Ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Sáng ngày 21/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức chương trình Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai – năm 2023. Nhân dịp này, ban tổ chức cũng công bố, giới thiệu và giao lưu với 10 đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023-2024.
Đây là lần đầu tiên thành phố giới thiệu và mời những công dân đến từ các lĩnh vực như nhà nghiên cứu, tác giả sách, nhà báo, học sinh/sinh viên, ca sĩ, diễn viên….để làm đại sứ văn hóa đọc, nhằm góp phần lan tỏa văn hóa đọc, lan tỏa tinh thần hiếu học cùng những giá trị của sách.
“Bên cạnh tốc độ tăng trưởng trong ngành xuất bản với nhiều con số ấn tượng, sự phát triển văn hóa đọc của thành phố ngày càng được đầu tư và phát triển. Thành phố ngày càng có nhiều hơn các địa điểm, các công trình văn hóa như đường sách, công viên sách, là những điểm sáng văn hóa đã trở thành hạ tầng không thể thiếu của ngành Xuất bản, In và Phát hành”, ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM – phát biểu tại chương trình.
Sự phát triển văn hóa đọc
Cách đây vừa tròn một năm (21/4/2022-21/4/2023) Ủy ban nhân dân Thành phố phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thành công Lễ Công bố Quyết định 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I cấp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời Ủy ban nhân dân Thành phố cũng khai mạc chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn Thành phố với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp sở, ngành tham mưu Thành phố tổ chức triển khai hoạt động hưởng ứng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai trên địa bàn Thành phố tại Khu vực công xã Paris và Đường sách TP.HCM từ ngày 19/4 đến hết ngày 23/4 với thông điệp: “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn” và “Mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc”.
Theo ông Lâm Đình Thắng, “TP.HCM luôn tìm cách để hoạt động văn hóa đọc được mở rộng hơn, đầu tư sâu hơn và đem lại lợi ích thực tế cho người dân hơn. Các hoạt động về sách và văn hóa đọc phải luôn có một sự đổi mới và sáng tạo. Ngày Sách và Văn hóa đọc được tổ chức tại TP.HCM với tinh thần đó”.
Nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Theo đó, chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay có 3 điểm nhấn chính. Thứ nhất, sự kiện năm nay không chỉ là một hoạt động cấp Thành phố nữa mà đã lan tỏa đến 15 quận, huyện với hơn 100 hoạt động. Thứ hai, đây là năm đầu tiên xuất hiện 10 đại sứ văn hóa đọc là những người có sức lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, sẽ đồng hành cùng các hoạt động của Thành phố để hướng đến mục tiêu “mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc”.
Đặc biệt, nhân dịp này TP.HCM trưng bày, giới thiệu cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh và các tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó, tại khu vực Hội sách ở Công trường Công xã Paris có sự góp mặt của gần 30 đơn vị tham gia cùng 58 chương trình tọa đàm, giao lưu, hoạt động tương tác trải nghiệm cho thiếu nhi, các hoạt động trao tặng sách… diễn ra liên tục, xuyên suốt.
Đồng loạt diễn ra trên toàn địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện, 150 hoạt động đã tạo nên một làn sóng và sự cộng hưởng góp phần lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn TP.HCM và trở thành “nét son” trong phát triển văn hóa đọc trên cả nước.
Thông điệp đọc và học trọn đời từ các đại sứ
Chia sẻ tại sự kiện, nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư – một trong những đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ đầu tiên của thành phố – đem đến thông điệp về học và đọc trọn đời.
“Dân tộc ta sinh ra rất ham học, nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến trường. Trong khi đó, sách là trường học lớn nhất, là những người thầy hoàn hảo nhất, toàn diện nhất để chúng ta học hỏi. Vì vậy những bạn trẻ dù không còn đi học, vẫn nên đọc sách để tiếp tục mở rộng vốn tri thức. Vì chúng ta không bao giờ có thể học hết được từ sách, nên cần học, học mãi, đến già vẫn học”, ông nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ thông điệp về đọc sách. Ảnh: Thanh Trần. |
Nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, ông cho rằng cần phải đọc sách vì chỉ có đọc sách mới có thể giúp người trẻ tránh được những va vấp trong cuộc sống. “Càng đọc càng thấy tư tưởng được mở mang, trình độ được nâng cao, tư cách, kinh nghiệm được nâng cao”, ông đúc kết sau gần một thế kỷ gắn bó với sách.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo giới trẻ rằng không phải đọc sách nào cũng hay. “Người trẻ cũng cần cảnh giác với sách, không phải đọc sách nào cũng hay, có sách hay và cũng có những sách dở. Vì vậy, phải biết chiêm nghiệm để không làm lạc mất lý tưởng của mình, để việc đọc sách giúp cho con người mình ngày càng tốt hơn chứ không phải tệ đi”, ông nhắn nhủ.
Còn với đại sứ văn hóa đọc Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM – “trong thế giới mà con người được ban tặng, không phải là thiên nhiên, thì sách là thế giới vĩ đại nhất”. Kể từ khi nghỉ hưu đến nay, bà đã cho ra mắt 9 tác phẩm và đang bắt tay vào nhiều dự án khác.
Đối với sự phát triển của TP.HCM, bà tin rằng mong muốn trở thành một đô thị sách của TP.HCM là có thể thực hiện được. Bà chú trọng vào vấn đề nâng cao văn hóa đọc đối với người trẻ, phải giúp cho được tuổi trẻ có được thói quen đọc sách bằng sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội.
“Trong nhiệm kỳ 2023-2024, Sở Thông tin và Truyền thông cùng 10 đại sứ văn hóa đọc sẽ cùng đồng hành với nhau để lan tỏa về sách, về giá trị của sách, về lối sống đẹp và truyền cảm hứng cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi của thành phố. Từ 10 đại sứ tham dự ngày hôm nay, chúng tôi rất mong sẽ lan tỏa để từng người dân của thành phố có thể trở thành đại sứ văn hóa đọc”, ông Lâm Đình Thắng bày tỏ.
Nguồn: https://zingnews.vn/tphcm-chao-mung-ngay-sach-va-van-hoa-doc-lan-thu-hai-post1424020.html
You must be logged in to post a comment Login