Trường ca có xuất phát từ “Cổng làng” và “Lời cổ thụ” ở chương 1, đi vào hiện thực trung tâm là “Làng, cánh đồng và mẹ” ở chương 2. Bước tiếp theo, chương 3, “mở ra” theo bước chân của người làng đến mọi miền trong nước và nước ngoài với “Dấu chân Trường Sơn”, “Dấu chân miền tuyết trắng”, “Dấu chân biên cương hải đảo”, “Dấu chân đi tìm đồng đội”, “Dấu chân đắp đập xây hồ”, “Dấu chân công trường”, “Dấu chân hò hẹn”… Chương 4, chương 5 là sự “khép lại”, tác giả trở về “Hồn làng”, trở về với những giá trị truyền thống bền vững. Còn phần cuối, “Tự khúc” mang nghĩa tự thân, bộc bạch đến tận gan ruột.
“Theo dấu chân Giao Chỉ”, Nguyễn Ngọc Tung gặp cổng làng – nơi: “Âm âm bước chân cha ông thuở trước / Mang giọng nói, khuôn mặt / Hao hao dáng người…/ Quê hương là tiếng giã vừng của mẹ / Khói lam chiều vấn vít bờ tre…”.
Với Nguyễn Ngọc Tung, “Trước cổng làng mọi thứ vẫn còn xanh”; cổng làng là “căn cước trắng đen”, là nơi “bao dung rộng mở lối về”. Như thế cũng có nghĩa: Cổng làng gần như là tất cả. Và, xét về mặt tâm thế, tâm tình từ trong sâu thẳm cội nguồn, Nguyễn Ngọc Tung có một định nghĩa chuẩn xác, sâu sắc, thấm thía về làng, cả về mặt không gian lẫn thời gian theo cách của riêng ông: “Về làng ta học lại làng / Có trước có sau, có nghĩa có tình / Làng là ngọn đèn thức tỉnh / Đa vẫn mọc từ làng / Cò vẫn bay về phía cánh đồng / Lời ru vẫn từ cánh võng / Trong tim người có một quê hương”.
Với Nguyễn Ngọc Tung, làng cũng là căn nguyên nguồn cội cụ thể của mỗi người, cũng giống như “chim có tổ”, “cây có gốc”, tựa như không có làng thì không có ông vậy! Cho nên, dẫu đi xa về gần, làng trong Nguyễn Ngọc Tung vẫn: “Nửa đời biền biệt / Tôi nghe sóng vỗ dưới chân mình / Đất vỗ về yêu thương / Làng là nơi ta lớn / Làng là nơi đi về…”.
Bởi nơi ấy, “Cái dại nhớ lâu / Cái khờ ở lại”. Bởi nơi ấy, “Chỉ còn câu đồng dao / Xuyên qua thế kỷ / Chỉ còn em / Và anh / Đuổi nhau qua nhiều ngõ xóm / Đằng đẵng cổng làng”. Bởi nơi ấy có “Đời mẹ chân đất áo vá / Đời mẹ nón lá áo tơi / Vừa buông giọt cay mẹ cầm giọt mặn /…/ Lòng mẹ tãi nắng / Nước mắt lặn vào hạt thóc / Mẹ gặt về chín trắng mồ hôi” và “Tiếng khóc xé quầng trăng, tiếng khóc vỡ mặt trời / Tạc nên dáng vóc đời tôi”.
Theo tôi, không có những kỷ niệm nhớ đời, không có những trải nghiệm sâu sắc, nhà thơ không thể sở hữu những câu thơ ấn tượng và đáng nhớ, đọc lên muốn ứa nước mắt và rung động lòng người như thế.
Viết về làng gốm, Nguyễn Ngọc Tung có một cặp lục bát tài tình: “Thương nhau thức cả một đời / Nghe gốm ăn lửa hát lời nước non”. Viết về làng tạc đá, ông ngẫm: “Thợ tạc đá lưng trần nắng dội / Thổi vào đá nét buồn nét vui…/ Nghĩ rằng đá là đá thôi/ Về đây đá cũng khóc cười trăm năm”. Viết về sự hy sinh, dâng hiến của những người lính đi qua chiến tranh, ông chí lý: “Đời lính chẳng có gì / Nhưng mang về cả giang sơn thống nhất”. Và những câu thơ xúc động: “Không có làng tôi biết về đâu / Dẫu đường cỏ vẫn lối về với mẹ / Dẫu sỏi đá làm tôi vấp ngã / Bờ tre còn mát gió đời tôi”.
Trên cái nền của tri thức, của sự am tường lịch sử, văn hóa như có tác dụng khai mở, cộng với cảm xúc đầy đặn, dâng trào đã giúp trường ca Theo dấu chân của làng được triển khai khá kỳ khu, liền mạch và hanh thông. Điều đáng nói thêm nữa là trường ca mang đậm dấu ấn thời cuộc và dấu ấn cá nhân. Và, sau chót, không thể không nói đến những câu thơ máu thịt từ cái tâm đến cái tình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung: “Dẫu thơ chưa trải hết lòng/ Cũng đền đáp ân tình một kiếp / Cám ơn cây bút / Gắn bó và thủy chung / Viết rồi xóa, xóa rồi lại viết / Câu chữ tràn ban mai…”.
Nguồn: https://znews.vn/dau-an-theo-dau-chan-cua-lang-post1450811.html
You must be logged in to post a comment Login