Tiếp nối thành công của Chang Hoang Dã – Gấu, hai tác giả Trang Nguyễn và Jeet Zdũng tái ngộ độc giả trong phần tiếp theo của bộ tranh truyện về bảo tồn động vật hoang dã. Tập tranh truyện mang tên Chang Hoang Dã – Voi (Nhà xuất bản Kim Đồng, vừa được phát hành).
Chang Hoang Dã – Voi tiếp tục kể về hành trình của nhà bảo tồn động vật hoang dã Chang. Trong hành trình mới, Chang cùng những người đồng nghiệp giải cứu những chú voi to lớn bị bóc lột, từng bước đưa chúng trở về thiên nhiên hoang dã. Tập truyện dẫn dắt người đọc bước vào thế giới của những chú voi to lớn, hiền lành để hiểu rằng: “Voi cần được sống hoang dã và tự do”.
Tác giả Trang Nguyễn được biết đến là một nhà bảo tồn động vật hoang dã có tiếng với nhiều thành tựu nổi bật trên thế giới. Chị bắt đầu tham gia vào các hoạt động tình nguyện về bảo tồn động vật hoang dã từ năm 17 tuổi. Cho đến nay, hành trình làm công tác bảo tồn với cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất xa xôi trên thế giới đã giúp chị có được nhiều trải nghiệm thực tế và gắn bó với thiên nhiên hoang dã. Viết Chang hoang dã là cách để Trang Nguyễn kể về ước mơ cháy bỏng muốn bảo vệ sự sinh tồn cho những loài động vật hoang dã – và rộng hơn là tình yêu mãnh liệt dành cho thiên nhiên.
Tác giả Trang Nguyễn. |
Ngay từ khi chọn tên Chang hoang dã, tác giả Trang Nguyễn cùng cộng sự đã xác định đây là cuốn sách hướng tới người Việt, kể những câu chuyện thuần Việt, nên tên gọi của bộ truyện phải là tiếng Việt. Truyện được xuất phát từ chính hành trình của tác giả nên tên Chang đã được chọn một cách khéo léo bằng các thay đổi phụ âm (Tr thành Ch). Đó cũng là tên nhân vật chính xuyên suốt bộ truyện. Hơn nữa, từ Chang còn có nghĩa là voi trong tiếng Thái, tiếng Lào.
Trong khi đó, “hoang dã” là từ gắn liền với cuộc đời của cả Trang – tác giả và Chang – nhân vật. Họ đều là những người đang làm công tác bảo tồn, và đều yêu mến thiên nhiên hoang dã. Theo tác giả Trang Nguyễn, “tựa đề Chang hoang dã còn nói lên được mong muốn giữ lại thế giới hoang dã và phát triển nó để mọi người hiểu thêm, cũng như để cảm nhận thiên nhiên hoang dã là nơi chúng ta xuất phát và cũng là nơi chúng ta thuộc về”.
2. Kể từ tập truyện đầu tiên Chang Hoang Dã – Gấu, tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng phải mất đến gần 3 năm để hoàn thành Chang Hoang Dã – Voi. Điều này cho thấy sự đầu tư tỉ mỉ từ nội dung đến hình thức của bộ đôi tác giả này.
Cụ thể, để hoàn thiện mỗi tập sách, họa sĩ Jeet Zdũng đã nhiều lần phải thay đổi kịch bản, thực hiện những chuyến thực địa, điền dã nhiều ngày, quan sát tận mắt cuộc sống của các loài sinh vật và trải nghiệm không gian thiên nhiên hoang dã. Bởi vậy, cây cối và muông thú trong Chang Hoang Dã đều được đặc tả sinh động, tỉ mỉ và trau chuốt đến từng chi tiết.
Họa sĩ Jeet Zdũng cho biết, anh đã đến vườn quốc gia Nam Cát Tiên để thực hiện cuốn Gấu và đến vườn quốc gia Yok Đôn để thực hiện cuốn Voi. Mỗi nơi đó là một hệ sinh thái khác nhau. Chỉ có đi thực địa, đến tận nơi, nhìn tận mắt, anh mới có thể cảm nhận được hết diện mạo, biểu cảm, thói quen, tập tính của từng loài sinh vật. Đặc biệt, việc quan sát sinh cảnh quan trọng nhằm đảm bảo tính chân thực, thể hiện tốt nhất cảm xúc của gấu, của voi khi đưa lên tranh vẽ.
Trong khi đó, với Trang Nguyễn, câu chuyện trong Chang Hoang Dã – Voi được viết ra trên nguồn cảm hứng đến từ những nhân vật và sự kiện có thật mà chị đã trải qua. Chị đã tìm kiếm và khám phá ra câu chuyện về voi H’Non và Wat để rồi cho ra đời một cốt truyện đầy cảm xúc.
Tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng. |
Chang Hoang Dã – Voi kể câu chuyện về H’Non, một cô voi hoang dã tại Tây Nguyên, Việt Nam. H’Non bị bắt về từ khi còn nhỏ và trải qua quá trình huấn luyện tàn khốc để phục vụ các nhu cầu của con người như kéo gỗ, chở hàng và cho khách du lịch cưỡi. Theo thời gian, H’Non già yếu nhưng vẫn tiếp tục bị bóc lột. Chang quyết tâm tìm cách đưa cô voi H’Non trở về với rừng già. Cùng Wat – quản tượng mới của H’Non, họ không quản ngại biết bao khó khăn để giúp cô voi tìm lại bản năng giống loài tự nhiên và tái hòa nhập với đàn voi hoang dã.
Chuyện thực kể bằng cảm xúc có lẽ là điều đặc biệt ở tác giả Trang Nguyễn khi viết Chang Hoang Dã. Chị vẫn thường viết không có chủ đích, chỉ viết khi có cảm xúc. Thời gian viết kịch bản cho cuốn Chang Hoang Dã – Voi, chị nhớ lại: “Tôi viết kịch bản cho cuốn Voi khi đang công tác ở Mozambique. Có lúc đang ngồi làm việc ở văn phòng, có cảm xúc tự nhiên đến, tôi gác lại công việc”.
“Viết câu chuyện về cuộc đời của voi H’Non, tôi vừa viết, vừa khóc. Đồng nghiệp ngạc nhiên khi thấy tôi đang làm việc lại khóc. Sau đó, tôi bắt đầu kể về câu chuyện của cuộc đời H’Non, cuộc đời của một cô voi đã bị đánh cắp như thế nào và trong những năm tháng cuối đời H’Non đã sống ra sao”, Trang nói thêm. Như thế, câu chuyện được kể bằng cảm xúc sẽ khiến mọi người dễ nhớ và đồng cảm, thay vì chỉ đề cập đến những dữ liệu khoa học về động vật hoang dã.
“Viết câu chuyện về cuộc đời của voi H’Non, tôi vừa viết, vừa khóc. Đồng nghiệp ngạc nhiên khi thấy tôi đang làm việc lại khóc…” (Trang Nguyễn)
3. Phải khẳng định rằng, cả 2 tập truyện Chang Hoang Dã – Gấu và Chang Hoang Dã – Voi đều chứa đựng đầy ắp tình yêu với thiên nhiên hoang dã của nhân vật Chang, hay cũng chính là của tác giả. Tình yêu này được bồi đắp ngay từ những ngày tháng ấu thơ được sống hòa mình với thiên nhiên của Trang Nguyễn.
Chị kể: “Tôi may mắn sinh ra vào thời điểm đô thị hóa chưa diễn ra mạnh mẽ. Khu nhà tôi sống nằm ngoài rìa của Hà Nội. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ những ngày Hè mưa lớn, nước sông ngập lên biết bao cá, ếch, nhái, nòng nọc… Tôi có thể nhìn thấy thiên nhiên ở ngay bên cạnh mình. Và lúc nào tôi cũng cảm thấy tò mò. Từ sự tò mò đã thôi thúc tôi tìm hiểu và yêu thế giới thiên nhiên nhiều hơn”.
Bộ tranh truyện Chang Hoang Dã. |
Để rồi, những ám ảnh đầu đời đã nhen nhóm trong cô bé Trang ngày ấy thêm sự trách nhiệm với động vật hoang dã. Chị kể tiếp: “Trong một lần đi học về muộn, tôi đã vô tình chứng kiến cảnh nhà hàng xóm nuôi gấu lấy mật. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy một con gấu ở ngoài đời. Cảnh hút mật gấu khi ấy với mùi đặc trưng, tiếng kêu, âm thanh và hình ảnh gần như ám ảnh trong tâm trí của tôi – một đứa trẻ. Khi ấy, tôi chỉ có một suy nghĩ là làm cách nào để cứu con gấu”.
Kể từ suy nghĩ này, Trang bắt đầu tìm hiểu về công tác bảo tồn động vật hoang dã. Ngay khi học cấp 3 chị đã bắt đầu làm tình nguyện viên của các tổ chức bảo tồn để hiểu thêm về công việc này. Càng hiểu thêm, chị càng thấy yêu và bắt đầu theo đuổi con đường của một người làm bảo tồn động vật hoang dã.
Trên hành trình của một nhà bảo tồn động vật hoang dã, tác giả Trang Nguyễn đã có những chuyến đi dấn thân đến những cánh rừng xa xôi của Madagascar tại châu Phi. Những chuyến đi ấy giúp chị có những ghi chép chân thực về cuộc sống nơi hoang dã, những tập tính, tương tác của các loài sinh vật. Chị vẫn thường có thói quen ghi chép những gì mình thấy, mình trải qua vừa bằng con mắt của một nhà nghiên cứu và bằng cả tâm hồn chan chứa cảm xúc của một người yêu thiên nhiên hoang dã mãnh liệt.
Những ghi chép cứ như thể “lặn” vào người chị sau mỗi chuyến đi. Để khi cảm xúc đầy lên, chữ nghĩa trào ra và viết lên những câu chuyện xúc động như trong Chang Hoang Dã. Đọc Chang Hoang Dã ở tập nào cũng sẽ thấy tác giả Trang Nguyễn đã sống thật với đời sống của một người làm bảo tồn. Kết hợp với một tâm hồn nhạy cảm, bản tính văn chương và khả năng sáng tạo, tất cả đã giúp chị có được những chi tiết ám ảnh trong những câu chuyện giàu sức lay động về thiên nhiên hoang dã.
Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1990 tại Hà Nội. Chị là người sáng lập và giám đốc điều hành WildAct – tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam từ năm 2013. Tháng 11/2017, chị có mặt trong Top 5 mục cống hiến xã hội của giải thưởng The Women of Future Khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, chị nhận giải Chiến Binh Xanh do Elles Vietnam bình chọn. Năm 2019, chị là một trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu thế giới do BBC bình chọn.
Họa sĩ Jeet Zdũng tên thật là Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1988. Anh được biết đến với Giải Nhì trong cuộc thi vẽ truyện tranh Nét rồng thiêng năm 2010. Cùng với đó, anh tham gia nhiều dự án vẽ minh họa, truyện tranh khác.