Năm 2010, Lý Thái Bách trở thành tâm điểm của truyền thông Trung Quốc khi đỗ kỳ thi Gaokao với số điểm 703. Với số điểm này, cậu được nhiều đại học trong nước săn đón, trong đó có hai trường hàng đầu là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.
Khi cả nước mong chờ sự lựa chọn của tân thủ khoa, Lý Thái Bách lại có hướng đi khiến mọi người bất ngờ. Thay vì nhập học “Thanh Hoa, Bắc Đại”, Lý Thái Bách quyết định nộp hồ sơ du học và bị 11 đại học hàng đầu ở Mỹ như Đại học Harvard, Đại học Yale, từ chối.
Chỉ sau một đêm, Lý Thái Bách từ “con nhà người ta” trở thành đề tài bị chỉ trích, bàn tán tại Trung Quốc. Nhiều người nói cậu là nạn nhân của nền giáo dục khuôn mẫu ở Trung Quốc, là tên mọt sách chỉ biết học, không có kỹ năng sống, theo Melbourne Today.
Lý Thái Bách từng bị 11 đại học Mỹ từ chối. Ảnh: Sohu. |
Cơn ác mộng của một thủ khoa
“Đứa trẻ này sách nào nó cũng đọc, sách về Triết học con đọc rất nhiều”, mẹ của Lý Thái Bách nói trên một chương trình truyền hình. Từ bé, chàng thủ khoa có nhiều sở thích như vẽ, chơi piano, sáng tác nhạc. Không chỉ học giỏi, Lý Thái Bách còn là lớp trưởng, đồng thời là chủ tịch hội học sinh của trường.
Hồi trung học, Lý Thái Bách là học sinh lớp thực nghiệm của trường Trung học Rendafuzhong, trường trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc. Lớp thực nghiệm là nơi đào tạo học sinh top đầu của trường nói riêng và thành phố Bắc Kinh nói chung.
Trong ấn tượng của ông Thẩm Hiến Chương, hiệu phó nhà trường, Lý Thái Bách là một học sinh toàn năng, học giỏi, ngoan ngoãn và có khả năng lãnh đạo tốt, trái ngược với lời đồn đoán “mọt sách”, “thiếu kỹ năng” từ dân mạng.
Sau vụ việc bị 11 trường đại học Mỹ từ chối, Lý Thái Bách rơi vào khủng hoảng vì không chịu nổi “trận đòn” này. Chàng trai tự nhốt mình trong phòng để tìm câu trả lời cho mình, nhưng điều này khiến cậu trở nên rối bời.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của cơn ác mộng dành cho một thủ khoa Gaokao.
Tin tức về Lý Thái Bách nhanh chóng lan truyền và thu hút sự chú ý của xã hội. Cậu vô tình trở thành đề tài nóng và khơi dậy sự tò mò của niều người. Kết quả, những lời đồn đoán vô căn cứ bắt đầu xuất hiện.
Có người nói rằng tân thủ khoa là tên mọt sách, có người nói cậu sính ngoại, xu nịnh người nước ngoài, một số khác lại nói gia đình của Lý Thái Bách bất thường nên nuôi dưỡng một đứa con không bình thường.
“Cậu ta bị từ chối chính là quả báo”, một người viết trên một diễn đàn mạng xã hội. Những lời bình luận gay gắt tràn lan khiến Lý Thái Bách không dám lên mạng. Điều này đều vượt quá giới hạn mà một học sinh trung học có thể chịu đựng.
Khi con trai hứng chịu hàng loạt lời ném đá từ dân mạng, cha mẹ Lý Thái Bách đã cố gắng động viên, giúp con vượt qua cơn khủng hoảng. Sau vài ngày “bế quan tỏa cảng” ở nhà, tân thủ khoa quyết định đối mặt với mọi chuyện. Cậu nhận thấy việc trốn tránh chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.
Chấp nhận thực tế, Lý Thái Bách quyết định chọn Đại học Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, để được vào Đại học Hong Kong, cậu phải học trước 1 năm tại Đại học Thanh Hoa. Phía Đại học Hong Kong hứa hẹn sẽ trao học bổng toàn phần trị giá 640.000 USD nếu nam sinh đạt thành tích xuất sắc.
Trong 1 năm học tại Thanh Hoa, Lý Thái Bách tận dụng mọi thời gian rảnh để học và rèn luyện bản thân. Kết quả, cậu được nhận vào Đại học Hong Kong với suất học bổng toàn phần như trường đã hứa hẹn trước đó.
Cảm thấy may mắn vì bị từ chối
Sau khi vào Đại học Hong Kong, Lý Thái Bách vẫn không quên mục tiêu ban đầu của mình là tập trung vào việc học. Cậu hy vọng có thể cống hiến cho công nghệ để góp phần giúp đỡ, thay đổi cuộc sống của con người.
Sau 2 năm học tập, làm việc chăm chỉ, đến năm 2012, Lý Thái Bách nhận được lời mời từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Theo 163, MIT là một trong những trường năm đó từ chối Lý Thái Bách.
Nam sinh mất 2 năm để biến sự cười nhạo của mọi người thành lời khen ngợi, chúc mừng. 2 năm không quá dài, nhưng đối với Lý Thái Bách, đó là quãng thời gian không thể quên.
Khi đối diện với câu hỏi của Sina: “Bạn nghĩ gì về việc bị từ chối cách đây 2 năm?”, Lý Thái Bách thẳng thắn trả lời: “Tôi cảm thấy biết ơn vì bị từ chối. Nếu năm đó tôi không bị từ chối, rất có thể sẽ không có tôi của hiện tại”.
Cú sốc năm 18 tuổi khiến Lý Thái Bách trở nên vững vàng hơn. Sau khi đến Mỹ, cậu tiếp tục học tập và lấy bằng thạc sĩ kép về Kỹ thuật điện tử và Khoa học máy tính tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, chàng thủ khoa năm nào cảm thấy không còn hứng thú với ngành Khoa học máy tính nên quyết định chuyển hướng học Y khoa. Cậu tiếp tục nộp hồ sơ vào 17 trường đại học, hơn một nửa trong số đó gửi giấy báo nhập học.
Đặc biệt, Đại học Columbia, Đại học Pennsylvania và Đại học Harvard, những trường từng từ chối Lý Thái Bách năm 2010, nay đã mở rộng cánh cửa chào đón nam sinh.
Tuy nhiên, lần này Lý Thái Bách đã có lựa chọn cho riêng mình. Mùa thu năm 2017, cậu đăng bài trên trang cá nhân, thông báo mình sẽ đến Đại học Johns Hopkins để lấy bằng tiến sĩ kép về Y học và Triết học.
Đại học Johns Hopkins là cơ sở giáo dục đại học nổi tiếng thế giới. Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tại đây mỗi năm chỉ tuyển 120 người, 10 người trong số đó được phép tham gia khoa đào tạo kép, tỷ lệ chấp nhận sinh viên quốc tế rất thấp.
Lý Thái Bách được Đại học Johns Hopkins nhận, được tham gia chương trình đào tạo kép. Trong thời gian học tại đây, cậu xuất bản thành công nhiều bài báo học thuật trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature Methods.
Sau 11 năm, Lý Thái Bách từ kẻ thất bại trong mắt mọi người đã trở thành nghiên cứu sinh ưu tú được nhiều đại học lớn săn đón. Thất bại khiến kẻ yếu bỏ cuộc, nhưng lại là bàn đạp cho một số người để mạnh mẽ vươn lên.
Đối với Lý Thái Bách, lời từ chối của 11 trường đại học năm xưa chính là bàn đạp, là động lực lớn nhất để cậu vượt qua nỗi sợ của bản thân, vượt qua lời chỉ trích của dân mạng và tìm thấy tương lai tốt đẹp hơn.