Để lại tuổi thơ đằng sau, người trẻ cần làm gì để bước vào đời sống của người lớn và được xem là trưởng thành?
Học một nghề, tập quản lý tài chính, trở nên “biết suy nghĩ” hơn, có lẽ là những câu trả lời phổ biến từ gia đình và xã hội mà người trẻ hay nhận được.
Nhưng với nhiều nhà tâm lý học phát triển, những bài tập kia chỉ là bề nổi. Vậy những điều gì mới thực sự quan trọng và vai trò hỗ trợ của gia đình nên như thế nào?
Xin giới thiệu với bạn đọc bài của tác giả Đặng Hoàng Giang, được trích từ cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, do Nhã Nam mới phát hành.
Mang tính nền tảng hơn những điều như có thu nhập riêng hay lập gia đình, trong quá trình trưởng thành, người trẻ cần giải quyết 3 vấn đề cơ bản:
Trưởng thành về cảm xúc, thông qua việc xây dựng cho mình năng lực cảm xúc; phát triển khả năng suy ngẫm về phải trái, đúng sai; xác định căn tính riêng của mình, trong đó việc tách rời khỏi cha mẹ, trở thành cá thể độc lập, là yếu tố cơ bản.
Nhưng những điều gì ẩn chứa đằng sau những khái niệm kia, và vai trò của gia đình ở đâu?
Năng lực cảm xúc
Có những người gặp khó khăn để diễn tả nội tâm của mình. Họ không biết mình đang bị căng thẳng vì lo lắng, tổn thương hay tức giận, hay vì cả ba điều này. Họ chỉ thấy mình đang “sắp phát điên”.
Ngược lại, những người tinh tế có thể ý thức được những cảm xúc chồng chéo bên trong mình, nhận ra thời điểm chúng tới và khoảnh khắc chúng ra đi.
Đây là đặc điểm đầu tiên của năng lực cảm xúc: Cá nhân có khả năng đi vào trong bản thân và nhận diện được quang cảnh tình cảm của mình.
“Tôi vui vì được ở với bố, nhưng buồn vì chỉ được gặp mẹ vào cuối tuần”, một đứa trẻ có năng lực cảm xúc phát triển có thể nắm bắt, gọi tên những mâu thuẫn trong mình như vậy.
Có nhiều nguồn tác động tới năng lực cảm xúc của người trẻ: Môi trường xã hội, trường học, bạn bè, gen, nhưng cha mẹ được cho là một trong những nguồn quan trọng nhất.
Đặc điểm quan trọng thứ hai của năng lực cảm xúc là khả năng đi vào người đối diện, dựa vào những biểu cảm của họ và bối cảnh mà nhận biết và diễn giải được cảm xúc của họ. Khuôn mặt kia, ngôn ngữ cơ thể đó đang toát ra những điều gì và nguyên do gì nằm sau chúng?
Mặt khác, hiểu được sự vận hành cảm xúc của người khác cũng giúp người ta ý thức được về tác động của mình tới người kia, qua đó điều chỉnh các biểu đạt của mình cho phù hợp.
Một thực khách có thể vẫn khen món ăn của chủ nhà dù mình không thực sự thích, để người kia không bị tổn thương một cách không cần thiết.
Ngược lại, người vô cảm thiếu khả năng đoán nhận được tác động của các hành vi hay lời nói của mình tới phong cảnh cảm xúc của người đối diện.
Năng lực cảm xúc là một phần của năng lực xã hội. Người có năng lực cảm xúc cao có khả năng hợp tác, nhận biết xung đột và giải quyết chúng một cách tích cực, qua đó xây dựng được các quan hệ giàu có và hài hòa cho mọi bên liên quan.
Cuối cùng, khía cạnh thứ ba của dạng năng lực này là khả năng điều hòa để ứng phó cảm xúc tiêu cực trong những tình huống khó khăn.
Điều này giúp người ta kiểm soát được các xung động của mình, qua đó có thể thích ứng trước áp lực, uyển chuyển ứng phó trước khó khăn của cuộc đời.
Một ví dụ là tình huống bị khước từ. Thay vì bị nhấn chìm bởi giận dữ hay đau buồn khi nhu cầu của mình không được đáp ứng, người ta ghi nhận cảm giác tệ hại đang trỗi dậy bên trong, không chối bỏ nó, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh để đối thoại, suy nghĩ hay tự khích lệ, và qua đó phục hồi nhanh hơn.
Giống như mọi năng lực khác, năng lực cảm xúc được trau dồi qua thực hành, được xây dựng qua năm tháng. Có nhiều nguồn tác động tới năng lực cảm xúc của người trẻ: Môi trường xã hội, trường học, bạn bè, gen, nhưng cha mẹ được cho là một trong những nguồn quan trọng nhất.
Nếu được người lớn quan tâm tới đời sống, tình cảm của mình, trẻ sẽ cảm thấy được khích lệ để thể hiện cảm xúc, qua đó dần hiểu và diễn giải về chúng tốt hơn.
Đáng tiếc, trong nhiều gia đình, sự quan tâm của cha mẹ chỉ hướng tới phần xác của trẻ: Ăn uống, sức khỏe, học hành. Phần hồn của nó, những niềm vui, nỗi buồn, sự thấp thỏm, hồi hộp và hy vọng, không được chạm tới.
Vì hiểu biết lệch lạc về nghĩa vụ làm cha mẹ, vì bản thân có nhiều nhu cầu không được đáp ứng, vì chính họ có năng lực cảm xúc thấp, những cha mẹ không nhận biết và ứng xử phù hợp được với cảm xúc của con mình.
Những biểu hiện của tâm hồn đứa trẻ không được ghi nhận và phản hồi. Ở mức tệ hơn, những buồn bã, tổn thương, mong mỏi, khao khát của nó bị gạt đi, bị miệt thị là vớ vẩn hay cáo buộc là ích kỷ và gây phiền.
Do thiếu cơ hội rèn luyện, đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ xa cách, lạnh nhạt hay hung hãn, hằn học thường sẽ lóng ngóng trong việc thể hiện tình cảm và sau này gặp khó khăn để trình bày các trải nghiệm cảm xúc của mình, ví dụ cho bạn đời hay bác sĩ tâm lý.
Trẻ bị ngược đãi thường kém hơn trong khả năng hiểu được các tín hiệu biểu đạt trên khuôn mặt người khác, do đó vụng về hơn trong tương tác với bạn bè.
Khi bị xáo trộn, chúng cũng ít có khả năng tự điều hòa cảm xúc của mình hơn. Chúng chưa bao giờ quan sát được điều đó ở cha mẹ mình, những người thường hay bị cuốn theo xung động giận dữ hay tuyệt vọng một cách mất kiểm soát.
Ở cực ngược lại, người có năng lực cảm xúc vừa biết cách biểu đạt rõ ràng vừa biết cách lắng nghe. Họ có cảm giác làm chủ bản thân, bình an và tự tại.
Bìa sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”. |
Khả năng lập luận về đúng sai
Một quá trình quan trọng khác mà người trẻ phải đi qua là phát triển năng lực lập luận về đạo đức. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này được bắt đầu bởi Lawrence Kohlberg, nhà tâm lý học người Mỹ, vào thập kỷ 1960.
Khi đề cập phát triển đạo đức, Kohlberg không có hàm ý là người trẻ cần tiếp nhận hệ giá trị đạo đức sẵn có nào đó, mà ông nói tới khả năng suy ngẫm liên quan công bằng và công lý.
Kohlberg theo dõi nhóm trẻ em từ 10 tới 16 tuổi qua nhiều năm, nhận ra rằng trong quá trình lớn lên, khả năng này của chúng phát triển từ thô sơ, đơn giản tới tinh tế và phức tạp.
Vợ của một người đàn ông đang ốm nặng mà ông ta không có đủ tiền để mua một loại thuốc đắt tiền (với giá đó, chủ hiệu thuốc sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn).
Ông ta vật nài chủ hiệu thuốc để được giảm giá, nhưng bất thành. Liệu ông ta có nên đột nhập cửa hàng và lấy trộm thuốc? Vì sao nên, vì sao không nên?
Đây là tình huống có tên song đề của Heinz (tên của người đàn ông có vợ ốm nặng) mà Kohlberg hay dùng trong các phỏng vấn sâu của mình.
Theo Kohlberg, quá trình trưởng thành đạo đức có 3 mức mà các cá nhân phải lần lượt đi qua chứ không thể nhảy cóc. Mặt khác, khi đã đạt được mức nhất định, người ta sẽ không tụt xuống mức trước đó.
Mức đầu tiên được Kohlberg đặt tên là tiền quy ước (pre-convention). Các cá nhân ở mức phát triển này không dùng quy ước xã hội để định hướng cho ứng xử của mình.
Một hành vi được xem là sai nếu nó bị trừng phạt. Ăn bánh của bạn mà không có sự đồng ý được coi là sai, không phải vì cái bánh là tài sản của bạn hay điều đó làm bạn buồn, mà vì nó đem lại hậu quả là bị cô giáo mắng. Ngược lại, một hành vi được xem là ổn nếu nó không dẫn tới sự trừng phạt.
Cũng ở mức này, “tốt” là những gì đem lại lợi ích cho bản thân. “Tôi được cái gì?” là câu hỏi chủ đạo để định hướng hành vi cá nhân.
Một đứa trẻ đồng ý làm việc nhà vì được bố mẹ trả tiền (chứ không phải vì nó cho rằng nên giúp đỡ người lớn) là người nằm ở mức phát triển này. Nhu cầu và lợi ích của người khác chỉ được xem xét nếu nó đem lại lợi ích cho bản thân, theo phương châm hai bên cùng có lợi.
Mức này phổ biến ở trẻ em nhỏ, nhưng cũng có ở nhiều người lớn. Những cá nhân ở mức này có xu hướng tuân thủ máy móc để tránh bị phạt mà không đặt câu hỏi về tính hợp lý của quyền lực.
Ở mức phát triển thứ hai, mức quy ước (conventional), người ta có khả năng suy ngẫm vượt ra khỏi mối quan tâm trước mắt về lợi ích cá nhân. Người ở mức này coi những quy ước của cộng đồng là chuẩn mực của đạo đức.
Động cơ đằng sau của họ là mong muốn được người khác nhìn nhận mình như một “thành viên tốt,” để có một hình ảnh đẹp trong mắt người khác.
Cũng ở mức này, người ta cho rằng mình có nghĩa vụ giữ vững trật tự xã hội (được xây dựng qua các quy ước và quy định), vì nếu ai cũng bất tuân thì hệ thống sẽ sụp đổ.
Đạo đức được đánh đồng với tuân thủ các quy định, quy ước và do đó vẫn được áp đặt từ bên ngoài. Người ta không thách thức chúng và không đặt câu hỏi về tính công bằng hay hàm lượng công lý của chúng.
Phần lớn người trẻ, trong quá trình phát triển của mình, sẽ dừng lại ở mức này.
Mức ba, cao nhất của sự trưởng thành đạo đức, được Kohlberg gọi là hậu quy ước (post-conventional). Những người ở mức này coi luật lệ và quy định là cần thiết và hữu ích nhưng không đóng cứng. Chúng có thể và cần được thay đổi nếu đi ngược với quan điểm của họ về tự do và công lý.
Mục tiêu của giáo dục trong gia đình và trong nhà trường là hỗ trợ để trẻ em và người trẻ đạt được mức độ phát triển cao nhất.
Họ hành xử theo niềm tin cá nhân về thế nào là lẽ phải, niềm tin cá nhân này có thể xung đột những quy định hiện tại của xã hội. Với quan sát bên ngoài, người ở mức ba và mức một dường như giống nhau.
Nhưng sự khác nhau nằm ở chỗ người ở mức một hành xử để mình có lợi nhất và để không bị trừng phạt, còn những người ở mức ba hành xử theo nguyên tắc đạo đức của mình và để không bị lương tâm lên án.
Trong xã hội, chỉ một số nhỏ cá nhân đạt được tới mức độ phát triển này.
Với song đề của Heinz bên trên, các cá nhân ở mức phát triển khác nhau có thể có những câu trả lời như thế nào?
Lưu ý một lần nữa là mức phát triển của ai đó không được thể hiện qua việc tán thành hay phản đối hành vi ăn trộm thuốc, mà qua cách thức người đó lập luận để đi đến quan điểm của mình.
Những tính toán của một người ở mức phát triển tiền quy ước xoay quanh lợi ích của bản thân và khả năng bị trừng phạt, anh ta có thể sẽ cho rằng: “Heinz nên ăn cắp nhưng cần rất khéo léo để khỏi bị bắt”.
Hoặc: “Heinz không nên ăn cắp vì cuộc sống trong tù sẽ rất kinh khủng mà chưa chắc đã cứu được vợ”.
Khác với người ở mức một, người ở mức hai nhìn mình trong tổng thể của tập thể lớn hơn. Anh ta có xu hướng hành xử để được người khác chấp nhận và để giữ trật tự và sự ổn định của cộng đồng (không đặt câu hỏi về ý nghĩa và sự hợp lý của các quy ước mà cộng đồng đang sử dụng).
Một người ở mức này có thể sẽ trả lời: “Heinz nên ăn cắp, nếu không thì sẽ bị mang tiếng là không hết lòng vì người thân”.
Hoặc là: “Heinz không nên ăn cắp vì đó là vi phạm pháp luật”.
Ở mức ba, mức hậu quy ước, những quyết định đạo đức của một cá nhân thực sự độc lập. Chúng đến từ nhận thức và những nguyên tắc đạo đức của họ, mà không bị ô nhiễm bởi sự sợ hãi quyền lực hay ham muốn lợi lộc hay nhu cầu được tán thưởng và chấp thuận.
Vượt ra ngoài luật lệ hiện hành, họ đi tìm lời giải phù hợp hơn để giải quyết xung đột về công bằng và công lý mà tình huống đưa ra.
Người ở mức phát triển này có thể sẽ trả lời: “Heinz nên ăn cắp thuốc, cứu mạng sống là nguyên tắc đạo đức cao nhất và cần được ưu tiên hơn là lợi nhuận (của người chủ hiệu thuốc), và luật pháp cần được thay đổi để không ai phải chết vì nghèo”.
Cuốn sách do Nhã Nam phát hành. |
Hoặc là: “Heinz không nên ăn cắp thuốc vì người khác có thể cũng cần thuốc như vợ ông ta, và mọi mạng sống có giá trị như nhau”.
Trẻ em bắt đầu ở mức phát triển thứ nhất, chúng đơn giản không đủ nhận thức để hiểu về những triết lý vận hành ở các mức sau.
Trong quá trình trưởng thành, thông thường một đứa trẻ 14 tuổi sẽ có những suy nghĩ “chín chắn” và nhiều chiều hơn đứa trẻ 8 tuổi.
Tuy nhiên, nhiều người già vẫn nằm ở mức phát triển đầu tiên, trong khi một đứa trẻ 15 tuổi đã có thể xây dựng cho mình những suy nghĩ ở mức ba.
Một cá nhân dịch chuyển từ một mức lên mức tiếp theo không phải đơn thuần qua học vẹt những lời răn dạy, mà qua những khủng hoảng nội tâm.
Khi thấy bất an với quan điểm của mình, khi thấy nó không trả lời được cho tình huống và trải nghiệm mới gặp, họ phải tìm cách giải quyết xung đột và qua đó đạt được tầm nhận thức mới.
Mục tiêu của giáo dục trong gia đình và trong nhà trường là hỗ trợ để trẻ em và người trẻ đạt được mức độ phát triển cao nhất.
Điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng sống trong một môi trường cởi mở, nơi chúng được tự do suy nghĩ, được hướng dẫn có cái nhìn đa chiều, được dìu dắt để nhận ra mâu thuẫn trong lập luận của mình, được khuyến khích xây dựng quan điểm cá nhân và phản biện cái nhìn của người lớn mà không bị phán xét.
Người lớn chỉ trích, phủ nhận cái nhìn của người trẻ và áp đặt quan điểm của mình bằng “lên lớp” hay ra lệnh sẽ không giúp người trẻ trưởng thành.
Có thể nhiều cha mẹ Việt không muốn nghe điều này, nhưng với Kohlberg và các nhà tâm lý học phát triển khác, sự độc lập trong tư duy của người trẻ là điều cần thiết và cần được ưu tiên, chứ không phải quyền của cha mẹ được áp đặt hệ giá trị của mình lên con cái.