Không chỉ được bán ở vỉa hè, nhà sách mà những loại sách này còn chễm chệ rao bán trên nhiều trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Cuốn sách bán chạy Muôn kiếp nhân sinh bị làm giả. Ảnh: First News. |
Sách càng bán chạy càng bị in lậu nhiều
Làm sách trong 26 năm, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News – Trí Việt, đã có 23 năm gắn liền với việc đấu tranh chống nạn sách giả.
Ông chia sẻ những cuốn càng bán chạy thì tỷ lệ in lậu lại càng nhiều, trong đó các đầu sách như: Đắc Nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Muôn kiếp nhân sinh… đều bị in lậu. Ông cho cho biết đến nay, công ty đã bị làm giả tới hơn 280 đầu sách, có hơn 40 trang fanpage đang rao bán công khai sách giả trên mạng xã hội các đầu sách của First News cùng hàng trăm đầu sách của các nhà xuất bản khác khác.
Khi nguồn cung sách lậu, sách giả ra thị trường bị ngăn chặn thì mới đẩy lùi được vấn nạn này. Nếu sản phẩm lọt ra thị trường thì có rất nhiều phương thức để kinh doanh khác nhau như website, các sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội… Sách lậu đang có dấu hiệu lớn mạnh hơn nhờ vào sự “tiếp tay” của các nền tảng trên Internet.
Hiện nay, phần lớn các sàn thương mại điện tử có kinh doanh sách như Tiki, Lazada, Shoppee, Sendo… đều cho phép người bán đăng ký gian hàng online của mình, nhưng cũng chính bởi thế mà không kiểm soát được chất lượng sản phẩm của các gian hàng thuê lẻ.
Trước tình hình đó, nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã chủ động tự bảo vệ mình bằng nhiều biện pháp để hạn chế sách lậu, sách giả.
Hiện tại nhiều đơn vị đang sử dụng các loại tem như: tem thông minh, tem nhiệt, tem 7 màu… để bảo vệ sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, ngoài việc bảo vệ thì nhà xuất bản, đơn vị phát hành cần áp dụng tích hợp công nghệ để bảo vệ thị trường, kết nối các đơn vị làm sách – độc giả – đơn vị quản lý.
Việc sử dụng tem thông minh để phân biệt sách thật, sách có bản quyền với sách giả, sách lậu được Nhà xuất bản Trẻ ứng dụng rộng rãi. Mỗi cuốn sách có một mã số riêng, qua mã số đó, với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin, độc giả sẽ tương tác với Nhà xuất bản Trẻ và nhận được các dịch vụ hậu mãi cũng như chăm sóc khách hàng.
TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong một hội thảo về ứng dụng tem điện tử vào chống in lậu, cho biết chỉ có 3% người đọc Việt Nam sẵn sàng cào tem để nhận biết sách thật, sách giả. Để tạo nên văn hóa dùng sách thật, phân biệt sách thật, sách giả là rất quan trọng, nếu văn hóa người dùng được nâng lên, chỉ cần 50% người dùng kiên quyết kiểm tra tem, mua sách thật, thì người bán sẽ không dám bán sách giả.
Chia sẻ với Zing, bà Phạm Thị Hóa – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát hành sách TP.HCM – Fahasa – cho biết để tránh tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan trên thị trường, Fahasa luôn nhập sách trực tiếp từ các nhà xuất bản có uy tín.
Mặc dù vậy tình trạng sách lậu, sách giả như sách giáo khoa, giáo trình, tiếng Anh… của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề vì hiện tại những loại sách này trên thị trường, đặc biệt trên mạng xã hội được bán với chiết khấu 50-70% khiến Fahasa không thể cạnh tranh về giá nên bị ảnh hưởng về doanh thu.
“Vì bán sách thật nên chúng tôi chỉ có thể khuyến mãi vào những dịp đặc biệt ở mức 10-20% trên các loại sách bán ra. Hiện tại Fahasa chỉ phối hợp với các nhà cung cấp khai thác và trưng bày sách tại nhà sách, thông qua truyền thông để thông tin rộng rãi đến khách hàng về tình trạng tràn lan sách lậu, sách giả như hiện nay để khách hàng lựa chọn những cơ sở uy tín; là đơn vị phát hành chúng tôi không có pháp nhân để có thể kiện những đối tượng làm sách giả, sách lậu”, bà Hóa nói.
Sách giả thường lem mực, có nhiều vết sọc trên giấy. Ảnh: Tú Minh. |
Kiến nghị xử lý mạnh tay với sách lậu
Hiện sách lậu, sách giả tồn tại tràn lan trong khi công tác phòng, chống in lậu lại gặp nhiều khó khăn, ngay từ khâu xác định sách giả – sách thật cho đến công tác điều tra, trinh sát địa bàn, chế tài xử lý…
Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều cơ sở vi phạm nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.
Bà Phạm Thị Hóa kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát và tăng cường kiểm tra các nhà in, đơn vị phát hành, các nền tảng thương mại điện tử và trang mạng xã hội bán sách chiết khấu 50-70%. Theo Phó tổng giám đốc Fahasa, hiện nay, việc phát hiện ra sách lậu, sách giả đã khó mà xử phạt quá nhẹ chỉ vài chục triệu đồng kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” nên không mang tính răn đe.
“Đơn vị làm lậu chấp nhận bị phạt và tiếp tục quay lại tiếp tục làm sách giả. Phải thi hành chế tài mạnh tay, quy trách nhiệm hình sự các đơn vị làm sách giả làm bài học cho họ không có cơ hội tái phạm. Như vậy mới khuyến khích nhà xuất bản, đơn vị phát hành những quyển sách hay, sách giá trị”, bà Hóa nói.
Để đấu tranh có hiệu quả chống xuất bản phẩm lậu, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội, cần sự chung tay với thái độ kiên trì, kiên quyết, từng bước đẩy lùi vấn nạn trên.
Bà Phạm Thị Hóa đề xuất: “Nên thành lập một hội chống sách giả, sách lậu. Thành viên của hội là người đứng đầu các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách và cơ quan chức năng có thẩm quyền để phối hợp thông tin, cơ động kiểm tra chính xác, nhanh chóng và kịp thời các đơn vị có dấu hiệu vi phạm”.
Mạng xã hội tiếp tay cho sách lậu lưu hành. |
Độc giả cần tẩy chay sách lậu
Làm nên vấn nạn sách giả, sách lậu không chỉ có “sách tặc” mà nhiều bạn đọc chấp nhận mua sách lậu, mặc nhiên chấp nhận đánh cắp tri thức, vô tình tiếp tay cho vấn nạn.
Độc giả cần “tẩy chay” sách giả, sách in lậu thì tự khắc vấn nạn cũng sẽ giảm. Bạn Hoài Thương (26 tuổi, nhân viên văn phòng, quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Mình đọc rất nhiều sách nhưng thể loại yêu thích nhất là sách văn học. Những lúc rảnh rỗi mình thường đi nhà sách nhưng hiện tại mình chủ yếu chọn mua online, tần suất khoảng một lần/tháng vì sự tiện lợi. Mình đã mua online từ năm cấp ba. Trong một lần được tặng sách, nhìn vào chất lượng giấy thấy không giống với bình thường, mình biết đấy là sách giả. Lời khuyên của mình cho những bạn muốn mua sách chất lượng là chọn nơi uy tín, kiểm tra tem, nhãn mác và cả chất liệu giấy”.
Thạc sĩ Trần Thị Bích Trâm – giảng viên khoa Sử, Đại học KHXH&NV TP.HCM – cho biết bà hay mua sách trên các nền tảng xã hội, chuyên ngành về Sử để phục vụ cho việc giảng dạy. Người đọc sách chân chính là những người thượng tôn tri thức, tìm đến kiến thức và giá trị nhân văn mà quyển sách mang lại sẽ không thấy giá quyển sách là vấn đề so với giá trị mà quyển sách mang lại.
“Biết bao công sức của tác giả và nhà xuất bản đã làm để sách đến tay bạn đọc. Cầm quyển sách trong tay chúng ta tôn trọng tri thức và con đường học hỏi của bản thân. Khi mua sách, để không rơi vào tình trạng bị mua sách giả, sách lậu làm cắt đứt sợi dây kết nối giữa tác giả và người đọc chân chính, bạn đọc nên tìm những kênh mua sách uy tín”, thạc sĩ Trâm nói.