Hình ảnh trong áp phích phim Trung phong chết trước lúc bình minh. |
Vở kịch Trung phong chết trước lúc bình minh mở ra khi câu lạc bộ bóng đá nợ nần khắp nơi, chủ tịch câu lạc bộ bị đẩy đến chỗ phải quyết định bán cầu thủ trung phong lấy 1,7 triệu. Người mua cầu thủ là một triệu phú. Lão ta cho đóng gói anh như một món hàng, đưa về tòa lâu đài của lão, đồng thời cũng như một nhà tù.
Cùng bị nuôi giữ trong tòa lâu đài đó còn có một nữ diễn viên ballet được mua từ ông bầu với giá hai triệu, một nghệ sĩ chuyên đóng vai Hamlet, một giáo sư hàng đầu có công thức chế tạo bom nguyên tử, và một quái nhân trông như King Kong…
Lão triệu phú có thú sưu tầm những nhân vật danh tiếng hoặc quái dị, giữ làm vật nuôi trong lâu đài của lão, không cho họ tiếp tục trổ tài hoặc biểu diễn trước công chúng nữa. Đấy là một hình thức biến những con người quý hiếm thành nô lệ độc quyền trong lãnh địa của lão.
Cầu thủ bóng đá và vũ nữ ballet trong cảnh giam cầm đã cảm thông và tiến đến tình yêu. Lão triệu phú tìm thấy trong mối tình đó một ý tưởng điên rồ: lão sẽ cho những người tinh hoa kết hợp để sinh sản ra những thế hệ tài năng, tiếp tục làm vật cảnh cho lão.
“Cung điện này của ta sẽ biến thành trại chăn nuôi. Ta sẽ mua thêm những vật làm giống khác. Ta sẽ cho nhạc công chơi dương cầm lấy nhân viên đánh máy, cho người hát giọng nam cao lấy nữ thi sĩ, cho bác sĩ ngoại khoa lấy nữ nhạc công chơi vĩ cầm, cho phi công lấy cô ả chơi thể dục nghệ thuật, cho nhà khoa học lấy cô ả làm kế toán… Ta sẽ vĩ đại hơn cả Darwin, chính ta sẽ làm cuộc đào thải tự nhiên của giống người” (trang 100).
Nhưng hai người yêu nhau quyết không cho lão triệu phú đạt được mục đích. Họ mưu tính một cuộc chạy trốn…
Trong một xã hội do kẻ độc tài thống trị, sự phản kháng của họ bị đàn áp tàn bạo, vì như lý lẽ của viên chánh án: “Đây là âm mưu đánh đổ chế độ hiện hành, đánh đổ cái cơ chế tư hữu tài sản, một nguyên tắc thần thánh bất khả xâm phạm, ở chỗ âm mưu lật nhào tất cả lối sống của chúng ta. Một thứ đồ vật đã dám chống lại chủ nhân của nó. Một thứ đồ cổ như lệ thường và theo đúng pháp luật, đã ngang nhiên nổi dậy phản kháng ông chủ của nó” (trang 105).
Vở kịch được viết năm 1955, khi phong trào đấu tranh trên thế giới ngày một lớn mạnh, chống lại những thể chế áp bức. Chuyện mua bán cầu thủ và nhân tài trong nhiều lĩnh vực khi ấy gây phẫn nộ cho các phong trào đấu tranh vì tự do và quyền con người. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, tri thức cũng là một món hàng để mua bán, sự trả giá đã trở thành tất nhiên, thì vở kịch không chỉ là một vấn đề lịch sử. Và thế giới ngày nay vẫn nóng bỏng nạn buôn bán người, biến con người thành nô lệ.
Thông điệp của vở kịch là rất mạnh mẽ lúc bấy giờ: đánh đổ chế độ độc tài luôn muốn biến con người thành vật tư hữu, thao túng con người, tước đoạt tự do và nhân phẩm. Anh cầu thủ ở những giây phút cuối cùng vẫn tràn đầy niềm tin: “Đứng trên bục giá treo cổ ta đã trông thấy ánh bình minh. Kia kìa, ánh bình minh! Tạm thời mới hừng sáng trên nóc nhà phía xa. Nhưng đấy chính là ánh bình minh. Nó đang tới gần” (trang 113).
Ra đời khi Argentina và châu Mỹ Latinh đang sôi sục đấu tranh chống các chế độ độc tài, vở kịch được dân chúng chào đón nồng nhiệt đến mức bị cấm diễn.
Sau đó kịch được chuyển thể thành bộ phim cùng tên (El centroforward murió al amanecer, tiếng Anh: That Forward Center Died at Dawn), nhưng các dương bản đem chiếu bị chính quyền tịch thu và đem đốt. Tuy nhiên âm bản được chuyển ra nước ngoài và bộ phim được chào đón ở nhiều nước, được đưa vào tranh giải chính thức ở Liên hoan phim quốc tế tại Cannes (Pháp) năm 1961.
Ở Việt Nam, vở kịch được dịch ra tiếng Việt từ rất sớm và đầu những năm 1960 đã được đoàn kịch điện ảnh công diễn. Đoàn kịch điện ảnh khi ấy đã kịp thời đưa lên sân khấu vở kịch còn nóng hổi thời sự, gây ra một hiện tượng sân khấu trên khắp miền Bắc.
Những vai chính đã làm nên tên tuổi của các nghệ sĩ điện ảnh hàng đầu như Tuệ Minh, Hồ Thái, Tự Huy… Khoảng ba mươi năm sau, khán giả màn ảnh nhỏ đã được xem lại vở này do Đài Truyền hình TP.HCM dàn dựng năm 1992.
Nguồn: https://zingnews.vn/con-nguoi-khong-phai-mon-hang-de-mua-ban-post1440387.html
You must be logged in to post a comment Login