Những người dân ở Ấn Độ đang rời đi khỏi nơi sinh sống vì đại dịch Covid-19. Ảnh: Brookings. |
Thế giới của ngày mai không chỉ đầy rẫy những con người di động mà còn được xác định bởi tính di động của tất cả mọi thứ. Ai cũng có một chiếc điện thoại di động, đồng nghĩa với việc họ có thể tiếp cận thông tin liên lạc, Internet, tư vấn y tế và tài chính ở bất cứ đâu; sẽ chẳng có ai đến “ngân hàng” nữa.
Cả việc lao động lẫn học tập đều chuyển sang trực tuyến; số lượng người du mục kỹ thuật số sẽ tăng vọt. Ngày càng có nhiều người sống trong những ngôi nhà di động và những dạng nhà ở có thể di chuyển khác.
Ngay cả những khoản đầu tư “cố định” cũng đã trở nên có thể thay thế được: Chúng ta có thể in 3D các tòa nhà, thiết lập nhà máy và bệnh viện ở bất cứ đâu, tạo ra điện từ năng lượng Mặt trời hoặc những nguồn năng lượng tái tạo khác và có máy bay không người lái giao cho chúng ta bất cứ thứ gì mình cần.
Khi chúng ta di chuyển, chuỗi cung ứng cũng sẽ di chuyển: Lao động và vốn có thể chuyển dịch liên tục đến vùng đất mới, tạo ra những khu vực địa lý mới giàu năng suất. Tính di động là lăng kính để nhìn nhận nền văn minh tương lai của chúng ta.
Khái niệm di động là sự kết hợp giữa vật chất và triết học. Nó làm dấy lên những câu hỏi như: Tại sao chúng ta lại đang di chuyển, và những sự di chuyển đó tiết lộ điều gì về nhu cầu và mong muốn của chúng ta? Sau đó, có những câu hỏi chính trị và pháp lý cần được giải đáp: Ai được phép di chuyển? Chúng ta phải đối mặt với những hạn chế nào trong việc di chuyển và tại sao? Và cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, có những câu hỏi mang tính quy chuẩn: Mọi người nên đi đâu? Cách phân bố con người tối ưu trên khắp thế giới là gì? Di chuyển cũng là một trải nghiệm vô hình và thuộc về tinh thần.
Hãy dừng lại một chút và trân trọng mức độ dễ dàng trong việc di chuyển mà cơ thể này ban cho chúng ta. Di chuyển kích thích sự sáng tạo, quá trình chứng kiến những lối sống xích lại gần nhau.
Các triết gia như John Dewey đã suy ngẫm về tính thẩm mỹ của việc di chuyển tự do cả trong môi trường tự nhiên lẫn xã hội, lập luận hùng hồn rằng sự tương tác đó đã thấm nhuần ý nghĩa vào cuộc sống. Walter Benjamin đã dành một thập kỷ để suy ngẫm về tầm quan trọng của những mái vòm bằng kính được xây dựng vào giữa thế kỷ 19 ở Paris và những kẻ bộ hành lãng mạn (flâneurs) mà chúng mời gọi. Di chuyển đồng nghĩa với tự do.
Đối với hàng tỉ người, tính di động liên tục đang trở thành chuẩn mực. Việc dịch chuyển tự nó có thể trở thành một mục tiêu: Một người không chỉ di chuyển; một người lúc nào cũng đang di chuyển. Nhưng có lẽ, khi di chuyển, chúng ta sẽ khám phá lại được ý nghĩa của việc làm người.
Hầu hết nhân loại chưa bao giờ vượt qua biên giới. Ngay cả ngày nay, hầu hết mọi người đều sống cả đời ở đất nước nơi họ sinh ra – nhưng điều đó không có nghĩa là họ không phải là người di cư. […]
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organization of Migration – IoM), số người di cư trong nước cao gấp khoảng ba lần số người di cư quốc tế.
Con số đó bao gồm những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự bứt rễ. Ước tính khoảng 40 triệu người di cư trong nước (internally displaced peoples – IDP), chủ yếu là do bạo lực chính trị nhưng cũng do biến đổi khí hậu nữa, những người theo định nghĩa đã buộc phải di cư trong nước. Vai trò của những người di cư này trong câu chuyện về những người đang di chuyển cũng quan trọng không kém những tín đồ xê dịch quốc tế.
Có thể cho rằng nguyên nhân gây ra làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử nhân loại vốn đã và đang diễn ra trong nhiều thập kỷ qua chính là quá trình đô thị hóa bên trong các quốc gia.
You must be logged in to post a comment Login