Tranh vẽ cảnh trạng nguyên đỗ đạt, cưới được công chúa vinh quy bái tổ. Ảnh: GDTĐ. |
Miếu Ân, miếu Oán là hai tòa miếu nhỏ ở bên ngoài cửa trường thi Hương ở Hà Nội ngày xưa. Trường thi này chiếm một vị trí rất rộng, chu vi bao quát cả Thư viện Trung ương (nay là Thư viện Quốc gia), Bộ Công nghiệp, tòa án; bên trên còn giáp mãi đến phía Nhà Thờ Lớn, bên dưới còn giáp mãi quá đường Trần Hưng Đạo ngày nay.
Trường thi là một cánh đồng màu khô ráo, chỉ có tòa nhà thập đạo được xây sẵn, còn lại cứ đến khoa thi, mới dựng các nhà quan cư cho các quan chấm thi và quan chức trông coi việc thi ở riêng một khu, còn lại là bãi đất không, chia thành bốn “vi”, làm nơi cho học trò cắm lều đặt chõng để ngồi làm bài thi trong từng kỳ.
Chung quanh trường đều có bờ rào bằng chông chà, bên trong lại có một lượt rào bằng cót tre, ngăn cách với bên ngoài rất kín đáo. Hết khóa thi, những nhà dựng tạm và các bờ rào ấy lại được dỡ đi, trả ruộng cho nhân dân cày cấy.
Ngoài ngôi nhà thập đạo ở trong trường, phía bên ngoài cửa trường, người ta cho xây lên hai cái miếu ngói nhỏ ở hai bên ngang đối nhau, một gọi là miếu Báo Ân, một gọi là miếu Báo Oán (sau khi thực dân Pháp chiếm cứ Hà Nội, lập Nha Kinh lược, tức Thư viện Quốc gia ngày nay, hai ngôi miếu ấy bị phá mất tích).
Hai miếu này, biểu hiện một tư tưởng phức tạp và lạc hậu của giới sĩ phu nước ta trước đây. Chế độ phong kiến đã dùng lối học khoa cử là lối học chỉ chuộng hư văn, xa rời thực tế, để kìm hãm trí óc sĩ phu trong những pho sách chết, rồi lấy đó làm khuôn mức để kén chọn nhân tài…
Riêng các sĩ phu, mặc dù ai cũng chỉ có một mục đích học để thi, thi để đỗ, đỗ để làm quan, nhưng học dù cốt ở có tài, thi lại phải trông vào có phận. Phận đây là số phận do trời theo tiền nhân thiện ác của mỗi người mà định cho hậu quả tốt hay xấu.
[…]
Xưa kia những sĩ phu muốn được xuất thân bằng đường khoa cử, thì phải đi thi. Thi có hai bậc, cứ ba năm một lần, trước hết là thi Hương, tức là thi tú tài, cử nhân (đỗ đạt cao là cử nhân, đỗ đạt thấp là tú tài). Đỗ thi Hương rồi thi Hội, tức là thi tiến sĩ. Trước khi muốn dự thi Hương, người ở tỉnh nào phải qua một kỳ thi sát hạch ở tỉnh ấy đã.
Sách Cổ tích và danh thắng Hà Nội của Doãn Kế Thiện. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Đỗ hạch rồi mới thi Hương, ai nấy đều nửa mừng nửa lo; mừng vì may mà tên chiếm bảng vàng, thế là trèo lên bậc thang phú quý, lo là không biết có gặp sự gì rủi ro, ai nấy đều như ngầm tự xét mình đời trước hay chính bản thân có làm gì thất đức để quỷ thần ai oán.
Vì vậy ngay ở cửa trường thi, người ta cho xây lên hai miếu Báo Ân, Báo Oán, để cho học trò khi đến trường thi, trong mọi việc chuẩn bị để vào trường, không quên mang lễ vật, vàng hương đến hai miếu ấy, để cầu khấn quỷ thần soi xét, người làm thiện thì mong được phù hộ độ trì, người làm ác thì mong được đánh chữ đại xá.
Việc báo ân, báo oán này, ở trường thi lại nêu lên một việc quan trọng nhất. Theo lệ thi Hương, cứ vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu; mà khóa thi cứ vào tháng mười âm lịch, là lúc nông dân đã gặt mùa xong, đồng ruộng khô ráo, làm chỗ cho học trò thi cử.
Mùng một tháng mười mới thi kỳ thứ nhất, nhưng sang tháng chín đã chuẩn bị làm trường thi. Trường làm xong, chừng ngày hai mươi nhăm tháng chín làm lễ “tiến trường”, tức là quan chấm thi và những người có chức trách trông coi trường thi đều phải vào ở trong trường, không được ở ngoài, để ngăn ngừa lệ đút lót thỉnh thác.
Lễ tiến trường làm rất trang nghiêm, long trọng. Trước đó, các quan chức đều mũ áo chỉnh tề, họp tại nhà Kính Thiên, làm lễ bái mạng, rồi từng đoàn voi ngựa, binh lính dẫn đầu, trống chiêng dậy đất, cờ xí rợp trời, tiếp theo là các quan trường, các viên chức theo thứ tự trước sau, hoặc đi võng, hoặc đi ngựa, có quân lính tiền hô hậu ủng tiến vào trường.
Đến cửa trường, tất cả đều dừng lại, rồi từ trong nhà thập đạo, ba hồi trống cái dõng dạc buông từng tiếng như nhắc nhở ai nấy cái giờ thiêng đã đến. Trống hồi vừa dứt, trên chòi cao bên trong cửa trường, viên quan đề điệu (quan coi trật tự trong trường) mặc võ phục, cầm loa luôn luôn xoay quanh bốn bề, báo giờ tiến trường bắt đầu.
You must be logged in to post a comment Login