Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về động lực chơi bóng và thử thách của Dennis Bergkamp trong những buổi tập lẫn khi thi đấu cho Arsenal ở chương 13 trong cuốn tự truyện có tên “Sự tĩnh lặng và tốc độ” (Stillness and Speed).
Bạn phải đặt ra mục tiêu cho bản thân mình. Và một khi bạn có nó, bạn muốn bước tiếp và tiến xa hơn. Bạn cần tiếp tục cao và cao hơn nữa, và do đó không bao giờ là đủ tốt cả. Bạn muốn sự hoàn hảo. Nó không bao giờ đủ tốt nhưng nó trong tầm tay bạn. Bạn leo lên một ngọn núi và thấy một ngọn núi cao hơn. Và tôi muốn chinh phục nó.
Đó có lẽ là những gì con người có. Nhưng tôi thích những gì mà anh nói rằng đó là một niềm đam mê – đôi khi xuất phát từ linh hồn phải không? Nó sâu hơn thế. Trong khi tham vọng, vì tiền hay vì bất cứ thứ gì, thì thận trọng hơn. Nó có thể làm hài lòng. Nhưng đam mê thì không, bạn phải tiếp tục, bạn muốn chộp lấy nó. Bạn làm một việc gì đó khó khăn, luôn luôn làm việc khó khăn và sau đó bạn phải làm những việc tiếp theo nữa”.
Sự nghiệp của Dennis Bergkamp đã thay đổi kể từ khi chuyển sang Arsenal. |
Động lực của Bergkamp
Vì đó sẽ là một sự phản bội từ sâu thẳm nhất bên trong anh nếu không làm như thế?
“Đúng”.
Arsene Wenger có quan điểm thú vị về điều này. Ông nói: “Đó là một thứ thuộc về tinh thần. Tôi tin là như thế. Tôi tin rằng có hai loại cầu thủ bóng đá. Đó là những người muốn phục vụ bóng đá giống như bạn phục vụ Chúa và họ đặt bóng đá cao đến mức mọi thứ không gắn với bóng đá gần như là không thể chấp nhận được.
Bạn có những người coi bóng đá như là để phục vụ cái tôi của họ. Đôi khi cái tôi đó có thể gây cản trở cho trận đấu vì mối quan tâm đến bản thân mình của họ đến trước mối quan tâm với trận đấu. Đôi khi một cái tôi lớn có liên hệ với thứ mà chúng ta gọi là cá tính mạnh mẽ, uy tín. Nhưng hầu như những gì mà mọi người gọi là uy tín thì chỉ là một cái tôi lớn.
Tôi tin rằng Bergkamp là một trong những người có tư duy sâu sắc về bóng đá và sự tôn trọng với bóng đá đến nỗi cậu ấy muốn điều đó phải đặt trên tất cả mọi thứ. Tôi tin những cầu thủ thực sự xuất sắc được chỉ dạy nên chơi bóng như thế nào chứ không phải là nên phục vụ bóng đá như thế nào. Nếu nó trở thành một thứ thuộc về tinh thần thì nó là mãi mãi và bạn luôn có động lực để vươn cao hơn và gần hơn với thứ bạn nghĩ là bóng đá”.
Sau đó, Wenger đưa ra ví dụ về một cầu thủ biết anh ta phải chuyền bóng nhưng lại quyết định liều lĩnh và ghi bàn. “Nếu anh ta thực sự yêu bóng đá, anh ta sẽ trở về nhà và lo lắng về điều đó. Anh ta biết mình đáng nhẽ ra nên chuyền bóng để tạo ra một cơ hội ngon ăn cho người khác. Nhưng anh ta là một người ích kỉ và đã gặp may. Nếu anh ta không quan tâm tới bóng đá, anh ta sẽ về nhà và nghĩ: Thật tuyệt, tôi sẽ lại làm như thế trong trận đấu tiếp theo”.
Và ông nói đó là sự khác biệt. “Đó là lý do bạn phải dạy những đứa trẻ hãy tôn trọng bóng đá và coi bóng đá như một thứ tôn giáo, nó ở trên bạn và bạn muốn phục vụ trận đấu”.
Dennis Bergkamp là nhân tố chính trong kế hoạch xây dựng lối chơi cho Arsenal của HLV Arsene Wenger. |
Anh muốn nói gì về điều này với Wenger?
Bergkamp: “Tôi nhớ khi Wenger nói chuyện với các cầu thủ, đôi khi ông ấy bảo: ‘Ôi không, cậu ấy không yêu bóng đá’. Đây là một tuyên bố khá hùng hồn của ông ấy. Nhưng tôi biết chính xác ý ông ấy là gì. Có những cầu thủ ngay khi mà tiếng còi kết thúc buổi tập vang lên… boom!… Họ đi vào trong, thay đồ, bước ngay vào ô tô và đi khỏi.
Nhưng nếu là người thực sự yêu bóng đá, anh ta sẽ ở lại để luyện tập thêm. Và không chỉ có các cầu thủ. David Dein và Massimo Moratti cũng là những người thực sự yêu bóng đá. Ở Arsenal luôn có những cầu thủ như thế, 8 hay 9 người, ở lại để luyện tập thêm. Và tôi đảm bảo, nếu bạn làm như thế bạn sẽ trở thành một cầu thủ giỏi hơn”.
Bergkamp luôn yêu thử thách
Tôi thích ý tưởng của một nhóm nhỏ những con người xuất chúng là tất cả cạnh tranh và thúc đẩy lẫn nhau. Các nghệ sĩ và trí thức ở Florence thế kỷ XV đã làm thế và cho chúng ta thời kì Phục hưng. Ở Arsenal, anh là một phần của “The Invincibles”. Vì thế tôi đang tưởng tượng nhóm cầu thủ này, tất cả họ đều là tài năng, có lẽ đôi khi là đối thủ và tất cả kích thích, khơi gợi lẫn nhau. Tôi đoán rằng để thi đấu tốt trong đội bóng này, anh phải là một trong những cầu thủ ở lại sau buổi tập phải không?
“Vâng, đúng. Tôi nằm trong số đó”.
Và những người thích về nhà ngay lập tức là ai?
“Cuối cùng thì, vâng. Tôi phải nói rằng tôi không thực sự nhớ được ai với ai và có những cầu thủ có lúc ở lại có lúc không… nhưng luôn có 8 hay 9 cầu thủ tham gia nhóm ở lại”.
Freddie Ljungberg có ở lại không?
“À, có. Và Thierry Henry luôn ở lại. Robert Pires ở lại. Những người khác ở lại và tập gym, cũng là một cách tập luyện”.
Và các anh cạnh tranh với nhau?
“Đúng thế. Đó là một trong những thứ để tạo nên một đội bóng thành công. Nhưng tôi thích thứ mà anh nói là thúc đẩy lẫn nhau, thử thách lẫn nhau, trong tập luyện cũng thế”.
Đỉnh cao trong sự nghiệp huấn luyện của Arsene Wenger là chức vô địch Premier League mùa giải 2003/04 với thành tích bất bại. |
Bob Wilson từng nói phương pháp cũ của bóng đá Anh là dạy các cầu thủ trẻ chuyền đơn giản để người nhận có thể xử lí dễ dàng. Nhưng anh khó chịu với điều đó. Khi anh đến Arsenal, anh đã nói với mọi người: Đừng chuyền cho tôi những đường chuyền nhạt nhẽo như thế này, hãy chuyền bóng nhanh và khó cho tôi vì tôi có thể xử lý tất cả những đường bóng đến chỗ mình và chơi nhanh hơn tức là chơi tốt hơn. Vào thời điểm Pires và Ljungberg ở trong đội một vài năm trước, bóng được chuyền dài và ở đẳng cấp cao hơn nhiều.
“Đúng, họ luôn chuyền cho tôi những đường chuyền mạnh mẽ vì tôi muốn thử thách bản thân mình với việc kiểm soát một đường bóng khó. Bạn phải không ngừng thúc đẩy và thử thách lẫn nhau. Giống như bạn kiểm tra tốc độ và sức mạnh của mình trước Sol Campbell. Cậu ấy là đồng đội của bạn nhưng trong lúc luyện tập thì là đối thủ.
Nếu bạn có thể đánh bại Campbell, còn ai ở Premier League mà bạn không thắng nổi? Và nếu cậu ấy ngăn được tôi hay Thierry Henry lại, ở Premier League còn ai mà cậu ấy không ngăn được? Đó chính là thử thách: luôn luôn cố gắng cải thiện bản thân mình. Nhưng nó chỉ có hiệu quả khi mọi người cống hiến 100% khả năng. Giống như các thủ môn cố gắng tập luyện vậy.
Những pha xử lý bóng của Dennis Bergkamp thường được mô tả là “hoàn hảo”. |
Ở Inter, họ không cố gắng và đó là điều thật đáng thất vọng. Nhưng còn Jens Lehmann? David Seaman? Tuyệt vời! Jens không thể chịu được một cú dứt điểm vượt khỏi cậu ấy. Và nếu tôi cố gắng lốp bóng qua David Seaman… woaah! Nếu tôi làm được, đó sẽ là một bàn thắng tuyệt vời và anh ấy sẽ nói: ‘Tuyệt, tốt lắm’.
Nhưng nếu tôi không thành công, anh ấy sẽ cầm bóng và sút nó đi xa! Anh ấy sẽ đá nó đi xa và nói ‘Lấy nó đi!’ và tôi sẽ phải đi lấy bóng. Seaman là một người dễ thương – nhưng không phải trong lúc thi đấu. Đó là động lực của anh ấy: ‘Cậu sẽ không thể nào lừa được tôi đâu! Giờ thì lấy bóng đi!’. Tôi yêu thái độ đó”.