Ngư dân giăng lưới tại bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. |
Sầm Sơn mà tôi đã quen biết mỗi mùa hè kể từ khi tôi bốn, năm tuổi, trước tiên bắt đầu từ con đường nhựa hai bên trồng phi lao nối liền thị xã Thanh Hóa với bãi biển vào loại đẹp nhất ở miền Bắc.
Vào mùa hè rất nắng, ngồi trên ôtô (chắc là ôtô hàng vì vào thời đấy, trừ những người rất giàu, dân Việt Nam không có ôtô riêng), nhìn lên đường nhựa một quãng xa, tôi thấy lấp loáng như có vệt nước. Ba tôi giải thích cho chúng tôi rằng đấy chỉ là mirage (ảo tượng) của mắt thôi.
Quả nhiên sau này lúc mười, mười hai tuổi, được xem cuốn phim Antinéa (chuyển thể nổi tiếng của một cuốn tiểu thuyết hiện đại), tôi đã thấy trên màn ảnh, lúc đi trên sa mạc để tìm tới một ốc đảo, hai nhân vật của cuốn phim gần chết khát, luôn luôn nhìn thấy ở xa xa một nơi lấp loáng nước.
Rồi đến một ngã ba, cách Sầm Sơn khoảng hai, ba cây số, khi rặng núi “Người đàn bà chết đuối”, ở bên phải con đường nhựa, đã lấy đủ hình hài của nó (chỉ đến đúng nơi ấy mới thấy rõ bán diện của một người đàn bà nằm dài trên đất – trán, mũi, cằm – và mái tóc chảy ngược về phía biển), còn xuôi về phía Thanh Hóa là thân người, cổ, ngực, rồi cái bụng hơi to (vì uống nước) và chân, đến ngã ba đó, một luồng gió phả vào mặt chúng tôi, thơm mùi của nước biển của rong rêu và nắng gió, tanh tanh mặn mặn.
Cuối cùng đến ngã ba của 2e ligne (con đường nhựa thứ hai so với đường đầu tiên chạy dài theo bờ biển) là tôi đã trông thấy giữa hai dãy nhà ven phố, và giữa hai đỉnh phi lao, một mẩu biển màu lục nhạt.
Bởi vì Sầm Sơn vào mùa hè nắng chói chang vẫn ít khi đỏ ngầu hoặc nâu nhạt như ở Đồ Sơn (mưa bão đến rất nhanh rồi lại đi). Màu của nó cũng không hề là màu lam sẫm – bleu marine – của Địa Trung Hải như ta vẫn thấy trong bản đồ hoặc trên ảnh.
Màu biển Sầm Sơn vào mùa hè (và gần như quanh năm) bao giờ cũng dao động giữa gam của màu lục, lục nhạt, lục sẫm…. Vào những ngày đẹp nhất, nó có màu xanh của ngọc lục bảo, trong vắt: Nếu chúng tôi đi tắm vào những hôm ấy thì mở mắt trong nước, chúng tôi có thể thấy cả bàn chân mình.
Sầm Sơn vào thời ấy còn là nơi nghỉ của người Pháp và dân Việt Nam loại giàu. Hai bên các con đường nhựa chạy dọc theo bờ biển (được gọi là Sầm Sơn phía thấp – Sầm Sơn le bas) và của con đường dẫn lên núi (Sầm Sơn le haut) là những ngôi biệt thự núp sau cây xanh, nội thất rất sang trọng, mang những cái tên tùy theo thứ cây hoặc theo thứ hoa mà chủ nhân chúng đã chọn để trồng nhiều nhất: Biệt thự Trúc Đào, Lệ Liễu, Tường Vi…
Còn một loại nữa thường kết hợp với tên chủ nhân: Khi xây được một biệt thự ở phía cuối thị xã, bà bạn thân của ba tôi là Dật Viên (có nghĩa vườn nghỉ, nhưng đồng thời lấy lại tên của bà): Ba tôi thường tủm tỉm cười, đưa tay ra giật một cái rồi viên viên lại.
Ba tôi, tất nhiên chẳng bao giờ có ý định và có tiền xây dựng biệt thự, và đi nghỉ, gia đình tôi thường chỉ thuê những căn nhà, đôi khi rất khiêm tốn.
Sầm Sơn thời trước cách mạng lẫn lộn trong cuộc sống những trạng thái ngược nhau, được phô bày một cách hiển nhiên, tất yếu tới mức con người như không còn cảm nhận được sự vô lý.
Trong khi trên bãi biển, những người đi tắm mặc những bộ áo tắm đắt tiền, dệt bằng len dày, màu lục sẫm, đỏ mận hoặc bleu-marine (chỉ áo tắm bằng len lúc xuống nước mới có thể co khít vào người, không chảy ra như các loại vải khác), các cô thiếu nữ Pháp tóc vàng hoặc nâu, mặc soóc trắng, áo sơ mi màu đỏ rực hoặc đầy hoa to xanh sẫm tùy theo màu tóc; thì người đánh cá chỉ mặc mỗi cái khố, từ từ vừa đi vừa kéo mảng ngoài xa về, chân đánh nhịp theo bước đi.
Trong khi tôi biết hầu hết nhà người dân đều ăn cơm hấp khoai khô, thì ở những lò bánh nào đó người ta làm bánh mì baguette hoặc những bánh gatô ngon lành hoặc đơn giản chỉ là khoai lang thái chỉ, rán lên thành những chiếc bánh tròn rồi rắc đường lên.
Những đứa trẻ da và tóc cháy nắng mặc quần áo nâu vải thô, chạy bán những chiếc bánh đó trên bờ biển hoặc trong phố. Vậy mà hầu như khó thấy thể hiện sự khinh thị từ phía này, hoặc quỵ lụy từ phía kia.
Như thể biển xanh đến thế, cát trắng đến thế không cho con người nghĩ quá xấu về nhau hoặc quá sâu về thực trạng xã hội. Thực ra chỉ ít năm sau thôi, nạn đói sẽ ập xuống Sầm Sơn nặng hơn nơi khác nhiều.
Hàng vài chục năm sau khi trở lại, và hỏi thăm gia đình các chủ cũ của những ngôi nhà nông dân chúng tôi đã ở, một bà bán nước đã cho tôi biết rằng năm 1945, người Sầm Sơn đã phải bỏ đi nơi khác rất nhiều để tránh đói và ít gia đình về trở lại.
Mùa hè đầu tiên, chúng tôi còn chưa thuê nhà mà đến ở biệt thự một người bạn của ba tôi làm chủ bưu điện (lúc ấy gọi là chủ dây thép) của Sầm Sơn. […]
Từ năm 1943 trở đi, sau khi Nhật ném bom Hà Nội, chúng tôi vào ở hẳn Sầm Sơn và bạn bè ba tôi lại càng nhiều, càng đa dạng, không chỉ phần lớn là trí thức và học sinh như khi ở Hà Nội.
You must be logged in to post a comment Login