Xuất hiện ở khách sạn Kingston (quận 1, TP.HCM), nữ ca sĩ Khánh Ly trông trẻ hơn nhiều so với tuổi (bà sinh năm 1945), duyên dáng và không chút đỏm dáng, bà trải lòng với người đối diện không chút giấu giếm pha lẫn chút hài hước và rất khiêm tốn…
Với Đà Lạt…
Bà nói: “Ngày mai tôi mới thực sự được trở về với Đà Lạt (lần trước có ghé qua được vài tiếng) nên tôi rất náo nức lẫn hồi hộp, những kỷ niệm với Đà Lạt cứ đan xen, ùa về trong ký ức…
Nơi đó tôi đã sống 5 năm với mẹ, bố dượng và các anh chị em. Nhà tôi ngày xưa ở Chi Lăng, đường đi hồ Than Thở, tôi học trường Phan Chu Trinh (ngôi trường này nay đã không còn), đi lễ nhà thờ Con Gà… Tôi nhớ những con dốc, nhớ những chuyến xe lam (Lambretta), nhớ hồ Xuân Hương, nhà Thủy Tạ, đồi Cù, Palace Hotel…
Tôi nhớ hồi nhỏ mình rất mê hát, cái gen của bố tôi. Chưa đầy mười tuổi tôi đã mất bố nhưng trong ký ức thơ ngây của tôi vẫn còn nhớ bố thường ôm cây đàn mandoline, vừa đàn vừa hát những bản Chiều vàng (Nguyễn Văn Khánh), Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong)… Hồi chiến tranh Nhật – Pháp, gia đình chúng tôi phải tản cư, bố cho tôi ngồi trên cổ, vừa chạy loạn vừa hát…
Cho nên khi sống với mẹ và bố dượng ở Đà Lạt, tôi luôn làm trái lại những điều được dạy, một tâm thức luôn phản kháng.
12 tuổi, tôi một mình “quá giang” xe chở bắp cải từ Đà Lạt về Sài Gòn dự một cuộc thi hát… nhớ những trận đòn của bố dượng, nhưng tôi lì lợm nhất quyết không khóc trước mặt ông, chỉ sau đó mới trèo lên cây trứng cá khóc một mình (bố dượng tôi là anh ruột ông Đổng Lân, chồng nữ diễn viên Thanh Nga, cho nên tôi gọi Thanh Nga bằng thím)…
Hồi tôi xa Hà Nội, mới 9-10 tuổi nên chưa ấn tượng gì lắm. Vừa rồi tôi có dịp về hát ở Hà Nội, thấy Hà Nội đẹp lắm và sẽ là kỷ niệm với tôi trong tương lai, còn Đà Lạt đã gắn bó với tôi quá nhiều kỷ niệm, tôi thèm về Đà Lạt, đi bộ tha thẩn trên những ngọn đồi, tìm một gốc thông nào đó để nằm ngửa mặt nhìn trời…
Với Trịnh Công Sơn…
Đà Lạt cũng là nơi tôi khởi đầu nghiệp ca hát ở phòng trà Anh Vũ và quan trọng nhất – đây chính là nơi “định mệnh” để tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp nhau, để rồi qua nhạc của Trịnh Công Sơn tôi được công chúng biết đến và đón nhận.
Phải nói ngay là nếu không có tôi thì vẫn sẽ có những ca sĩ khác hát nhạc Trịnh Công Sơn, và nếu không có tôi thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn sẽ nổi tiếng…
Chỉ là định mệnh đã đưa đẩy chúng tôi gặp nhau vào đúng thời điểm, nhạc ông Sơn quá hay và tôi yêu những bài hát đó. Yêu đến nỗi đang có mức thu nhập nhất định ở phòng trà Anh Vũ, tôi bỏ hết, theo ông Sơn về Sài Gòn đi hát cho sinh viên nghe, chẳng có đồng thù lao nào cả nhưng đó là những tháng ngày đẹp nhất của chúng tôi.
Dạo ấy, Trịnh Công Sơn và đám bạn của ông ấy dễ thương vô cùng, tôi nhập vào đám ấy – chỉ mình tôi là phụ nữ nhưng chỉ đơn thuần là đi Khánh Ly và Trịnh Công Sơn hát, chẳng “dính” vào một ông nào.
Hình ảnh Khánh Ly thời trẻ và Trịnh Công Sơn. Ảnh: NSX. |
Vậy mà chúng tôi vẫn giữ được một tình bạn thủy chung… Ai mà nói tôi và Trịnh Công Sơn là người tình là sai hoàn toàn, nói như thế thì… tội nghiệp cho ông Sơn vì đi yêu một người đàn bà… quá xấu!
Với tôi, thú thực Trịnh Công Sơn không chỉ là một người bạn, một người thầy mà còn là một người cha. Hồi tôi mới qua Mỹ, công việc làm thuê của tôi là… đi chùi WC, lúc đó tôi chỉ muốn có một công việc lương thiện mà kiếm sống, nuôi chồng nuôi con, chẳng ai còn biết tới “Khánh Ly, khánh chén” gì…
Vậy rồi khi có cơ hội, tôi đi hát trở lại, vẫn nhạc Trịnh Công Sơn – chỉ với 10 bài nhạc Trịnh cũng đủ nuôi bản thân, nuôi chồng, nuôi con trong suốt 40 năm. Điều đó chứng tỏ cộng đồng người Việt ở Mỹ vẫn yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn đến chừng nào…
Tôi về Việt Nam và cảm nhận được tình cảm bà con dành cho tôi. Tôi trân trọng tình cảm ấy và nghĩ đó là nhờ Trịnh Công Sơn, công chúng yêu nhạc Trịnh nên cũng yêu mến giọng hát của tôi. Nếu không có ông Sơn chắc chắn tôi sẽ không được như vậy, mặc dù ngoài nhạc Trịnh tôi còn rất thích hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Lam Phương…
Với khán giả yêu nhạc Trịnh, tôi ao ước được hát phục vụ họ ở những nơi công cộng không “đóng hộp”, như ở các sân trường đại học chẳng hạn bởi vì có những khán giả lớn tuổi không còn thích hợp với không khí ở rạp hát, phòng trà…
Hôm thứ sáu (11/9/2015) tôi có đến Đại Chủng viện thánh Giu-se (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) để cảm ơn Đức Hồng y đã ban phép lành trong việc đưa di cốt chồng tôi về quê hương. Bất ngờ, ở hội trường Đại Chủng viện đã tập trung gần 200 thầy chủng sinh để chào đón và chờ… nghe tôi hát. Tôi đã hát trong nỗi xúc động trào tràn…