 1 có hai đỉnh với sự gia tăng rõ rệt của số lượng bài thi đạt điểm từ 8,4 đến 9,4 điểm.
Phổ điểm môn Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Ảnh: N.S. |
Trong đó, số lượng bài thi đạt 4 điểm lớn nhất, lên đến 29.505 bài thi, chiếm 3,4%. Đây cũng là đỉnh thứ nhất trong phổ điểm Tiếng Anh.
Đỉnh thứ hai của phổ điểm rơi vào mức 9 với 24.471 bài thi, chiếm 2,82% tổng số bài thi.
Thực tế, không chỉ riêng Ngoại ngữ, Hà Giang còn có điểm trung bình thấp nhất nước ở các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và đứng thứ 2 từ dưới lên ở môn Giáo dục Công dân.
Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên cũng nằm trong nhóm 5 địa phương có điểm trung bình môn Toán thấp nhất.