Nguyễn Thị Thu Trang (Trang Nguyễn) sinh năm 1990 tại Hà Nội. Với đóng góp của mình trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, cô đã được tôn vinh tại nhiều giải thưởng. Mới nhất, cô đoạt giải thưởng Quốc tế của quỹ Princess of Girona (International Princess of Girona Foundation – FPdGi) do hoàng gia Tây Ban Nha trao tặng vì “sự can đảm và những hoạt động bảo tồn truyền cảm hứng cho cộng đồng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới”.
Hành trình trở thành nhà bảo tồn động vật hoang dã và những câu chuyện truyền cảm hứng trong quá trình đi thực địa, điền dã nhiều năm cho đến sự ra đời của bộ sách Chang hoang dã được các diễn giả đưa ra thảo luận sáng 11/6 tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội.
Ước mơ nhen nhóm từ ký ức thuở nhỏ
Chang hoang dã là bộ tranh truyện kể về hành trình của nhân vật Chang với ước mơ cháy bỏng bảo vệ sự sinh tồn cho những loài động vật hoang dã đang bị đẩy vào bờ vực tuyệt chủng do tác động tiêu cực từ con người.
Trang Nguyễn trong một chuyến đi. Ảnh: NVCC. |
Tập đầu tiên của series, Chang hoang dã – Gấu, ra mắt vào tháng 3/2020 và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ độc giả cùng sự đánh giá cao từ giới chuyên môn.
Tiếp nối hành trình bảo tồn động vật hoang dã, mới đây, hai tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng tiếp tục dẫn dắt người đọc bước vào thế giới của những chú voi to lớn, hiền lành trong tập 2: Chang hoang dã – Voi.
Vẫn với phong cách minh họa ấn tượng và tỉ mỉ cùng cốt truyện hài hước, nhân văn, tập 2 kể câu chuyện về H’Non, một cô voi hoang dã tại Tây Nguyên. Ngay từ nhỏ, H’Non đã bị bắt về và trải qua quá trình huấn luyện để kéo gỗ, chở hàng và cho khách du lịch cưỡi. Đến khi già yếu, H’Non vẫn tiếp tục bị bóc lột. Chứng kiến cảnh tượng đó, cô bé Chang quyết tâm tìm cách đưa H’Non trở về rừng già.
Để hoàn thiện mỗi tập sách, họa sĩ Jeet Zdũng đã nhiều lần phải thay đổi kịch bản, thực hiện những chuyến thực địa, điền dã nhiều ngày, quan sát tận mắt cuộc sống của các loài sinh vật và trải nghiệm không gian thiên nhiên hoang dã.
Anh cho biết sau khi nhận được phần nội dung, anh phải thực hiện các công đoạn như lên kịch bản truyện tranh, thiết kế nhân vật và đi thực tế để lấy tư liệu.
“Nếu chỉ đọc hay xem clip thì sẽ không đủ, buộc phải đến tận nơi, nhìn tận mắt để chứng kiến hình dạng, biểu cảm, thói quen của các sinh vật cũng như sinh cảnh nơi các động vật sống”, họa sĩ Jeet Zdũng nói.
Chẳng hạn, để thực hiện cuốn Chang hoang dã – Gấu, anh đã đi đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên; còn đối với cuốn Chang hoang dã – Voi, anh đi đến Vườn quốc gia Yockdon để quan sát kỹ lưỡng biểu cảm của voi, gấu.
Điều đặc biệt của bộ sách còn nằm ở sự pha trộn tài tình giữa kiến thức thú vị về cuộc sống của loài voi, gấu cũng như các loài động vật hoang dã khác thông qua sổ tay ký họa của nhân vật chính.
Tác giả Trang Nguyễn cho biết mình có một cuốn sổ tay để ghi chép lại những điều nhìn thấy mỗi khi vào rừng. Trong đó, cuốn sổ khi ở Madagascar (châu Phi) “chiếm nhiều dung lượng nhất”, bởi gần như mỗi lần đi vào rừng, cô lại bắt gặp một loài động vật mới, đặc biệt hoặc đang trong tình trạng nguy cấp.
Lần đầu đặt chân đến một vùng đất xa xôi nhưng Trang Nguyễn cho biết cô không sợ hãi, mà còn rất hào hứng: “Đây là nơi tôi mong muốn đặt chân đến từ lâu. Hồi nhỏ, mẹ mua cho tôi một cuốn sách về thực vật, trong đó có nói về cây bao báp ở Madagascar. Khi ấy, tôi đã rất muốn đến vùng đất này để có thể nhìn và ôm loài cây đó”.
Yêu mến và ngưỡng mộ loài voi nhất nhưng Trang Nguyễn chọn gấu là nhân vật đầu tiên để viết sách vì theo cô, chính ký ức năm xưa về cảnh tượng hút mật gấu đã giúp cô hiểu thế nào là vấn nạn về động vật hoang dã.
Tập 2 của bộ sách Chang hoang dã viết về hành trình giải cứu voi. Ảnh: Thu Huệ. |
Thông điệp về tình yêu thiên nhiên hoang dã
Chia sẻ về tên bộ sách Chang hoang dã, nữ tác giả cho biết “Chang” xuất phát từ tên thật của cô, nhưng có sự thay đổi phụ âm để tạo điểm nhấn đặc biệt. Còn từ “hoang dã” hướng tới cả nhân vật trong truyện và tác giả ngoài đời, họ đều yêu mến thiên nhiên hoang dã và làm công tác bảo tồn động vật.
“Tiêu đề này gửi gắm mong muốn giữ lại thế giới hoang dã và phát triển nó để nhiều người thêm hiểu và yêu nó hơn nữa. Đây chính là nơi chúng ta thuộc về. Cũng vì thế, 100% kinh phí từ các cuốn sách mà tôi thực hiện hay các giải thưởng đi kèm, tôi đều quyên góp vào công tác bảo tồn, cứu hộ”, Trang Nguyễn cho hay.
Từ trái qua: MC Phan Đăng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, tác giả Trang Nguyễn, họa sĩ Jeet Zdũng. Ảnh: Thu Huệ. |
Từng thực hiện loạt phóng sự điều tra về bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng để có được môi trường hoàn hảo, chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ ở cả một thế hệ. Bởi đâu đó vẫn có những câu chuyện đáng xấu hổ về ý thức săn bắn, sử dụng trái phép nguồn tài nguyên, động vật hoang dã.
Lắng nghe câu chuyện của Trang Nguyễn, cây bút phóng sự này “không thể tưởng tượng được cô gái ấy đã sinh tồn trong rừng như thế nào suốt hành trình dài như thế và chống lại sự tấn công ra sao trước bao mối nguy hiểm, thách thức”.
Theo ông Hoàng, thành công của bộ sách đến từ cả phần viết và vẽ. Đặc biệt, tác giả “viết như không viết, biết xác định thời điểm, câu chuyện hay và ‘nhặt’ chi tiết rất giỏi”.
“Thế mạnh của Trang là có một tâm hồn nhạy cảm, chất văn chương và sự sáng tạo. Trang viết một cách có tính toán chứ không hề ngẫu hứng. Bộ sách truyền cảm hứng cho chúng ta về ý thức bảo tồn sự đa dạng của sinh học”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhận xét.
Trên cả hành trình tuyệt diệu của tình yêu thương, sự tử tế và niềm hy vọng trong từng nhân vật xuất hiện ở tác phẩm, Chang hoang dã – Voi nói riêng và cả bộ sách nói chung đã truyền tải được thông điệp về tình yêu thiên nhiên, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Chang hoang dã – Gấu và Chang hoang dã – Voi đã được nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới mua bản quyền như: Penguin Random House (Mỹ), Bookdream (Hàn Quốc), Jieli (Trung Quốc), Ayrinti (Thổ Nhĩ Kỳ), Fontini (Na Uy), AST (Nga)…