Theo PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Y Hà Nội, mỗi nhóm ngành của trường, điểm chuẩn sẽ tăng từ 2-3 điểm so với năm 2019.
Điểm chuẩn tại Thanh Hóa thấp hơn Hà Nội 2 điểm
– Căn cứ phổ điểm tốt nghiệp THPT 2020 và chỉ tiêu tuyển sinh, ông dự báo như thế nào về điểm chuẩn ngành Y đa khoa?
– Theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp 2020, số thí sinh có điểm theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) đợt thứ nhất, có 852 em điểm từ 28 trở lên, chưa cộng điểm khu vực và ưu tiên đối tượng. Số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên hơn 7.000 em.
Xu hướng điểm chuẩn Y đa của ĐH Y Hà Nội cũng như cả nước đều tăng. Kinh nghiệm cho thấy học sinh từ miền Trung trở ra, nếu điểm khối B cao muốn học ngành Y thì chọn Y khoa Hà Nội. Học sinh ở phía Nam chọn Y Dược TP.HCM.
Với tốp 852 em từ 28 điểm trở lên chưa cộng điểm ưu tiên, khả năng trúng tuyến vào ngành Y khoa Hà Nội phải 28 điểm trở lên, cộng với điểm khu vực là tiệm cận với mốc điểm 29.
PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Y Hà Nội. Ảnh: Phương Lan/ Đại Đoàn Kết. |
– Cách đây 2 tuần, ĐH Y Hà Nội đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng. Đến thời điểm này, bao nhiêu thí sinh xác nhận nhập học?
– Chúng tôi công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của trường và cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Chậm nhất ngày 15/9, trường sẽ cập nhật danh sách xác nhận nhập học theo diện tuyển thẳng. Chúng tôi dành 25% chỉ tiêu của các ngành đào tạo cho xét tuyển thẳng, tuy nhiên số thí sinh đáp ứng yêu cầu không cao.
Ngày 28/9, chúng tôi nhận được 40 hồ sơ cho ngành Y đa khoa, chỉ tiêu là 400 (có dành một số chỉ tiêu cho việc thi lần 2 của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19). Như vậy, còn 360 chỉ tiêu ngành Y đa khoa đào tạo tại Hà Nội.
– Thưa ông, năm nay, điểm chuẩn của phân hiệu ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa dự báo có chênh lệch như thế nào so với Hà Nội?
– Trong đề án tuyển sinh, chúng tôi đã thông báo cụ thể, chi tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT. Việc tuyển sinh đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa được phép thấp hơn so với cùng ngành đào tạo tại Hà Nội không quá 3 điểm.
Trên thực tế, điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa ở phân hiệu Thanh Hóa thấp hơn ở khu vực Hà Nội ở mức 2-2,5 điểm. Năm nay, điểm chuẩn chênh lệch giữa các ngành và trong cùng một ngành ở hai khu vực không quá lớn. Dự đoán, mốc chênh lệch 2 điểm trở lại.
Mặc dù điểm trúng tuyển ở phân hiệu thấp hơn cơ sở chính, thực tế cho thấy kết quả đào tạo không khác biệt lớn. Tốp đầu sinh viên đều có ở phân hiệu. Văn bằng tốt nghiệp không có sự phân biệt. Chúng tôi hy vọng những em chưa đạt được điểm cao nhất, chưa thể học Hà Nội, có thể đăng ký vào phân hiệu là lựa chọn tốt.
Khả năng dùng tiêu chí phụ
– Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng điểm chuẩn vào ĐH Y Hà Nội tăng mạnh. Ngoài nguyên nhân điểm thi cao còn do năm nay ĐH Y Hà Nội vẫn chưa tăng học phí. Trong khi đó, ĐH Y Dược TP.HCM bắt đầu tăng học phí do lộ trình thực hiện tự chủ. Ông có chia sẻ gì về suy nghĩ này?
– Trong nhóm ngành của các khối ngành Y khoa, Dược nói chung, việc tăng học phí cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường của các em.
Thực tế, nhiều trường đã tăng học phí từ lâu. Y Dược Cần Thơ khi thí điểm tự chủ đại học thì mức học phí đã tăng.
– Nhiều chuyên gia cho rằng số lượng thí sinh có cùng một ngưỡng điểm cao năm nay rất lớn. Nếu như có quá nhiều thí sinh cùng đạt một mức điểm chuẩn, ĐH Y Hà Nội có sử dụng tiêu chí phụ không?
– Trong vòng 3 năm trở lại đây, khi công bố điểm thi của tổ hợp xét tuyển, làm tròn 2 chữ số thập phân, sự khác biệt đến 0,01 điểm không lớn lắm. Do đó, ưu tiên thứ 2 của nhà trường là thứ tự nguyện vọng.
Ví dụ, những người cùng đạt điểm như nhau 28,75 nếu nguyện vọng 1 thì được ưu tiên hơn nguyện vọng 2, chúng tôi xét lần lượt theo thứ tự nguyện vọng.
Các bạn thấy có cơ hội trúng tuyển nhưng ở mức thấp sẽ phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn nguyện vọng 1. Cùng điểm nhưng nguyện vọng khác nhau, cơ hội trúng tuyển khác nhau. Thí sinh nên mạnh dạn chọn nguyện vọng yêu thích lên số 1 phù hợp với số điểm mình có.