Trong quá trình khai thác thuộc địa, để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của quan chức và tầng lớp giàu có, người Pháp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, đồng thời tiến hành thăm dò, khảo sát một số địa điểm nghỉ mát ở miền núi và miền biển.
Sớm phát hiện bán đảo Đồ Sơn (Hải Phòng) và Sầm Sơn (Thanh Hóa) có nhiều tiềm năng như đa dạng thắng tích huyền thoại, hội tụ những yếu tố lý tưởng về cảnh quan, sinh thái, khí hậu, người Pháp đã nhanh chóng biến hai vùng đất này thành những điểm nghỉ mát quan trọng nhất ở Đông Dương.
Trong cuốn Tỉnh thành xưa ở Việt Nam, Lưu Đình Tuân dịch (tuyển chọn các bài đăng trên Tuần san Indochine – tờ báo tiếng Pháp có nhiều cộng tác viên là thành phần trí thức trong những năm 40 thế kỷ trước) có các bài viết phản ánh quá trình quy hoạch 2 khu nghỉ mát này.
Một góc Đồ Sơn những năm 1938-1939. Nguồn: kienthuc. |
Điểm đến lý tưởng ở Bắc Kỳ
Trong bài Những điểm nghỉ mát trên biển của Bắc Kỳ: Đồ Sơn, tác giả X. cho biết người Pháp biết đến bán đảo Đồ Sơn từ khá sớm. Năm 1880, Jean Dupuis đổ bộ lên bán đảo nhưng chỉ khảo sát qua loa các địa điểm.
Năm 1886, các ông Vlaveanos, Costa và Gouma “phát hiện” ra Đồ Sơn. Bị chinh phục bởi sự trong lành của khí hậu nơi này, ba người đã khuyên các gia đình muốn trốn cái nóng oi bức của Bắc Kỳ, hãy tới các bãi biển của Đồ Sơn.
Làm theo lời khuyên đó, một số gia đình đã đi ngựa qua các bãi và đầm lầy hoặc trên những chiếc thuyền tam bản thô sơ ra Đồ Sơn dựng nhà lá.
Sau đó không lâu, một công ty thương mại, rồi Nha Thương chính đã thiết lập dịch vụ vận chuyển hàng tuần giữa Đồ Sơn và đất liền bằng xà lúp (chaloupe).
Năm 1891, một tuyến đường bộ nối Hải Phòng với Đồ Sơn được khởi công và năm 1892 thì hoàn thành. Vào thời kỳ này, trú sứ Kiến An cho xây dựng ở Đồ Sơn một ngôi biệt thự. Việc làm này của ông ngay lập tức được hàng chục gia đình hưởng ứng và số căn nhà bằng gạch xây mới tại Đồ Sơn ngày càng nhiều.
Những chiếc ôtô ra đời càng tạo điều kiện cho Đồ Sơn phát triển. Các con đường lớn dần dần thay thế những tuyến đường mòn và người ta có thể đi lại khắp thị trấn trên những con đường to đẹp phần lớn đã được trải nhựa.
Càng ngày trung tâm nghỉ mát Đồ Sơn càng được nhiều người biết đến và lui tới. Những yếu tố như: đường vào thuận lợi, cảnh trí như tranh, khí hậu trong lành, sự chào đón niềm nở… đã giúp Đồ Sơn trở thành điểm đến lý tưởng ở Bắc Kỳ.
Hàng năm từ tháng 5 tới tháng 10, Bãi Lớn, vịnh Clateau, vịnh Hoa tiêu (Baie des Pilotes), vịnh Pagodon rất nhộn nhịp. 150 biệt thự, 3 khách sạn và nhiều hàng ăn không đủ phục vụ khách đi nghỉ hè.
Bài viết cũng cho biết quá trình người Pháp quy hoạch bán đảo Đồ Sơn thành đô thị: Năm 1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ký ban hành Nghị định ngày 18/5 về việc nâng Đồ Sơn lên thành đô thị. Năm 1911, địa hạt của đô thị này được chia thành ba khu và được xác định rõ vào năm 1929. Địa giới hành chính của khu khu đô thị được phê chuẩn vào năm 1933 và các thủ tục đăng ký nhà đất được thực hiện bằng Nghị định ngày 27/5/1940.
Ngày 31/12/1921, thị trấn được coi như ngoại ô đặt dưới quyền của thị trưởng Hải Phòng. Theo Nghị định ngày 29/2/1924 của Toàn quyền Đông Dương, Đồ Sơn trực thuộc tỉnh Kiến An.
Vào những năm 1940, các công trình đô thị hóa được đẩy mạnh. Hai tuyến đường, một tuyến nối dinh thự của trú sứ với Nhà Thanh Niên, một tuyến chạy men theo bờ biển có biệt thự Saint Mathurin tới khu quân sự được lập ra; một sân thể thao cạnh đồn binh. Một khu chợ và một lò mổ phù hợp với quy mô của thị trấn được xây dựng.
Biệt thự của Công sứ Thanh Hóa 1920-1929, gần đền Độc Cước. Ảnh: Manhhai/flickr. |
Điểm nghỉ mát bên biển hàng đầu của Đông Dương
So với Đồ Sơn, Sầm Sơn được phát hiện muộn hơn. Trong bài Sầm Sơn, tác giả Ưng Quả cho biết điểm nghỉ mát này được phát hiện ra vào khoảng năm 1900, lúc đường Xuyên Đông Dương làm tới Thanh Hóa.
Tác giả cũng cho biết không kể những người sau này, chỉ riêng ba viên quan liên tiếp cai trị Thanh Hoá sớm nhất là Moulié, Soler, Pasquier đã đua với các quan Nam triều phát triển Sầm Sơn, nơi họ biết sẽ phát triển rất nhanh. Lúc đó các điểm nghỉ mát trên cao còn chưa được biết tới nên hầu hết viên chức Bắc Kỳ tới thuê ở các làng Sầm Sơn, hoặc cho gia đình tới.
Đến giữa thế kỷ 20, Sầm Sơn trở thành một trong những điểm nghỉ mát bên biển chính của Đông Dương. Nơi đây được quy hoạch gồm hai trung tâm đô thị với tổng diện tích 244 ha.
Sầm Sơn thượng nằm trên những sườn núi ở phía nam khu nghỉ mát trông ra biển. Phía tây là những cánh đồng lúa ngút mắt. Khu vực này có 40 biệt thự (32 biệt thự một tầng và 8 biệt thự có tầng lầu), trong đó có biệt thự của trú sứ và tổng đốc. Nhiều đường rộng và tốt ngang dọc khu cho phép đi dạo bộ hoặc đi bằng ôtô. Trung tâm được phủ xanh bằng thông, phi lao và các loại cây có hương thơm của địa phương.
Sầm Sơn Hạ là khu dân cư cổ nhất, nằm từ mũi Sầm Sơn Thượng tới Cửa Lạch Triều. Trong khu có 214 nhà gạch, trong đó có 22 nhà tầng, không kể nhà trong chợ, xếp thành 4 dãy phố dọc theo 2 km bờ biển. Ngăn cách bãi biển với các phố là một hàng rào phi lao bảo vệ khu dân cư khỏi cát lấn. Trong khu này, người ta vạch các đường phố chính và xây dựng khách sạn, công sở, trong đó có nhà bưu điện, trạm điện báo, điện thoại và một nhà máy phát điện.
Tác giả Ưng Quả cũng cho biết người ta có thể thấy tương lai của Sầm Sơn với sự tin cậy và lạc quan. Sự phát triển nhanh chóng của Sầm Sơn sẽ tiếp tục hàng năm với những tiến bộ mới. Sầm Sơn Thượng, mới xây dựng (khi đó) sẽ nhanh chóng mở rộng ra theo hướng trở thành một trung tâm theo kiểu châu Âu, trong khi Sầm Sơn Hạ ngày càng được nhiều khách nghỉ hè người Việt lựa chọn.
Tác giả cũng đưa ra nhận định: “Khí hậu dễ chịu và trong lành, vị trí không đâu sánh được khiến Sầm Sơn trở thành một trong những điểm nghỉ mát bên biển hàng đầu của Đông Dương”.